Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump coi việc cho phép điều trị bằng huyết tương mới được thông qua là một “đột phá có ý nghĩa lịch sử“. Trong khi đó, giới nghiên cứu và thầy thuốc lại nghi ngờ hiệu nghiệm của phương pháp này.

Ảnh: DW.
Ảnh: DW.

Ngay trước thềm đại hội đề cử của Đảng Cộng hòa Tổng thống Hoa Kỳ Trump đã nói về một “đột phá có ý nghĩa lịch sử”: Liệu pháp huyết tương vừa được chấp thuận áp dụng khẩn cấp cho thấy “tỷ lệ thành công hết sức tuyệt vời” và sẽ cứu được “vô vàn mạng sống”. Lịch biểu này là có chủ ý, vì Donald Trump cũng chịu áp lực lớn từ chính Đảng Cộng hoà về hoạt động quản lý trong đại dịch corona của mình.

Tuy nhiên kinh nghiệm về liệu pháp huyết tương ở bệnh nhân corona còn khá khiêm tốn và do đó nhiều nhà nghiên cứu cũng như chuyên gia y tế còn hoài nghi về hiệu quả thực sự của phương pháp điều trị khá tốn kém này.

Bản thân Cơ quan quản lý Dược phẩm Hoa Kỳ chỉ thấy một “lợi ích tiềm năng” của điều trị bằng huyết tương, dù sao cái lợi cũng lớn hơn những tác dụng phụ đã biết. Chừng nào chưa có dữ liệu đáng tin cậy về nghiên cứu lâm sàng thì điều trị bằng huyết tương chưa phải là một tiêu chuẩn mới trong điều trị đối với bệnh nhân Covid-19, theo một văn bản của FDA.

Hiệu ứng miễn dịch ngắn?

Kể từ khi bắt đầu đại dịch Corona thì điều trị bằng huyết tương được coi là đầy triển vọng vì ý tưởng này cực kỳ đơn giản: Khi bệnh nhân Covid-19 vượt qua được dịch bệnh thì huyết thanh trong cơ thể họ có một số lượng kháng thể khác nhau, chúng có thể diệt virus corona đầy hiệu quả.

Kháng thể này sẽ được cô lập và tinh chế từ huyết thanh để tiêm cho các bệnh nhân corona khác. Bệnh nhân sẽ được “miễn dịch thụ động”. Thực ra việc làm này xét cho cùng không phải là tiêm chủng, vì kháng thể không do bản thân người đó tạo ra.

Tuy nhiên cái lợi là hiển nhiên: người khi bị lây nhiễm không phải mất nhiều công sức và thời gian để tự tạo ra kháng thể, mà tiếp nhận trực tiếp kháng thể thích hợp để tiêu diệt ngay mầm bệnh. Tuy nhiên miễn dịch thụ động chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian ngắn, chỉ vài tuần cho đến một vài tháng. Có nghĩa là sự miễn dịch chống lại mầm bệnh không bền lâu.

Từ lâu đã được áp dụng ở Hoa kỳ - với mức độ nhất định

Ngay từ năm 1890, nhà miễn dịch học người Đức Emil von Behring đã giới thiệu về miễn dịch thụ động, và liệu pháp này đã ứng dụng trong cuộc khủng hoảng corona ở Hoa Kỳ. Theo FDA đã có khoảng 70.000 bệnh nhân Covid-19 thông qua cấp phép lâm sàng đặc biệt đã nhận được huyết tương, tuy nhiên dưới sự giám sát nghiêm ngặt: chỉ trong khuôn khổ thử nghiệm lâm sàng và bệnh nhân có tình trạng sức khỏe đặc biệt tồi tệ.

Còn nhiều tranh cãi về thành công: Theo Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân được điều trị bằng huyết tương tăng 35%. Nhờ chỉ thị cấp phép khẩn cấp số bệnh nhân được điều trị bằng huyết tương sẽ tăng trong tương lai.

Trong trường hợp này, người ta không những không có đủ huyết tương, mà còn thiếu cả bằng chứng thuyết phục về thành công để bênh vực cho phương pháp khá tốn kém này. Chính vì lẽ đó FDA không cho phép áp dụng rộng rãi phương pháp này.

Thất vọng vì kỳ vọng

Sự dè dặt của FDA đối với liệu pháp huyết tương là do có quá ít dữ liệu, thiếu các thông số đáng tin cậy về tính hiệu quả.

Một nghiên cứu của Hoa Kỳ ngày 10/8/2020, đã được công bố trên tạp chí Bệnh lý học Hoa Kỳ, tuy cho thấy, điều trị huyết tương ở giai đoạn đầu khi mới lây nhiễm bệnh Covid-19 có thể thành công lớn. Tuy nhiên nghiên cứu này chưa làm rõ được liệu kết quả này là do liệu pháp huyết tương hay do bệnh nhân tự sản xuất đủ kháng thể mà không cần miễn dịch thụ động.

Một trong những nghiên cứu ngẫu nhiên, ít ỏi ở Vũ Hán cũng cho thấy thành công trong việc điều trị bệnh nhân nặng . Từ 14/2 đến 1/4 đã nghiên cứu đối với 103 bệnh nhân Covid-19 bị bệnh nghiêm trong. Tuổi trung bình là 70. 52 bệnh nhân trong số này được thở máy và điều trị đặc biệt bằng liệu pháp huyết tương.

51,9 % bệnh nhân (27 trong 52) cho thấy nhờ liệu pháp huyết tương tình trạng bệnh được cải thiện về lâm sàng so với 43,1 % trong nhóm đối chứng. Tại đây 22 trong số 51 bệnh nhân được cải thiện lâm sàng.

Kết quả là đáng mừng tuy nhiên không thấy có sự khác biệt về xác suất thống kê. Tương tự là số tử vong trong 28 ngày (15,7 % điều trị bằng huyết tương, 24 % không). Các nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận, để thí nghiệm có độ tin cậy cao hơn cần có đông bệnh nhân hơn và thời gian thử nghiệm phải dài hơn.

Tại Niederland, một nghiên cứu ngẫu nhiên về liệu pháp huyết tương đã phải kết thúc giữa chừng, vì 79 % những người tham gia thí nghiệm cũng có số lượng Titer như ở những người hiến huyết tương. Titer là đơn vị đo lường về số lượng một loại kháng thể nhất định ở trong máu.

Cần tiếp tục nghiên cứu

Do dữ liệu còn nghèo nàn, theo quan điểm của giới y học hiệu quả của liệu pháp huyết tương đối với Covid-19 thì cho đến nay chưa có thể chứng minh đây là “một liệu pháp mạnh mẽ” và có thể “cứu vô số tính mạng” như Tổng thống Trump vừa phát biểu.

Không chỉ chưa rõ liệu pháp huyết tương có giúp gì cho bệnh nhân Covid-19 hay không mà ngay cả các phản ứng phụ của liệu pháp này cho tới nay cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ, vì một huyết thanh lạ có thể làm cho tình trạng của người bệnh xấu đi trầm trọng khi xảy ra phản ứng miễn dịch.

Vẫn phải chờ xem liệu pháp huyết tương có thực sự đóng góp vào cuộc chiến chống đại dịch Corona hay không. Xét cho cùng chỉ có thể thông qua các thử nghiệm sâu và với sự tham gia của đông đảo người bệnh và đối chứng thì chung cuộc mới được làm rõ.