Việc sử dụng chính thức tên gọi bản địa "cheo cheo" trong công tác khoa học và truyền thông của cộng đồng quốc tế sẽ giúp bảo tồn loài móng guốc chỉ được biết đến ở Việt Nam này hiệu quả hơn, theo hai tác giả của lời kêu gọi.

Trong một bài báo quan điểm mới được đăng trên tạp chí khoa học Pacific Conservation Biology (xuất bản bởi CSIRO – cơ quan nghiên cứu lớn nhất của Úc), TS. Vương Quân Hoàng và TS. Nguyễn Minh Hoàng (Trường ĐH Phenikaa), đã thảo luận về ý nghĩa của việc tái phát hiện loài cheo cheo lưng bạc, một loài đặc hữu ở Việt Nam, sau gần 30 năm bị mất tích [1].

Bài báo là lời kêu gọi sử dụng chính thức tên gọi bản địa "cheo cheo" cho loài trong công tác khoa học và truyền thông của cộng đồng quốc tế, thay vì các tên như "mouse-deer", "chevrotain", hoặc tên khoa học "Tragulus versicolor" đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Các tác giả cho rằng điều này sẽ tạo ra sự gần gũi, giúp kết nối nỗ lực nghiên cứu khoa học và bảo tồn với văn hóa địa phương, đồng thời hỗ trợ người dân bản địa tham gia đóng góp vào khoa học cộng đồng hiệu quả hơn. Đây cũng là mục tiêu mà các nhà nghiên cứu trên thế giới đang cố gắng thúc đẩy [2].

Bài viết của hai tác giả còn xem xét nguồn gốc lịch sử của việc tiêu thụ thịt thú rừng (từ văn hóa Hòa Bình cổ xưa [3]), giá trị của thịt các loài động vật hoang dã, và lý do đằng sau hành vi tiêu thụ này. Hiện nay, phần lớn thịt thú rừng quý hiếm được tiêu thụ bởi những người thành thị giàu có nhằm thể hiện địa vị, xây dựng mối quan hệ, và giữ thể diện trong các tương tác xã hội [4-5].

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực tăng cường nhận thức cho người dân, việc tiêu thụ thịt thú rừng vẫn đang tồn tại và được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân và hình ảnh của món ngon quý hiếm. Ví dụ, sau khi việc phát hiện lại cheo cheo lưng bạc được công bố, người ta hy vọng rằng số lượng cheo cheo bị săn bắt sẽ giảm đáng kể khi nhận thức của người dân tăng lên, nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Báo chí liên tục đưa tin về việc công an và cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn hoạt động săn bắt trái phép loài động vật này. Đây là những thách thức lớn trong công tác bảo tồn mà để vượt qua, theo các tác giả, cần xây dựng và nuôi dưỡng một hệ thống giá trị văn hóa thặng dư sinh thái, ưu tiên việc bảo tồn đa dạng sinh học [6, 7].


Khái niệm văn hóa thặng dư sinh thái được định nghĩa là “một tập hợp các thái độ, giá trị, niềm tin và hành vi được chia sẻ bởi một cộng đồng nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của con người đối với môi trường cũng như bảo tồn và tôn tạo tự nhiên" [6, 7]. Cộng đồng ở đây không chỉ giới hạn trong những người cư trú gần các khu bảo tồn mà bao gồm cả những người ở các khu vực khác của đất nước, như các khu vực đô thị.

Các giá trị văn hóa thặng dư sinh thái không chỉ giúp giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã và quy mô của hoạt động buôn bán động vật hoang dã cũng như săn bắn trộm, mà còn có thể cung cấp tài chính bổ sung cho các sáng kiến bảo tồn. Bằng chứng là, một nghiên cứu gần đây chỉ ra, cư dân trong các đô thị Việt Nam càng nhận thức cao về các giá trị thặng dư sinh thái thì càng sẵn lòng đóng góp tài chính cho công tác bảo tồn [7].



Do đó, các tác giả đề xuất việc sử dụng chính thức tên bản địa "cheo cheo" trong công tác khoa học và truyền thông quốc tế. Mặc dù đề xuất sử dụng tên gọi bản địa cho loài cheo cheo lưng bạc có vẻ như chỉ là một vấn đề ngôn ngữ, nhưng thực tế, nó chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn thế.

