Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I vừa hoàn thiện công nghệ sản xuất cá cá chim vây vàng Trachinotus spp ở quy mô công nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị, từ sản xuất giống tới thương mại hóa sản phẩm và chuyển giao công nghệ.


Công đoạn lựa chọn loại kháng sinh trị bệnh cho cá chim vây vàng.

Đó là những kết quả nổi bật của tiểu dự án “Hiện đại hóa công nghệ sản xuất cá biển quy mô công nghiệp ở Việt Nam nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm” thuộc Hợp phần 2a - "Khoản tài trợ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” trong khuôn khổ Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ" (FIRST) do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Bộ KH&CN là cơ quan quản lý.

Cá chim vây vàng là một đối tượng nuôi quan trọng và có tiềm năng kinh tế cao. Cá có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sau 7-8 tháng có thể đạt cỡ từ 0,5 – 0,7kg/con, từ năm thứ 2 trở đi, cá đạt trọng lượng 1,5kg/con. Loài cá này là một trong bốn loài cá biển ngon nhất (tứ quý ngư) được dân gian hay nhắc đến “Chim, Thu, Nhụ, Đé” - là những loài cá lành tính, nhiều nạc, ít xương, dễ chế biến, nhiều dinh dưỡng.

Nhận thức được giá trị của loài cá, xuất phát từ năng lực và thực tiễn hoạt động của đơn vị, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện tiểu dự án nói trên.

Trong thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 5/2018, nhóm nghiên cứu đã hiện đại hóa công nghệ sản xuất cá biển chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sinh học ở quy mô công nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị - từ sản xuất giống tới thương mại hóa sản phẩm và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển Viện trở thành đơn vị tự chủ tài chính theo Nghị định 115 và Nghị định 54 của chính phủ.

Cụ thể, đã hoàn thiện và hiện đại hóa công nghệ sản xuất cá biển công nghiệp với đối tượng là cá chim vây vàng Trachinotus spp với quy mô sản xuất cá giống đạt 1 triệu con giống/vụ, quy mô nuôi thương phẩm bằng lồng biển đạt 200 tấn/vụ, giá thành sản xuất đạt <70.000 đồng/1kg. Qua thử nghiệm đã thể hiện tính hiệu quả của quy mô và công nghệ nuôi, giảm các rủi ro, đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và bao gồm các quy trình: sản xuất giống, nuôi thương phẩm, dinh dưỡng-thức ăn, di truyền-chọn giống, quản lý môi trường và bệnh.

Viện cũng đã tạo được công thức thức ăn viên công nghiệp đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cá chim vây vàng ở giai đoạn nuôi thương phẩm, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cá nuôi tương đương cá tự nhiên, giảm hệ số thức ăn và cạnh tranh về giá bán; hoàn thiện quy trình quản lý môi trường và phòng ngừa bệnh, chăm sóc sức khỏe cá áp dụng cho trang trại nuôi cá biển nhằm đảm bảo sản phẩm cá chất lượng, sạch bệnh và đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với sự đầu tư từ Bộ KH&CN thông qua triển khai tiểu dự án, Viện đã trang bị các thiết bị nghiên cứu, thí nghiệm quan trọng, cốt lõi liên quan đến công nghệ sản xuất cá biển và 3 phòng thí nghiệm. Các phòng thí nghiệm đều đã được cấp giấy chứng nhận và thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn ISO/IEC17025:2017.

Cùng với đó, nhiều cán bộ đã được cử đi đào tạo nhiều chuyên ngành như dinh dưỡng, công nghệ nghiên cứu di truyền-chọn giống, nghiên cứu quản lý môi trường và phòng ngừa bệnh động vật thủy sản, nuôi cá lồng biển quy mô công nghiệp.

Đặc biệt, Viện đã chuyển giao được công nghệ sản xuất cá biển quy mô công nghiệp và các quy trình, công nghệ phụ trợ khác và hợp tác xây dựng công thức thức ăn cho cá chim vây vàng. Nhờ đó, doanh thu của Viện đã tăng lên đáng kể, dự kiến theo kế hoạch có thể trở thành đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính vào năm 2023.