Bằng chất giọng hào sảng đặc trưng của người miền Tây, ông Hoa Sĩ Hiền (Tân Châu, An Giang) nói tâm nguyện duy nhất của đời mình là người dân Việt Nam từ đồng bằng tới miền núi, từ vùng hạn hán đến hạn mặn, hạn phèn, đâu đâu cũng trồng được lúa. Điều đó đã trở thành nguồn động lực cho ông trong suốt 15 năm qua làm việc không có ngày nghỉ.
Quyết trồng lúa trên đất mặn
Tôi nói chuyện với ông Hoa Sĩ Hiền, khi ông vừa kết thúc bữa cơm tối. Hôm ấy trên “Viện” – cách ông gọi về ngôi nhà nhỏ gắn với 4000m2 đất ông dùng để nghiên cứu, lai tạo ra hơn 50 giống lúa - có nhiều việc vì mới gieo thử 4-5 giống mới.
Người nông dân 51 tuổi bắt đầu câu chuyện với tôi bằng quá trình lai tạo ra giống lúa có sức chịu mặn 5 phần nghìn TC7 – giống lúa ông đặt tên theo quê hương Tân Châu.
Đó là năm 2009, ông Hiền bắt đầu nghe trên báo đài cảnh báo xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Là người cả đời gắn liền với ruộng đồng, sống nhờ hạt thóc, ông vô cùng lo lắng, đất mặn thế này lúa mình sống làm sao, rồi liệu có chết đói không?
Trước đó, hồi năm 2004 nhờ khóa học chuyển giao kỹ thuật lai tạo giống của xã trong 3 tháng, ông đã lai tạo được 1 vài giống lúa và có chút tiếng tăm. Ông mạnh dạn gọi điện hỏi các nhà khoa học ở trường ĐH An Giang, Cần Thơ hỏi xem có giống lúa nào chịu mặn cho năng suất cao không, nhưng anh cũng lắc đầu bảo, còn đang nghiên cứu.
“Tôi bị ám ảnh bởi cái đói những ngày nhỏ nên sợ lắm. Vì thế, tôi lao vào nghiên cứu thử nghiệm. Đã dấn thân vào rồi thì phải tìm mọi cách để giải quyết, kể cả thất bại cũng là một kiểu thành công trong nghiên cứu” – ông Hiền nói. Ông Hiền nghĩ vậy rồi nhờ người đi Phú Quốc xách cho vài lít nước biển, nhờ người ở Cà Mau gửi cho ít giống lúa ma – loại lúa có khả năng thích nghi mạnh với môi trường, trổ bông ban đêm nhưng năng suất rất thấp.
Thử nghiệm giống lúa này trong các môi trường có nồng độ từ 1 phần nghìn đền 8 phần nghìn, ông nhận thấy, lúa ma có thể sinh trưởng tốt ở độ mặn 5 phần nghìn.
“Lúa ma thì không cho thóc nhưng cho mình mạng sống. Việc của mình là lai tạo với lúa đồng, tận dụng điểm mạnh của từng loài để cho ra đời một giống mới vừa chịu được mặn vừa cho năng suất tốt. Vậy là TC7 ra đời” – ông Hiền nói ngắn gọn như thể mọi chuyện chỉ diễn ra trong vài tháng sinh trưởng, dù thực tế hành trình ấy đã kéo dài tới 3 năm, và có không ít lần tuyệt vọng.
“Ngày xưa khi chưa có máy bay, ai nghĩ kim loại có thể cất cánh” – câu nói này được người nông dân Hoa Sĩ Hiền lặp đi lặp lại trong câu chuyện của mình, mỗi khi ông gặp điều gì khó khăn.
Chìa khóa của những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu của tôi nằm ở việc tận dụng các đặc tính chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt của lúa hoang, lúa ma. Từ đây, các dòng TC lần lượt ra đời, như TC2, TC4 có khả năng chống rầy, chống đổ ngã, TC6 phát triển tốt trong đất phèn, TC7 chịu được đặt mặn 5 phần ngàn….
Ông Hoa Sĩ Hiền
Là giống lúa cho năng suất cao từ 6-8 tấn/ha, TC7 được nhiều bà con ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu… đưa vào sản xuất. Giống lúa này cũng được Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh An Giang khảo nghiệm, lập hồ sơ đăng ký công nhận giống lúa mới. Cục Trồng trọt cũng đã công nhận giống lúa này và cho sản xuất thử.