Thứ nhất, ngôn ngữ tạo ra sự quen thuộc, gần gũi, dễ mến nên việc gọi loài “cheo cheo” đối với người Việt sẽ có tác dụng đánh thức lương tâm và sự đồng cảm về môi trường của họ [8-12]. Việc giao tiếp và hợp tác trong công tác bảo tồn từ đó có thể được tăng cường, vì loài vật này sống "ở đây và bây giờ" cùng với cộng đồng người Việt. Nói cách khác, để kích thích sự tham gia của người dân vào công tác bảo tồn một cách hiệu quả, cần truyền đạt và đào tạo họ thông qua những trải nghiệm và tình huống quen thuộc đối với họ - các tác giả viết trong bài báo.

Tên gọi bản địa cũng giúp tạo ra các cảm xúc gắn liền với địa phương và văn hóa cho những nỗ lực bảo tồn. Những cảm xúc như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thúc đẩy cộng đồng địa phương tham gia vào khoa học công dân và cộng đồng, đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác cho các nỗ lực bảo tồn [2].

Quan trọng hơn, cái tên cheo cheo có thể kích thích tư duy và trí tưởng tượng về thiên nhiên, phát triển trí tò mò và mong muốn bảo vệ động vật hoang dã và cuối cùng là xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái trong cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em [13, 14].

Khi có sự ủng hộ từ cộng đồng, việc thúc đẩy các biện pháp bảo tồn và thực hiện các chính sách bảo vệ các loài động vật quý hiếm sẽ dễ dàng hơn. Điều này giúp giải quyết nhiều vấn đề như thiếu hụt nguồn lực pháp lý, tài chính và nhân lực cho công tác bảo tồn, đặc biệt đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng nhưng vẫn chưa nhận được sự bảo vệ đầy đủ của các cơ chế pháp lý.

Theo dấu cheo cheo

Cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor) thuộc họ Tragulidae, là một loài động vật móng guốc nhỏ, có ngón chẵn, chỉ được biết đến ở Việt Nam. Chi này cũng bao gồm cheo cheo Java (Tragulus javanicus), cheo cheo Nam Dương (Tragulus kanchil), cheo cheo lớn (Tragulus napu), cheo cheo Philippines (Tragulus nigricans) và cheo cheo Williamson (Tragulus williamsoni). Cheo cheo Java và cheo cheo Nam Dương cũng được tìm thấy ở Việt Nam, cụ thể là ở trung và hạ lưu sông Mê Kông, Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, Vườn quốc gia Tam Đảo, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea So, và Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Đặc điểm bên ngoài nổi bật nhất của cheo cheo lưng bạc so với các loài khác cùng chi là bộ lông hai tông màu đặc trưng, với toàn thân phủ lông màu nâu đỏ, còn vùng ngực và dưới bụng màu bạc hoặc xám [15-17]. Đây là một trong 25 loài được liệt kê trong danh sách "Tìm kiếm các loài bị mất tích" của Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã Toàn cầu (Global Wildlife Conservation), bao gồm cả các loài đã bị thất lạc trong ít nhất 10 năm.

Trước khi được phát hiện lại, ghi nhận chính thức cuối cùng về cheo cheo lưng bạc là một mẫu vật từ thợ săn ở gần Đăk Rông và Buôn Lưới năm 1990 trong chuyến thám hiểm chung Việt-Nga ở tỉnh Gia Lai [16]. Mẫu vật khoa học duy nhất còn lại được thu thập ở vùng lân cận thành phố Nha Trang và được nhà động vật học người Anh Oldfield Thomas mô tả vào năm 1910 [15]. Do thông tin hạn chế về loài động vật nhỏ này và áp lực từ hoạt động con người (như phá hủy môi trường sống và săn bắn), cheo cheo lưng bạc được cho là đã tuyệt chủng.

Sau gần 30 năm "mất tích", cheo cheo lưng bạc đã được phát hiện lại bằng bẫy camera và sự giúp sức của các cộng đồng địa phương. Hai giai đoạn đặt bẫy camera riêng biệt đã được thực hiện để ghi lại hình ảnh cheo cheo lưng bạc [18].

Hình ảnh minh họa: Cheo cheo lưng bạc được ghi nhận qua bẫy ảnh
Hình ảnh cheo cheo lưng bạc được ghi nhận qua bẫy ảnh. Ảnh: Southern Institute of
Ecology/Global Wildlife Conservation/Leibniz Institute for Zoo and
Wildlife Research/NCNP

Trong giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu phỏng vấn người dân địa phương ở ba tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên. Thành phố Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa là nơi thu thập được bốn mẫu vật đầu tiên của loài này. Các cuộc phỏng vấn nhằm thu thập thông tin về nơi cheo cheo có thể xuất hiện và hiện trạng của chúng. Sau đó, ba bẫy ảnh được đặt ở khu rừng đất thấp khô cằn dựa trên thông tin do người dân cung cấp. Cheo cheo lưng bạc được chụp ảnh ở cả ba trạm, với 72 lần xuất hiện độc lập (nhiều ảnh trong một giờ được coi là một lần).

