Với những phép tính cụ thể và hệ tư tưởng trừu tượng, toán học đã trở thành nền tảng để hiện thực hóa những ý tưởng nghệ thuật bay bổng và khơi nguồn cho các sáng tạo vô tận.
Ngày 14/3 hằng năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO lựa chọn là Ngày Toán học Quốc tế. Trong năm thứ sáu, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Toán học quốc tế UNESCO (ICRTM) thuộc Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng Trung tâm Dữ liệu và Thông tin Khoa học tổ chức Ngày Toán học quốc tế với chủ đề “Toán học, Nghệ thuật, và Sáng tạo”.
Theo PGS. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc ICRTM, toán học – với những phép tính cụ thể và hệ tư tưởng trừu tượng – đã trở thành nền tảng để hiện thực hóa những ý tưởng nghệ thuật bay bổng và khơi nguồn cho các sáng tạo vô tận. Dấu ấn của toán học vì vậy in đậm trong trải nghiệm của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chương trình bắt đầu bằng hai bài giảng đại chúng về “Toán học và nghệ thuật lát gạch đá hoa” của GS. Trần Văn Tấn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; và “Vai trò của toán học trong sáng tạo và tiếp cận chân lý” của PGS. Nguyễn Hoàng Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong bài giảng đầu tiên, GS. Trần Văn Tấn đã dùng toán học để diễn đạt 17 quy tắc lát gạch của người thợ và có những phân tích thú vị về việc khẩu hiệu “Làm việc địa phương, tư duy toàn cục” đã được người thợ áp dụng như thế nào.
Bài giảng thứ hai nêu lên vai trò quan trọng của toán học trong việc tiếp cận những vấn đề tưởng chừng chỉ thuộc về triết học và khoa học viễn tưởng: trải nghiệm chủ quan và khả năng của trí tuệ nhân tạo. PGS. Nguyễn Hoàng Hải và cử tọa đã cùng xem xét liệu toán học có thể là chìa khóa để trả lời những câu hỏi như “Màu đỏ mà tôi thấy có giống với màu đỏ mà bạn thấy?” hay “Máy móc có thể có trực giác?”.
Tại buổi tọa đàm “Toán học, Nghệ thuật và Sáng tạo”, PGS. Phan Thị Hà Dương cùng các diễn giả là GS. Hà Huy Khoái (nguyên Viện trưởng Viện Toán học), PGS. Nguyễn Hoàng Hải, TS. Phan Phương Đạt (Ban điều hành FPT Software) và tác giả Lang Minh đã thảo luận về các chủ đề như sự tương đồng giữa toán học và nghệ thuật, việc dạy và học toán trong nhà trường, làm thế nào để học sinh cảm nhận được vẻ đẹp và yêu thích toán học hơn, và vai trò của nghệ thuật và người nghệ sĩ trong một thế giới của dữ liệu và thuật toán.
Tin đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)
Đinh Hương