San Diego - 20 ngày đầu tiên của năm mới, những chiếc xe hơi tiến vào bãi đậu xe của công viên Petco, là sân nhà của đội bóng chày San Diego Padres. Những cánh tay vẫy, những người phục vụ hướng dẫn những chiếc xe thành ba, bốn hàng nữa, và hét lên như thể trận bóng đã bắt đầu.

Nhưng đội bóng của họ không thi đấu. Thay vào đó, công viên Petco làm nơi tiêm chủng Covid-19 của thành phố này. Trong 9 ngày liên tiếp, nơi này đã tiêm cho khoảng 5000 người, suốt từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối.

Tính đến hết tháng một, gần 100 triệu người trên thế giới đã được tiêm vaccine Covid-19, hơn 1 triệu người đang được tiêm mỗi ngày ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Còn châu Âu chậm chạp hơn. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận vào ngày 5/2 là 75% số trường hợp được tiêm chủng tập trung ở 10 quốc gia. Khoảng 130 quốc gia vẫn chưa tiêm vaccine Covid-19 cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, các loại vaccine cuối cùng đã mang lại cho thế giới hy vọng thoát khỏi vòng vây của Covid-19.

Israel đã tiêm chủng cho nhiều dân số hơn bất kỳ quốc gia nào - và họ đã số ca nhiễm Covid-19, nhập viện và tử vong ở đây đã giảm đáng kể. Ảnh: Amir Levy/Getty

Hiện nay, khi các chiến dịch tiêm chủng ngày càng tăng nhanh, một loạt câu hỏi cấp bách đặt ra: Liệu việc tạo miễn dịch có đồng nghĩa là sẽ không lây lan virus không? Khi nào cuộc sống hằng ngày trở lại bình thường? Và những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh hơn hoặc né tránh vaccine không?

Tác động trước hết ở nhóm cao tuổi

Một tháng sau chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ, Abeles nghĩ rằng cô đã thấy tác dụng. Bắt đầu từ giữa tháng 12/2020, khoảng 11.000 nhân viên Y tế UC San Diego bắt đầu được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, cả hai loại này đều chứa RNA thông tin (mRNA). Vào lúc cao điểm, UC San Diego Health phát hiện từ 20 đến 30 ca nhân viên y tế nhiễm mỗi ngày, và nhiều trường hợp trong đó không có triệu chứng. Đến tuần thứ ba của tháng Giêng, con số này đã giảm xuống đáng kể.

Biểu đồ 1: Phân tích 130.000 ca được tiêm vaccine cho thấy tình trạng lây nhiễm giảm đáng kể: Nguồn: N. Desai/Science; (Data) Maccabi Research and Innovation Center.

Nếu đây vẫn là bằng chứng sơ bộ, thì căn cứ thuyết phục hơn đến từ Israel, quê hương của chiến dịch tiêm chủng tích cực nhất và được nghiên cứu tốt nhất trên thế giới cho đến nay. Một đất nước 9 triệu dân, Israel có dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân được cung cấp chủ yếu thông qua 4 HMO (health maintenance organizations: tổ chức duy trì sức khỏe) với hồ sơ y tế điện tử tuyệt vời. Chính phủ Israel đã đàm phán với Pfizer để họ nhanh chóng tiêm vaccine mRNA, đổi lấy việc chia sẻ dữ liệu về tác động của vaccine với công ty Pfizer. Từ 19/12 đến 4/2, 39% người Israel đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Tính theo đầu người, mức độ bao phủ cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (36%).

Các trường hợp mắc và nhập viện Covid-19 ở Israel dường như giảm nhanh hơn ở những người từ 60 tuổi trở lên (là nhóm đầu tiên được tiêm vaccine), so với nhóm người từ 40 đến 60 tuổi. Việc triển khai vaccine Covid-19 linh hoạt của Israel trước tiên nhắm vào người cao tuổi. Phân tích 132.000 người từ 60 tuổi trở lên được tiêm liều ban đầu vào cuối tháng 12/2020 cho thấy các mũi tiêm này đã bắt đầu làm giảm số lượng ca nhiễm trong đại dịch ở quốc gia này chỉ một tháng sau đó. Các ca nhiễm Covid-19 đã giảm trên toàn Isarel kể từ tháng 12, so sánh giữa các quận đã tiêm mũi đầu cho thấy những quận đã tiêm giảm số ca nhiễm hàng ngày lớn hơn gấp đôi so với nơi không tiêm (giảm 48% so với 21%).