Giai đoạn đặt bẫy camera thứ hai được thực hiện tại cùng khu vực từ tháng Tư đến tháng Bảy năm 2018, trên quy mô rộng hơn, với 29 trạm được thành lập và đã thu nhận 1.881 bức ảnh cheo cheo lưng bạc trong 208 lần xuất hiện độc lập. Những bức ảnh là bằng chứng chắc chắn về sự tồn tại liên tục của loài đặc hữu này sau nhiều thập kỷ bị cho là đã tuyệt chủng. Đây cũng là những bức ảnh đầu tiên chụp cheo cheo trong tự nhiên.


Nguồn tham khảo:

[1] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Call Vietnam mouse-deer “cheo cheo” and let the empathy save them from extinction: a conservation review and call for name change. Pacific Conservation Biology,30(2), PC23058. https://www.publish.csiro.au/PC/justaccepted/PC23058

[2] Arenas-Castro H, et al. (2024). Academic publishing requires linguistically inclusive policies. Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences, 291, 20232840. https://royalsocietypublishing.org/doi/10.1098/rspb.2023.2840

[3] Sử NK. (2023). Các hoạt động kinh tế của cư dân văn hóa Hòa Bình từ từ 20.000 đến 7.000 năm bp. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. https://baotanglichsu.vn/DataFiles/2023/09/News/Tieng%20Viet/20.9.2023/Thong%20bao%20khoa%20h%E1%BB%8Dc%20s%C3%B3%201%20nam%202023/008.pdf

[4] Drury R. (2009). Reducing urban demand for wild animals in Vietnam: examining the potential of wildlife farming as a conservation tool. Conservation Letters, 2, 263–270. https://conbio.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1755-263X.2009.00078.x

[5] Nguyen MH, Jones TE. (2022). Predictors of support for biodiversity loss countermeasure and bushmeat consumption among Vietnamese urban residents. Conservation Science and Practice, 9, 426. https://conbio.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/csp2.12822

[6] Vuong QH. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[7] Nguyen MH, Jones TE. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[8] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3

[9] Thorn ASC, Gathercole SE, Frankish CR. (2002). Language familiarity effects in short-term memory: The role of output delay and longterm knowledge. The Quarterly Journal of Experimental Psychology Section A 55, 1363–1383. https://journals.sagepub.com/doi/10.1080/02724980244000198

[10] Erten I˙H, Razi S. (2009). The effects of cultural familiarity on reading comprehension. Reading in a Foreign Language 21, 60–77. https://files.eric.ed.gov/fulltext/EJ838389.pdf

[11] Kramsch C. (2014). Language and culture. AILA Review, 27, 30–55. https://www.jbe-platform.com/content/journals/10.1075/aila.27.02kra

[12] Imai M, Kanero J, Masuda T. (2016). The relation between language, culture, and thought. Current Opinion in Psychology, 8, 70–77. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S2352250X15002572

[13] Vuong QH, Nguyen MH. (2023). Kingfisher: contemplating the connection between nature and humans through science, art, literature, and lived experiences. Pacific Conservation Biology, 30, PC23044. https://www.publish.csiro.au/PC/PC23044

[14] Vuong QH. (2020). From children’s literature to sustainability science, and young scientists for a more sustainable earth. Journal of Sustainability Education 24, 1–12. https://www.susted.com/wordpress/content/from-childrens-literature-to-sustainability-science-and-young-scientists-for-a-more-sustainable-earth_2020_12/

[15] Thomas O .(1910). LXXIV.– Three new asiatic mammals. Annals and Magazine of Natural History 5, 534–536. https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/00222931008692812

[16] Kuznetsov GV, Borissenko AV. (2004). A new record of Tragulus versicolor
(Artiodactyla, Tragulidae) from Vietnam, and its sympatric occurrence
with T. kanchil. Russian Journal of Theriology 3, 9–13. https://zmmu.msu.ru/rjt/articles/article.php?volume=3&issue=1&pages=9-13

[17] Meijaard E, Groves C. (2004). Recent study identifies the possible existence

[18] Nguyen A, et al. (2019) Camera-trap evidence that the silver-backed chevrotain Tragulus versicolor remains in the wild in Vietnam. Nature Ecology & Evolution 3, 1650–1654. https://www.nature.com/articles/s41559-019-1027-7