Việc một số người tái nhiễm đã làm dấy lên lo ngại rằng khả năng miễn dịch chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn và đưa ra những dự đoán u ám về triển vọng vaccine. Nhưng các nhà khoa học không nghĩ vậy.

Các nhà miễn dịch học đang tìm kiếm các kháng thể (và tế bào B, T) giúp tiêu diệt SARS-CoV-2 trong cơ thể. Ảnh: KTDesign / SPL
Các nhà miễn dịch học đang tìm kiếm các kháng thể (và tế bào B, T) giúp tiêu diệt SARS-CoV-2 trong cơ thể. Ảnh: KTDesign / SPL

Vào cuối những năm 1980, 15 người khỏe mạnh đã chuyển đến căn hộ mới ở Salisbury, Vương quốc Anh. Vào ngày thứ ba, mỗi người được yêu cầu khịt mũi bằng dung dịch có chứa một dòng coronavirus gây cảm lạnh thông thường. Sau đó, các tình nguyện viên được đưa đi cách li ba tuần để theo dõi các triệu chứng. Ngoài việc phải lấy máu và rửa mũi, một số người tham gia nghiên cứu đã ví việc cách li giống như một kỳ nghỉ.

Khoảng một năm sau, 14 người trong số các tình nguyện viên đã quay lại để kiểm tra rằng liệu việc tiếp xúc với virus có giúp họ miễn dịch hay không. Câu trả lời rất tích cực: Mặc dù không có triệu chứng, nhưng các phân tích cho thấy rằng gần như tất cả họ đều bị nhiễm bệnh và hệ thống miễn dịch của họ đã phòng vệ một cách hiệu quả.

Đó là gợi ý ban đầu cho một câu hỏi khiến các nhà nghiên cứu, bác sĩ và chính trị gia phải đắn đo suy nghĩ: Liệu hệ thống miễn dịch của con người có thể bảo vệ lâu dài chống lại đại dịch SARS-CoV-2 hay không?

Các nhà nghiên cứu đã lục lại kết quả từ thí nghiệm ở Salisbury và những nghiên cứu tương tự, đồng thời tìm hiểu phản ứng miễn dịch của con người với nCoV qua thí nghiệm với động vật, nuôi cấy tế bào, cùng với các kỹ thuật phân tử mới nhất.

Họ đã lập danh mục các phản ứng kháng thể và tế bào miễn dịch, xác định loại vaccine và liệu pháp nào có thể là hiệu quả nhất. Đồng thời, các nhà khoa học cũng thiết kế vaccine và liệu pháp điều trị, trong các nghiên cứu trên động vật và người, với mục tiêu ít nhất phải tạo ra các đáp ứng miễn dịch ngắn hạn.

Nhưng, không có thí nghiệm nhanh chóng và đơn giản nào có thể xác định chắc chắn rằng: liệu đáp ứng miễn dịch có hiệu quả và lâu dài hay không. Điều này còn quá sớm để có thể khẳng định. “Câu trả lời nằm ở tương lai”, Reinhold Förster, một nhà miễn dịch học tại Trường Y Hannover, Đức cho biết.

Các báo cáo lẻ tẻ về việc tái nhiễm (những người hồi phục sau Covid-19, lại ngã bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính) đã làm dấy lên lo ngại rằng khả năng miễn dịch chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn. Các phương tiện truyền thông đã theo dõi những báo cáo như vậy và đưa ra những dự đoán u ám về triển vọng vaccine. Nhưng các nhà khoa học không nghĩ vậy.

“Tất cả chúng ta đều đang nghe về những lời đồn đoán”. John Wherry, một nhà miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, cho biết. Cho đến nay, các báo cáo về sự tái nhiễm đã thiếu thông tin về các đáp ứng miễn dịch, ông nói.

Đối với những người nghiên cứu chuyên sâu, phản ứng miễn dịch đối với nCoV cho đến nay không có gì đáng ngạc nhiên, thậm chí điều đó là tốt. “Các phản ứng miễn dịch và các kháng thể được phát hiện cho đến nay khá tuyệt vời. Chúng tôi chỉ chưa biết thời gian tồn tại về lâu dài của chúng. Việc tìm hiểu này sẽ mất nhiều thời gian”, Mehul Suthar, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia cho biết.

