Khoảng 53% số giáo viên được khảo sát mới đây cho biết họ nghĩ mình sẽ gặp khó khăn về kinh tế do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc phải chuyển sang giảng dạy trực tuyến cũng khiến hơn một nửa số giáo viên bị tăng khối lượng công việc và nhiều người cảm thấy căng thẳng.


Cô Bùi Ngọc Hà - Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội - trong giờ ghi hình tiết học Tiếng Anh trực tuyến. Ảnh: giaoduc.net.vn

Trong quá trình thực hiện loạt bài nghiên cứu về tác động của COVID-19 đến hoạt động chuyên môn của giáo viên Việt Nam ở tất cả các bậc học, đầu tháng 4 này, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia đã tiến hành khảo sát nhanh về những trở ngại trong công việc và cuộc sống đối với giáo viên.

Tham gia khảo sát có 373 giáo viên ở nhiều tỉnh/thành phố, trong đó nữ giới chiếm 83%. Về trình độ, gần một nửa có kinh nghiệm giảng dạy trên 10 năm; 60% có trình độ đại học và 32% có trình độ thạc sĩ. Về bậc học, 45% số giáo viên dạy phổ thông và 22% dạy đại học và sau đại học. Về loại hình trường, 63% các thầy cô dạy ở các trường công lập và 30% dạy ở các trường tư thục/dân lập với non một nửa dạy ở các trường tư thục có yếu tố nước ngoài.

Dưới đây là một số phân tích sơ bộ của chúng tôi khi tiếp cận bộ dữ liệu này (các con số phần trăm lấy theo số làm tròn):

Công việc tăng, thu nhập giảm

Khảo sát cho thấy, 53% số giáo viên nghĩ họ sẽ gặp khó khăn về kinh tế do dịch (so với con số 82% lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh). Trên thực tế, số giáo viên thuộc các nhóm có thu nhập cao đã bị giảm mạnh, trong đó:

Số người thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng giảm gần một nửa (chiếm 14% số người được khảo sát);

Số người thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng giảm gần 3 lần (chiếm 6%);

Số người có thu nhập trên 20 triệu giảm hơn 5 lần (chiếm 3%).

Cùng với việc số người có thu nhập cao bị giảm mạnh, số người có thu nhập thấp hơn tăng vọt, cụ thể, số người có thu nhập dưới 5 triệu/tháng tăng gần 5 lần (chiếm 32%).

Đông nhất là nhóm có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 45%.

Mức thu nhập (tháng)

Trước dịch

Trong dịch

Dự kiến sau dịch

Dưới 5 triệu đồng

7%

32%

9,7%

5-10 triệu đồng

40%

45%

39%

10-15 triệu đồng

23%

14%

28%

15-20 triệu đồng

16%

7%

11,5%

Trên 20 triệu đồng

14%

2%

11,5%

Thu nhập của giáo viên trước, trong và dự kiến sau dịch.

Trong phần câu hỏi mở không bắt buộc về những khó khăn lớn nhất mà họ gặp, một số giáo viên cho biết mình không có lương hoặc lương không đủ sống.

Trong khi thu nhập giảm thì khối lượng công việc của các giáo viên lại tăng tên do phải chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Cụ thể, 56% số người được hỏi cho biết khối lượng công việc bị tăng lên so với khi chưa có dịch và 25% cảm thấy căng thẳng vì công việc.

Lý do, theo một số giáo viên chia sẻ, là họ phải tăng thời gian soạn bài theo hướng trực tuyến và dành nhiều thời gian hơn để liên lạc với học sinh và phụ huynh cũng như để kiểm soát sự chuyên cần và tập trung của học sinh, sinh viên.

Trong thời gian diễn ra dịch, các giáo viên cho biết, họ có nhận được hỗ trợ về vật chất (tài chính/ hiện vật) từ một số nguồn như: chủ trường / ban giám hiệu (25%); công đoàn giáo viên (10%); tổ chức đoàn thể chính quyền (8%); và phụ huynh học sinh (5%).

Thích ứng với giảng dạy trực tuyến

Cùng với việc giảng dạy trực tuyến được chuyển từ khuyến khích thành bắt buộc do thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học phòng dịch kéo dài, các giáo viên đã phải thay đổi, thích nghi với tình hình mới.

Theo khảo sát, 39% giáo viên cho biết họ đã thành thạo công nghệ giảng dạy trực tuyến từ trước dịch.

Chỉ có 14% số giáo viên cảm thấy khó khăn khi sử dụng công nghệ giảng dạy trực tuyến. Đặc biệt, 17% số giáo viên thừa nhận họ chỉ biết sử dụng các kênh trao đổi như FB, Zalo, SMS, email.

Hiệu quả của học trực tuyến, theo đánh giá của các giáo viên, cũng còn khá khiêm tốn: chỉ có 18% số người tham gia khảo sát đánh giá giảng dạy trực tuyến hiệu quả như giảng dạy trên lớp; và 25% đánh giá học sinh hứng thú với các bài học trực tuyến.

Chia sẻ ở phần câu hỏi mở, khó khăn lớn nhất và thường xuyên nhất được các giáo viên đề cập là đường truyền internet không ổn định và học sinh - nhất là học sinh ở nông thôn và miền núi - chưa có đầy đủ phương tiện học trực tuyến.

Một số khó khăn khác là tương tác giữa giáo viên và học sinh, sinh viên không hiệu quả như học trực tiếp; học sinh còn thụ động hoặc đối phó, trong khi các công cụ kiểm soát hoạt động học của các em chưa đủ mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều thầy cô cho biết, họ không được được trường cung cấp nền tảng học trực tuyến mà phải sử dụng các nền tảng miễn phí hoặc nhà trường chậm cập nhật công nghệ thông tin và chưa có định hướng sử dụng những phần mềm có ưu thế lâu dài. Nhiều trường cũng chưa có quy chuẩn về chất lượng bài giảng và quy chuẩn đối với các bài kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên.

Có ý kiến chia sẻ, trường không hỗ trợ nhiều cho giáo viên về mặt kỹ thuật, chủ yếu họ phải tự mình xoay sở với công nghệ giảng dạy mới. Do khả năng tiếp cận công nghệ thông tin chậm nên có giáo viên cảm thấy mất tự tin khi “lên sóng”.

Những phân tích sâu hơn về dữ liệu thu được sẽ được EdLabAsia nghiên cứu công bố trong thời gian tới.

Trước đó, EdLab Asia đã tiến hành khảo sát sơ bộ về thói quen học tập của học sinh phổ thông tại Hà Nội trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa học sinh trường công lập và tư thục, học sinh ở các độ tuổi khác nhau và với gia cảnh khác nhau.