Bằng hiểu biết và kinh nghiệm tích lũy qua thời gian, những người làm ở Trung tâm Đánh giá không phá hủy (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã giúp những người bạn Lào đặt viên gạch đầu tiên cho một hướng đi mới và hứa hẹn nhiều lợi ích cho xã hội cho Lào: ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Vì vậy, những gì mà hỗ trợ này đem lại đã vượt quá khuôn khổ của một đề tài nghị định thư thông thường.

Cán bộ NDE hướng dẫn các học viên Lào các kỹ thuật NDT và kỹ thuật hạt nhân.

Mặc dù được bắt đầu thực hiện vào năm 2018 nhưng ý tưởng khởi điểm cho đề tài nghị định thư trong khuôn khổ hợp tác Việt – Lào “Hỗ trợ Bộ KH&CN Lào xây dựng ‘Trung tâm Thử nghiệm không phá hủy và kỹ thuật hạt nhân’” (NĐT.41.LA/18) đã xuất hiện trước cả thập kỷ. “Vào năm 2011, khi mới bắt đầu trở thành thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA), Lào đã mong muốn đưa một số kỹ thuật hạt nhân vào ứng dụng trong thực tế. Song đây là lĩnh vực mới tại Lào nên họ cũng có phần lúng túng trong thực hiện kế hoạch này”, kỹ sư Vũ Tiến Hà, nguyên giám đốc Trung tâm Đánh giá không phá hủy, cho biết. Đây là lý do khiến ông trao đổi với các nhà quản lý khoa học Lào là “cần thiết xây dựng một trung tâm đánh giá không phá hủy và kỹ thuật hạt nhân, rất nhiều việc có thể triển khai từ một trung tâm như thế và có thể hỗ trợ được hoạt động ở nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác nhau”.

Trải qua các khóa đào tạo, các cán bộ Lào đã có được 12 năng lực về NDT
và kỹ thuật hạt nhân.

Những ví dụ thành công về các trung tâm sử dụng kỹ thuật đánh giá không phá hủy đã được chứng thực ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới đủ sức thuyết phục Lào nhưng từ ý tưởng ban đầu cho đến khi thiết kế và triển khai một đề tài hợp tác cần đến rất nhiều điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Vì vậy phải đến năm 2018, kỹ sư Vũ Tiến Hà và cộng sự mới có thể bắt tay vào công việc hỗ trợ xây dựng một trung tâm như thế ở Lào. Ý tưởng này được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ủng hộ không chỉ vì kỹ sư Vũ Tiến Hà đã có hơn 40 năm kinh nghiệm mà còn bởi “anh Hà là một người hết sức tận tâm với nghề” như đánh giá của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Số không trên vạch xuất phát

Là một người có kinh nghiệm nên việc mường tượng ra những yếu tố quan trọng để xây dựng một trung tâm sử dụng các kỹ thuật đánh giá không phá hủy (NDT) và kỹ thuật hạt nhân cơ bản không phải là vấn đề khó với ông Vũ Tiến Hà. “Khi thiết kế dự án này cho Lào, tôi hiểu sẽ cần những gì để cho một trung tâm này. Giống như những dự án quốc tế khác, cần phải trả lời được các câu hỏi ‘tên của nó là gì? mục đích của nó ra làm sao? ai làm? đầu tư bao nhiêu kinh phí? cần bao nhiêu thời gian?’…. Tất cả những hoạt động chuẩn bị phải dẫn đến việc có được một trung tâm tương đối hoàn chỉnh để họ có thể triển khai các bước tiếp theo mà họ thấy cần thiết”, ông cho biết.

Những chất liệu cần thiết cho việc xây dựng trung tâm cho Lào được ông Vũ Tiến Hà đúc rút từ kinh nghiệm với Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) và những gì quan sát được về quá trình phát triển của các cơ sở cùng lĩnh vực trên thế giới. Nhưng tất cả những kinh nghiệm ông đã trải qua ở NDE đều có thể áp dụng được hoàn toàn vào kế hoạch này? “Ồ, có nhiều điểm khác biệt nên chúng tôi không thể áp dụng tất cả các kinh nghiệm được. Bởi khi xây dựng NDE, nhân lực 23 người ban đầu đã có nghề, trong đó có những con người đã dành cả cuộc đời và đặt bản thân họ vào công việc thì cũng dễ, còn với Lào thì tất cả đều bắt đầu từ con số không”, ông Vũ Tiến Hà chia sẻ.

Với một quốc gia chưa từng có hoạt động gì về kỹ thuật hạt nhân như Lào, việc xây dựng năng lực từ con số không là khó hay dễ? Có lẽ là cả hai bởi thật ra “tất cả như tờ giấy trắng, bắt đầu từ một thứ mới mẻ ”nhưng mặt khác, nó lại ẩn chứa một sức ép, đó là cần một sự tính toán nghiêm túc để “tự thân trung tâm có thể tồn tại một cách đàng hoàng nhờ vào những năng lực hình thành sau quá trình thực hiện dự án”.