Kháng thể là ưu điểm miễn dịch

Nồng độ kháng thể tăng ngay sau khi bị nhiễm coronavirus, nhưng sau đó sẽ giảm dần. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Ảnh: Alessandro Grassani / NYT / Redux / eyevine
Nồng độ kháng thể tăng ngay sau khi bị nhiễm coronavirus, nhưng sau đó sẽ giảm dần. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Ảnh: Alessandro Grassani / NYT / Redux / eyevine

Hệ thống miễn dịch có vô số cách để chống lại những kẻ xâm lược như virus. Điều này có được nhờ hệ miễn dịch chọn lọc các tế bào B tạo ra kháng thể liên kết và vô hiệu hóa virus. Một biện pháp phòng vệ khác sử dụng các tế bào T. Chúng tuần tra khắp cơ thể để tìm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh, ngăn cản sự nhân lên của virus. Các tế bào miễn dịch này có thể tồn tại trong nhiều năm.

Khả năng miễn dịch lâu dài phụ thuộc theo loại virus và mức độ đáp ứng. Các nhà phát triển vaccine thường hy vọng tạo ra “khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng”, một phản ứng thông qua các kháng thể, có thể nhanh chóng ngăn chặn virus quay trở lại. Tuy nhiên, không phải tất cả vaccine hoặc bệnh nhiễm trùng đều tạo ra kháng thể trung hòa cần thiết cho khả năng này. Ví dụ, HIV hiếm khi tạo ra kháng thể trung hòa, và thực tế đến bây giờ vẫn chưa phát triển được vaccine chống lại nó.

Các phát hiện của SARS-CoV-2 cho đến nay đều đáng khích lệ. Một số nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng phân lập các kháng thể trung hòa từ những người bị nhiễm virus: Hầu hết họ sau khi xét nghiệm dương tính đều có thể tạo ra phản ứng kháng thể trong vòng vài ngày. Một số ứng viên vaccine chống lại SARS-CoV-2 tạo ra đáp ứng kháng thể mạnh, một dấu hiệu tích cực cho thấy chúng có thể tạo ra khả năng miễn dịch.

Các nhà khoa học đã đưa ra một quy tắc chung: Các đáp ứng của kháng thể có xu hướng càng mạnh ở những người bị nhiễm trùng càng nặng. Những bệnh nhân Covid-19 nhẹ đôi khi chỉ tạo ra một lượng nhỏ kháng thể trung hòa. Điều này thường thấy ở virus: nhiễm trùng càng lâu, càng nặng thì càng có nhiều khả năng tạo ra các đáp ứng mạnh và bền. “Đây cũng là một trong những lý do khiến virus corona gây cảm lạnh thông thường không mang lại khả năng miễn dịch lâu dài”, Shane Crotty, nhà virus học tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở California, Mỹ, cho biết.

Nhưng câu hỏi lớn là kháng thể tồn tại trong bao lâu. Khi các nhà nghiên cứu theo dõi bệnh nhân Covid-19 theo thời gian, họ nhận thấy lượng kháng thể đạt đỉnh điểm sau khi bắt đầu các triệu chứng, sau đó bắt đầu giảm dần. Ở một số người tham gia nghiên cứu, không thể phát hiện được các kháng thể trong khoảng ba tháng. Một số phương tiện truyền thông lớn đưa tin đây là sự mất khả năng miễn dịch, và điều này gây trở ngại các nỗ lực phát triển vaccine.

Tuy nhiên, nhiều nhà miễn dịch học cho rằng tuyên bố đó hơi sớm. Theo Nhà nghiên cứu Luis Barreiro tại Đại học Chicago ở Illinois, Mỹ, điều này hoàn toàn bình thường. Khi virus tấn công, nó sẽ thúc đẩy sự gia tăng của các tế bào B, vốn sản sinh ra các kháng thể để liên kết kháng nguyên của virus. Nhưng một khi hết nhiễm trùng, mức độ kháng thể thường giảm dần.