Tại Hoa Kỳ, những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn, hầu hết là người già và nhân viên của cơ sở đó được ưu tiên để tiêm vaccine. Những nhóm người này chiếm khoảng 40% số ca tử vong do Covid-19 của nước này, vì vậy tác động của việc tiêm vaccine đối với việc nhập viện và tử vong của nhóm cao tuổi có thể sẽ quan sát được “chắc chắn trong vòng một hoặc hai tháng”. Tuy nhiên, làm giảm các ca nhiễm Covid-19 trên toàn đất nước là một cuộc chiến kiên trì và dài hơi hơn nhiều, đòi hỏi phải triển khai vaccine nhanh và đồng đều như ở Israel.

Tiêm phòng có ngăn chặn được lây lan virus?

Nếu vaccine tạo ra khả năng miễn dịch tiệt trùng (với mầm bệnh) mọi lúc (với miễn dịch tiệt trùng, virus không thể xâm nhập vào trong cơ thể vì hệ thống miễn dịch ngăn chúng vào tế bào và nhân lên), thì không có ai tiêm vaccine mà sẽ truyền virus. Ông bà đã được tiêm chủng có thể vui chơi an toàn với những đứa cháu chưa được tiêm phòng. Các quốc gia có thể chào đón những du khách đã tiêm phòng mà không lo sợ về việc đưa các biến thể virus mới vào đất nước của mình.

Tuy nhiên, rất ít loại vaccine, đối với bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, tạo ra khả năng miễn dịch tiệt trùng đó - ngay cả những loại hiệu quả nhất. John Mascola, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Vaccine tại Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng (NIAID), cho biết: “Nếu bạn đã tiêm vaccine, liệu bạn có thể có virus trong mũi và loại bỏ được nó không?” Đó là cách mà các nhà nghiên cứu vaccine AstraZeneca – Đại học Oxford gần đây đã cố gắng nghiên cứu. Trong một thử nghiệm về tính hiệu quả của vaccine AstraZeneca ở Anh, những người tham gia lấy mẫu dịch mũi hằng tuần tại nhà. Kết quả cho thấy tiêm chủng làm giảm các trường hợp nhiễm trùng không có triệu chứng tới 49,3%. Hãng Moderna cũng đã báo cáo tình hình giảm các ca nhiễm không có triệu chứng tương tự chỉ sau khi tiêm một liều vaccine, kết quả cho thấy vaccine có hiệu quả 94% đối với bệnh nhẹ. Dữ liệu ban đầu từ Israel cho thấy những người bị nhiễm SARS-CoV-2 được tiêm vaccine đã giảm nồng độ virus, điều này có thể khiến họ ít lây nhiễm hơn.

Việc tìm hiểu liệu vaccine có thể làm ngừng khả năng lây truyền hay không có thể không phải ưu tiên hàng đầu với các cơ quan quản lý thời điểm này. Nhưng các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để đánh giá liệu những người được tiêm phòng có lây lan virus hay. Đây là điều đáng làm, vì nếu không trả lời được câu hỏi này, chúng ta vẫn phải bịt khẩu trang để phòng ngừa.

Biểu đồ 2: Biến thể virus có thể ảnh hưởng đến lộ trình bao phủ của vaccine.

Khi nào cuộc sống trở lại bình thường?

Điều đó phụ thuộc vào định nghĩa của "bình thường". Đối với nhiều người hiện nay, nó có nghĩa là miễn dịch cộng đồng, trong đó một tỷ lệ cao dân số đã được tiêm phòng hoặc bị nhiễm bệnh tự nhiên, để lại quá ít vật chủ nhạy cảm để virus tiếp tục lây lan.

