Theo báo cáo mới đây, vào cuối thế kỷ 21, biến đổi khí hậu sẽ làm nhiệt độ và độ ẩm lên đến mức cực đoan và biến Nam Á thành vùng đất chết.
Hầu hết người lao động ở khu vực Nam Á vẫn phải làm việc ngoài trời mà không có bóng râm. (Ảnh: AP)
Những thay đổi trên có thể ảnh hưởng đến 1/3 cư dân sống trong vùng đồng bằng Ấn Hằng, trừ khi cộng đồng toàn cầu tăng tốc nỗ lực kiềm chế lượng khí thải CO2. Hiện có khoảng 1,5 tỉ người đang sống trong khu vực rộng lớn này.
Eun-Soon Im - trưởng nhóm tác giả, trợ lý giáo sư của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho biết: "Các khu vực chịu sự tác động mạnh nhất của nhiệt độ tập trung quanh khu vực nông nghiệp đông đúc của lưu vực sông Hằng và sông Ấn”.
Trong khi hầu hết các nghiên cứu về khí hậu chỉ dựa trên các dự báo về nhiệt độ, thì nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Science Advances này còn xem xét đến độ ẩm và khả năng cơ thể tự làm mát để phản ứng lại.
Nhiệt độ nhiệt kế ướt hay còn gọi là nhiệt độ bầu ướt: là nhiệt độ đo bằng nhiệt kế có bầu thủy ngân được bọc kín bằng bông ướt tiếp xúc với dòng không khí chuyển động nhanh xung quanh.
Nhiệt độ, độ ẩm và khả năng tự làm mát của cơ thể sẽ được đo bằng "nhiệt độ nhiệt kế ướt", tức là đo nhiệt độ của không khí khi khăn ướt bọc quanh ống đo nhiệt. Các nhà khoa học dùng cách đo này để ước luợng sự bốc hơi của nước. Cách tính nhiệt độ này cũng có thể dự báo những nơi mà điều kiện khí hậu có thể trở nên nguy hiểm.
Các nhà khoa học cho biết: con người chỉ có thể sống sót trong điều kiện nhiệt độ nhiệt kế ướt dưới 35 độ C. Khi lượng nhiệt vượt trên ngưỡng đó, cơ thể chúng ta sẽ khó tiết ra mồ hôi, hay mô hôi không chịu bay hơi để làm mát. Ngay cả trong điều kiện thông thoáng, cơ thể vẫn sẽ bị sốc nhiệt và cuối cùng dẫn tới tử vong chỉ sau vài giờ.
Cho đến nay, nhiệt độ nhiệt kế ướt hiếm khi nào vượt quá 31 độ C - một mức độ đã được coi là cực kỳ nguy hiểm.
Nhà khoa học Chris Field của Đại học Stanford, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Do khả năng làm mát của cơ thể suy giảm, người già và những người ốm yếu thậm chí còn đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn".
Phần lớn những người có nguy cơ cao ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh là những người nông dân nghèo hoặc lao động chân tay. Họ không có điều kiện làm việc trong môi trường có điều hòa không khí (gần 25% dân số Ấn Độ không được tiếp xúc với điện); nhiều người thậm chí còn làm việc ngoài trời mà không có bóng râm.
Để phục vụ cho quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã thực hiện một số mô phỏng máy tính sử dụng các mô hình lưu thông không khí toàn cầu theo hai kịch bản. Một là thế giới đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải để kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất lên 20C, hai là nhiệt độ vẫn cứ tăng như hiện nay.
Cả hai kịch bản trên đều dẫn tới một kết cục không mấy tốt đẹp cho khu vực Nam Á. Theo dự đoán từ máy tính, chỉ trong vòng vài thập kỉ, nhiệt độ nhiệt kế ướt sẽ đạt đến 31 độ C ở 30% diện tích nơi này; và 4% dân số (60 triệu người) sẽ phải đối mặt với mức nhiệt cao chết người bằng hoặc cao hơn 35 độ C vào năm 2100.
Nhưng nếu thế giới có biện pháp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu thì rủi ro đó sẽ giảm mạnh; chỉ khoảng 2% dân số sẽ phải đối mặt với nhiệt độ trung bình 31 độ C hoặc cao hơn.
"Tuy vậy, đây vẫn là một vấn nạn có thể tránh và có thể ngăn ngừa. Có một sự khác biệt đáng kể mà mọi người cần hiểu ở hai kịch bản trên", Giáo sư Elfatih Eltahir, Viện kỹ thuật Massachusetts – MIT, đồng tác giả nghiên cứu cho hay.
Các chuyên gia kêu gọi thế giới phải tiến hành các biện pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu ở thỏa thuận hiệp định Paris nhằm hạn chế nóng lên toàn cầu trung bình 2 độ C. Mức trung bình đó sẽ diễn ra khác nhau trên khắp hành tinh, và Nam Á được cho là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tuy nhiên, trong khi các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều năm rằng sự thay đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm những rủi ro mà người dân Nam Á gặp phải như bão, hạn hán và nhiệt độ tăng cao thì yếu tố độ ẩm vẫn không được quan tâm đúng mức.
Không phải trong tương lai mà nhiệt độ chết người đã trở nên phổ biến ở khu vực này. Vào năm 2015, một đợt tăng nhiệt đã quét qua khắp Ấn Độ và Pakistan làm 3.500 người thiệt mạng.
Các quan chức quản lý thiên tai liên tục hối thúc các bang và thành phố của Ấn Độ lập kế hoạch hành động sau những thảm họa gần đây. Một số chương trình được thiết kế bởi các chuyên gia từ Hội đồng Quốc phòng Thiên nhiên để giúp người dân đối phó với nhiệt độ khắc nghiệt bao gồm: cung cấp chỗ ở có máy lạnh trong các đợt nóng, đào tạo cho trẻ em và các chuyên gia y tế nhận biết các dấu hiệu của chứng sốc nhiệt, cải tiến khả năng dự báo thời tiết của khu vực…