Đây là một trong những giải pháp công nghệ đổi mới tiêu biểu được giới thiệu tại sự kiện kêu gọi đầu tư nhằm giảm thiểu nhựa tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, in 3D xuất hiện như một công nghệ có tiềm năng thay đổi cuộc chơi trong ngành xây dựng. In 3D có một số ưu điểm vượt trội so với phương pháp đúc khuôn, như khả năng in các cấu trúc hình học phức tạp, giảm phụ thuộc vào người lao động, và nâng cao năng suất chế tạo. Để ứng dụng công nghệ in 3D, người ta đã sử dụng rất nhiều loại vật liệu khác nhau, tùy theo đặc điểm của sản phẩm mong muốn.
Với trường hợp này, với mục đích giảm thiểu bao bì nhựa, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu giải pháp sử dụng vật liệu rơm rạ trong công nghệ in 3D để làm sản phẩm đóng gói. Đây là một trong những giải pháp công nghệ đổi mới được trình bày tại Sự kiện kêu gọi đầu tư và giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo của Trung tâm Kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam vào ngày 27/10 tại TP.HCM. Trung tâm Kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam thuộc Mạng lưới Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPPIN) và được chính phủ Úc tài trợ thông qua Liên minh Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa khu vực sông Mekong.
Sự kiện kêu gọi đầu tư và giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo của Trung tâm Kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam là kết quả của 8 tuần đào tạo chuyên sâu thông qua chương trình Tăng tốc khởi nghiệp của IPPIN. Trong quá trình đào tạo nâng cao năng lực, các nhóm có ý tưởng sáng tạo và các nhà nghiên cứu đã nhận được lời khuyên từ các chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng và nâng cao mức độ sẵn sàng tiếp cận thị trường.
Bà Sarah Hooper - Tổng lãnh sự Australia tại TP.HCM, cho biết IPPIN là một chương trình quan trọng ở cấp khu vực về đổi mới sáng tạo, giúp hạn chế rác thải nhựa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đây là cách để Việt Nam và Úc “giải quyết những thách thức khó khăn chung ở trong nước và khu vực. Cả Việt Nam và Úc đều phải đối mặt với những thách thức đáng kể về biến đổi khí hậu và môi trường với những tác động rõ ràng đến an ninh lương thực và sự thịnh vượng của nền kinh tế. Sự hợp tác giữa các cơ quan khoa học và khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng để chúng ta có thể mang đến những thay đổi đáng kể", bà Hooper nói. Bà bày tỏ mong muốn được nhìn thấy các giải pháp thiết thực, có thể nhân rộng được tại sự kiện Kêu gọi đầu tư này của Trung tâm Kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam.
CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia của Úc, là đối tác thực hiện chương trình IPPIN. Cố vấn cao cấp của CSIRO tại Việt Nam, tiến sĩ Kim Wimbush, cho biết ngoài việc giới thiệu những công nghệ đổi mới đang được phát triển trong khu vực, sự kiện Kêu gọi đầu tư của Trung tâm Kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam là cơ hội tăng cường kết nối trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. “Thông qua các chương trình như IPPIN, chúng tôi đang nâng cao năng lực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương bằng cách kết nối các nhà đổi mới sáng tạo, nhà nghiên cứu, chính phủ và ngành công nghiệp để cùng nhau hành động để giải quyết các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Tôi rất tin tưởng rằng những ý tưởng đổi mới được giới thiệu tại Ngày kêu gọi đầu tư có thể góp phần vào nỗ lực của Việt Nam trong việc cấm hầu hết các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên toàn quốc vào năm 2031,” TS. Wimbush chia sẻ.
Hoạt động này là một phần trong Sứ mệnh Chấm dứt Rác thải Nhựa (EPW) của CSIRO, nhằm hướng tới giảm 80% rác thải nhựa xâm nhập vào môi trường Úc vào năm 2030. Cùng với việc giải quyết ô nhiễm nhựa ở quy mô trong nước, Phái đoàn EPW đã mở rộng khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với việc thành lập IPPIN. Trung tâm Kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam là một thành phần quan trọng của IPPIN và do CSIRO hợp tác với Bộ KH&CN, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT và Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam thực hiện.
Hà Thi