Ý tưởng về miễn dịch cộng đồng đã quay trở lại khi dường như có những nhóm nhiễm SARS-CoV-2 và có khả năng miễn dịch ở một mức độ nào đó. Ví dụ, ở Ấn Độ, xét nghiệm huyết thanh học đã tìm thấy kháng thể chống lại virus ở khoảng một nửa số người ở thành phố Delhi và toàn bộ bang Karnataka. Và mặc dù không ai khẳng định điều này đáp ứng ngưỡng miễn dịch của cộng đồng, nhưng các trường hợp mắc mới gần đây ở Ấn Độ đã giảm nhanh chóng.
Vẫn chưa rõ là bao nhiêu phần trăm dân số cần được tiêm phòng hoặc phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 trước khi khả năng miễn dịch cộng đồng bắt đầu. Các dự đoán ban đầu là từ 60% đến 70% và sau đó tăng lên đến 90% - nhưng đó là dựa trên mô hình hoặc thậm chí là phỏng đoán và chưa nhóm nghiên cứu nào thực sự biết chắc chắn về điều này.

Các vaccine Covid-19 được tiêm đang có hiệu quả cao trong việc chống lại các ca nhập viện và tử vong, nhưng thành công trong việc đối phó với các triệu chứng nhẹ và trung bình bị giảm mạnh khi đối mặt với các biến thể virus có thể né tránh các kháng thể do vaccine kích hoạt. Ngay cả khi khả năng miễn dịch cộng đồng xuất hiện, nó có thể dễ dàng bị phai nhạt khi khả năng miễn dịch suy giảm hoặc xuất hiện các biến thể mới.

Tuy nhiên ngày càng có nhiều người công nhận rằng, ngay cả khi việc tiêm chủng rộng rãi không thể ngăn chặn sự lây lan của virus, nó hứa hẹn một bước tiến lớn để cuộc sống trở lại bình thường. Nhiều nhà dịch tễ học cho biết việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong ở người cao tuổi và những người mắc nền vẫn là một chiến thắng vang dội trước virus.

Tuy nhiên vẫn còn một số lượng lớn dân số vẫn có thể bị nhiễm bệnh và phát triển bệnh nhẹ hoặc nhiễm bệnh mà không có triệu chứng. Điều đó khiến một số nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng lo lắng, họ lưu ý rằng ngay cả những trường hợp nhẹ cũng có thể dẫn đến hiện tượng với các triệu chứng kéo dài. Nhưng các bệnh viện sẽ không quá tải với các ca cấp cứu và các trường hợp tử vong sẽ ngày càng hiếm.

Nicole Lurie, cố vấn của Liên minh các đổi mới chuẩn bị sẵn sàng cho dịch bệnh nhận định: “Chúng ta sẽ không chấm dứt được loại virus này và khả năng lan truyền của nó. Xã hội phải đưa ra quyết định với về mức độ ["bình thường"] nhất định mà chúng ta có thể và muốn sống cùng.” Rốt cuộc, xã hội vẫn đang sống chung với cúm, căn bệnh vẫn còn lưu hành dù đã có vaccine. Nhưng Lurie nhấn mạnh rằng bệnh cúm không phải là một điển hình hấp dẫn để làm gương, bệnh này vẫn là thủ phạm giết chết tới 60.000 người mỗi năm chỉ riêng ở Hoa Kỳ - một con số mà cô ấy không muốn chấp nhận với Covid-19.

Tuy nhiên, nhà miễn dịch học Brigitte Autran, thành viên của Ủy ban Khoa học của Pháp về Vaccine Covid-19, cho biết không cần tới miễn dịch cộng đồng để mang lại trạng thái bình thường của cuộc sống. “Mục tiêu đầu tiên là có sự bảo vệ cá nhân, và khi tất cả các cá nhân đã được bảo vệ, sẽ có mức độ bảo vệ của xã hội, từ đó cho phép các quốc gia quay trở lại với cuộc sống bình thường”.

Các đột biến virus có đe dọa khả năng miễn dịch?

Gần đây các nhà khoa học lo ngại về các biến thể virus ở Nam Phi khi nước này thậm chí đã tạm dừng kế hoạch triển khai vaccine AstraZeneca-Oxford, sau một thử nghiệm nhỏ ở đó cho thấy vaccine này chỉ có hiệu quả 22%.