Để xác định mức độ quan trọng của sự suy yếu đó, các nhà nghiên cứu vẫn cần biết giới hạn dưới của kháng thể có thể chống lại nCoV thành công. Mala Maini, nhà nghiên cứu miễn dịch virus tại Đại học College, London, cho biết: “Ngay cả một lượng nhỏ kháng thể vẫn có thể bảo vệ được cơ thể”.

Tế bào B và T

Ngay cả khi lượng kháng thể giảm xuống mức rất thấp và gần như biến mất, hệ thống miễn dịch vẫn có kế hoạch dự phòng. Tế bào “B nhớ” tồn tại trong tủy xương, đến khi virus quay trở lại thì chúng lại sản xuất kháng thể (lần này đáp ứng nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn).Dù vậy, dữ liệu về vai trò của tế bào B trong việc chống lại Covid-19 vẫn chưa đầy đủ. Chúng khó xác định và định lượng hơn so với kháng thể. “Nhưng có bằng chứng cho thấy chúng tăng sinh”, Marcus Buggert, nhà miễn dịch học tại Viện Karolinska, Stockholm, Thụy Điển cho biết. Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra các tế bào B nhớ có khả năng tạo ra các kháng thể trung hòa nhận biết nCoV ở những bệnh nhân nhẹ đã khỏi bệnh.

Hơn nữa, khả năng miễn dịch không hoàn toàn dựa vào kháng thể. Tế bào T có thể phát hiện các tế bào bị nhiễm virus và tiêu diệt chúng, giúp hạn chế sự lây lan của virus trong cơ thể. Giống như tế bào B ghi nhớ, tế bào T cũng rất khó để định lượng so với kháng thể, nhưng các nghiên cứu vẫn có thể xác định chúng được điều động trong quá trình lây nhiễm nCoV. Nghiên cứu gần đây phát hiện ra các tế bào T đáp ứng với tế bào nhiễm nCoV, dựa trên khảo sát các phản ứng miễn dịch ở 36 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh. Nhà miễn dịch học Danny Altmann tại Đại học Hoàng gia London cho biết: “Dường như tế bào T rất dễ bị kích thích bởi virus. Hầu hết tế bào T của mọi người đều có phản ứng rất tốt với chúng”.

Triển vọng của vaccine

Các nghiên cứu cũng đang tập trung vào khả năng phản ứng chéo của tế bào T, là khả năng các tế bào T vốn nhận ra các virus corona khác cũng nhận ra Sar-CoV-2. Kết quả cho thấy có thể có một số đáp ứng miễn dịch chéo và lâu dài giữa các virus corona cảm lạnh và nCoV. Điều này có thể giải thích sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng Covid-19 giữa các bệnh nhân.

Các bằng chứng cũng đưa ra những lý do để lạc quan rằng khả năng miễn dịch đối với Sar-CoV-2 sẽ lâu dài. Tế bào T chống lại virus gây ra SARS đã được tìm thấy ở những bệnh nhân từng nhiễm bệnh 17 năm trước. Ngoài ra, nCoV dường như không đột biến nhanh như virus cúm. Virus cúm thay đổi thường xuyên đến mức chúng ta cần phải tiêm phòng mới mỗi năm.

Thí nghiệm tại Salisbury trước đây cho thấy ít hi vọng về dấu hiệu ngăn ngừa nhiễm trùng đối với virus corona gây cảm lạnh thông thường. Nhưng nó cho thấy, khả năng miễn dịch có thể đủ mạnh để giảm hoặc thậm chí loại bỏ các triệu chứng. Nhưng tại thời điểm này, “thứ hữu ích là một loại vaccine có thể làm giảm tỷ lệ tử vong”, Alessandro Sette, một nhà miễn dịch học tại Viện Miễn dịch học La Jolla, Mỹ cho biết.

Nhìn chung, sự tác động đa dạng đối với cơ thể cùng với khả năng dễ lây lan đã khiến SARS-CoV-2 trở thành một kẻ thù khó nhằn. “Tuy nhiên cho đến nay, phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với nCoV-2 không có nhiều bất ngờ. Chúng ta vẫn có nhiều tín hiệu tốt về khả năng miễn dịch dài hạn”, Luis Barreiro cho biết.