Giọng ông trầm xuống hơn: ‘Đợt vừa rồi nhiều bà con trồng TC7 gọi điện hỏi mua thêm giống. Họ kể đợt trước trồng lúa của tôi thấy năng suất, chất lượng tốt nhưng bị thương lái chê vì vỏ dày. Vài năm gần đây, hạn mặn khiến người dân điêu đứng, lúa chết hết chỉ có TC7 sống sót, cho năng suất như thường. Tôi tin nó sẽ giúp ích cho bà con”.
“Viện lúa nghèo nhất thế giới”
Ông Hoa Sĩ Hiền gọi căn nhà rộng 17m3 lọt thỏm giữa 4 công đất của mình ở xã Tân Châu ấy là ‘Viện lúa nghèo nhất thế giới”. Ở đây, ông đã cho ra đời hơn 50 giống lúa, đã hướng dẫn hơn 200 sinh viên, hơn 20 thạc sĩ đến từ các trường ĐH An Giang, Cần Thơ, Nông lâm TP HCM. Gia tài đáng giá nhất ở đây là sổ sách ghi lại các thử nghiệm và kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua của ông Hiền. Nơi đây cũng đón tiếp nhiều nhà khoa học đầu ngành như GS Võ Tòng Xuân, TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ… thậm chí cả chuyên gia của Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI. Ông còn được Viện IRRI trao tặng giấy chứng nhận “Người có thành tích xuất sắc trong di truyền học”.
Làm thế nào để một người nông dân mới học hết lớp 6, trong tay không có một công cụ thí nghiệm nào, lại có thể lai tạo hơn 50 giống lúa trong 15 năm, với những giống lúa chống sâu rầy, lúa chịu được hạn từ 25-30 ngày (lúa thường chỉ chịu được 10 ngày), lúa chịu phèn, chịu mặn…
“Chìa khóa của những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu của tôi nằm ở việc tận dụng các đặc tính chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt của lúa hoang, lúa ma. Từ đây, các dòng TC lần lượt ra đời, như TC2, TC4 có khả năng chống rầy, chống đổ ngã, TC6 phát triển tốt trong đất phèn, TC7 chịu được đặt mặn 5 phần ngàn….”- ông Hiền chia sẻ về mấu chốt của nhiều giống lúa do mình lai tạo.
Hồi đầu nghiên cứu lúa cho đất phèn, đất mặn, do không có tiền mua máy đo độ mặn, ông Hiền sẵn sàng bỏ đất vào miệng để nếm, rồi dựa vào vị giác đoán thành phần, nồng độ. “Nhiều người hỏi tôi không sợ chết à, nhưng không nếm làm sao biết chất lượng đất mà đưa lúa cho phù hợp. Làm 5-6 năm thành quen, thường kết quả của tôi lệch khoảng 1-2 phần ngàn”.
Thời gian qua, giống lúa chịu mặn, chịu hạn của ông Hiền đang sinh trưởng tốt trên nhiều cánh đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thỉnh thoảng mới có cơn mưa, với giống khác thì như muối bỏ biển nhưng với giống lúa của ông Hiền, vậy là đủ để chúng phát triển và cho năng suất tốt.
Nhưng ông chưa bao giờ hài lòng với kết quả mình có được.Tháng vừa rồi, ông đã gieo thử nhiều giống lúa có tính trạng lạ như giống lúa thảo dược có khả năng trẻ hóa tế bào của người ăn; hạt gạo tím dài hoặc tròn; nếp trắng, nếp tím, nếp đỏ…
“Tôi muốn nghiên cứu giống lúa có thể chịu mặn 10 phần ngàn. Biết là khó nhưng mình phải làm.Bởi sắp tới có thể hạn mặn còn khủng khiếp hơn. Tâm nguyện duy nhất của tôi là bà con người Việt ở đâu cũng có thể trồng lúa” – ông Hiền trầm giọng.
Ngày mai, ông Hiền sẽ gửi lúa giống chịu hạn và lúa thảo dược cho một ai đó ở mãi tận Sơn La – nơi mà ông thậm chí ông còn băn khoăn hỏi tôi “ngoài Bắc có tỉnh Sơn La không” - nhưng có thể họ đã đọc về ông từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông tặc lưỡi “gửi 1kg tốn cả trăm nghìn tiền công, nhưng tôi gửi tặng hết, chỉ mong bà con mình ấm no”.