Tuy nhiên, các phản ứng miễn dịch do vaccine kích hoạt có thể được giữ lại, đủ để ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng. Loại vaccine của Johnson & Johnson, cũng không chống lại được các ca bệnh nhẹ ở Nam Phi, nhưng nó ngăn ngừa tất cả hầu hết các ca bệnh nặng, giúp bệnh nhân không phải nhập viện hoặc tử vong.

Còn một mô hình (biểu đồ 2) ở San Diego cho thấy tác động của việc tiêm phòng Covid-19 sẽ bị giảm do biến thể B.1.1.7 lây lan nhanh, vốn đã chiếm 5% các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở đó. Vì thế nếu tiêm rồi mà vẫn nới lỏng phòng ngừa thì số ca mắc bệnh sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến lợi ích của việc tiêm chủng.

Mô hình trên cho thấy rằng các chiến dịch tiêm chủng tích cực trong ba tháng tới sẽ vẫn giảm một nửa số ca mắc bệnh. Nhưng nếu mất cảnh giác, không còn các biện pháp kiểm soát, thì các ca nhiễm Covid-19 sẽ tăng gấp ba lần ngay cả khi tiêm phòng nhanh chóng. Chúng ta đang ở vào thời điểm quan trọng của dịch bệnh, khi mà tiến trình giảm thiểu số ca mắc bệnh có thể nhanh chóng bị đảo ngược khi chủng B.1.1.7 mở rộng và trở nên phổ biến. Chúng ta có những công cụ cần thiết để chống lại sự lây lan virus: đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tiêm chủng. Bây giờ là lúc để tiêm chủng cho càng nhiều người càng nhanh càng tốt, đồng thời vẫn xiết chặt việc đeo khẩu trang cũng như đảm bảo giãn cách.

Thời gian cần thiết để điều chỉnh vaccine đối phó với các biến thể mới?

Vào năm 2020, các nhà phát triển vaccine đã chứng minh rằng họ có thể chuyển vaccine từ phòng thí nghiệm sang pha sẵn sàng thử nghiệm trên người trong vòng ít nhất là hai tháng. Nhưng cho đến nay, khoảng thời gian đó thường kéo dài khoảng bốn tháng. Những điều đó có lặp lại khi mỗi loại vaccine mới được cập nhật không? Không, Peter Marks, người đứng đầu bộ phận vaccine tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết. Theo ông, tất cả những gì cơ quan này yêu cầu là một nghiên cứu ở “quy mô vừa phải” ở người cho thấy các phản ứng miễn dịch do vaccine mới tạo ra giống với các phản ứng do vaccine gốc kích hoạt và có khả năng bảo vệ.

Rốt cuộc, vaccine cúm mùa được cập nhật hằng năm để theo kịp với virus cúm luôn biến đổi và nhanh chóng được chấp thuận. Các nhà sản xuất có thể loại bỏ các thành phần từ vaccine cũ và thay thế chúng bằng vaccine mới. Các cơ quan quản lý yêu cầu bằng chứng tối thiểu về sản phẩm đã sửa đổi - thường chỉ là các nghiên cứu trên động vật cho thấy nó hiệu quả tốt như mô hình trước đó.

Nhưng với vaccine Covid-19, quá mới nên không ai biết phản ứng miễn dịch nào tương quan với khả năng bảo vệ. Các nhà nghiên cứu cần tiếp tục so sánh các phản ứng miễn dịch giữa những người được tiêm phòng bị nhiễm virus đã “vượt qua” khả năng bảo vệ của họ và những người được tiêm phòng không bị nhiễm bệnh. Phân tích “sàng lọc” sâu hơn về các trường hợp đột phá sẽ tinh chỉnh các mối tương quan của khả năng bảo vệ, bằng cách xem xét di truyền của các biến thể đột phá đó. Điều đó có thể mở ra con đường cho việc phê duyệt nhanh chóng và triển khai vaccine, và đảm bảo rằng mọi tiến bộ chống lại đại dịch không vô ích - để bắt kịp với biến thể virus đang phát triển.

Nguồn bài và ảnh: sciencemag.org