Mặc dù nói một cách khiêm tốn là “đây chỉ là cú hích ban đầu” nhưng trên thực tế, những gì ông Vũ Tiến Hà và cộng sự xây dựng cho Lào là những năng lực bất cứ trung tâm NDT nào cũng cần phải có: một nhóm kỹ thuật viên có thể sử dụng 4/6 kỹ thuật NDT cơ bản và kỹ thuật hạt nhân cơ bản, đồng thời trang bị một số thiết bị để triển khai các kỹ thuật đó. Xét về mặt kỹ thuật thì khi làm chủ bốn phương pháp như kiểm tra thẩm thấu chất lỏng, kiểm tra bột từ, chụp ảnh phóng xạ dùng film, kiểm tra siêu âm, các kỹ thuật viên có thể phát hiện, đánh giá được các khuyết tật trên bề mặt cũng như nằm sâu bên trong các đối tượng cần kiểm tra, ví dụ như công trình cầu đường, thiết bị máy móc công nghiệp… Những kỹ thuật hạt nhân mà ngày nay được ứng dụng khắp nơi trên thế giới thì rất phong phú và đa dạng nhưng với một nơi mới bắt đầu thì nên làm chủ những kỹ thuật nền tảng và được dự báo là có nhiều nhu cầu sử dụng như dùng nguồn phóng xạ đo độ ẩm/độ chặt nền móng công trình xây dựng và công nghiệp; dùng phương pháp huỳnh quang tia X xác định tuổi một số kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim và đồng; dùng liều kế nhiệt phát quang để kiểm soát liều cá nhân; đo suất liều của máy và môi trường bằng thiết bị có phát tia bức xạ ion hóa để ghi đo bức xạ thích hợp…

Từ việc xác định những kiến thức cần truyền thụ, những người thực hiện đề tài đã lên chương trình cho 7 khóa đào tạo cho những người “theo nghề” đầu tiên ở Lào, vốn mới có kiến thức về kỹ thuật nói chung. Ý thức về chất lượng nhân lực nòng cốt khiến việc tuyển chọn trở nên gắt gao hơn: số học viên ban đầu là 7 người, sau còn 6 người trải qua 7 khóa học. Vậy Lào sẽ bắt đầu trung tâm của mình bằng con số tối thiểu này ư? “Chúng tôi không thể đào tạo hổ lốn được, chẳng thà ban đầu có sáu người tốt còn hơn 60 hay 600 người không có đủ kiến thức. Từ trước đến nay, ở Lào chưa có hoạt động NDT hay ứng dụng kỹ thuật hạt nhân nên giờ bắt đầu có thì nên có một nhóm tối thiểu để sau này phát triển dần lên và lượng người sẽ tùy theo việc”, ông Vũ Tiến Hà cho biết.

Khởi đầu của một tiềm năng

Để hoàn thành tốt một nhiệm vụ, dù nhỏ, không bao giờ dễ dàng. Đó là lý do giải thích vì sao, ông cân nhắc rất nhiều đến khả năng hoạt động trong tương lai của Trung tâm Thử nghiệm không phá hủy và kỹ thuật hạt nhân (NTQC) của Lào, khi đề tài kết thúc.

Do đó, bên cạnh việc đào tạo những nhân lực nòng cốt cho NTQC, một phần của đề tài này là trang bị cho họ những thiết bị - công cụ để họ thực hiện công việc theo đúng chức năng của mình. “Các bộ mẫu thử nghiệm, các tiêu chuẩn, các quy trình cũng như các thiết bị như máy phát tia X Rigaku 300KV, máy siêu âm Sonatest, gông từ... đã được chế tạo tại Việt Nam hoặc nhập ngoại để chuyển giao cho các bạn Lào”, nhóm thực hiện đề tài đã viết như vậy trong phần tổng kết.

Việc mua sắm và trang bị các thiết bị ấy được quyết định trên cơ sở đúng người – đúng việc và hơn nữa, giúp cho NTQC vẫn có thể không lãng phí đầu tư mà vẫn đạt được hiệu quả mong đợi. Nếu không tính kỹ khía cạnh này thì rất có thể, người ta dễ rơi vào trường hợp “vung tay quá trán”, trang bị những thiết bị hiện đại và đắt tiền nhưng lại không có người đủ năng lực sử dụng hoặc có thì cũng không sử dụng hết các chức năng của nó. Tuy nhiên ở đây, nhóm thực hiện đề tài đã bàn bạc để tránh cho Lào trường hợp này. Những suy nghĩ để đi đến phương án lựa chọn như vậy, dẫu không xuất hiện trong các văn bản nghiệm thu, nhưng nó sẽ làm những người thực hiện đề tài cảm thấy thanh thản hơn. Đó cũng là lý do khiến họ có thể thoải mái và tự tin khi trao đổi với đồng nghiệp và những thành viên hội đồng nghiệm thu đề tài. “Đúng là hiện tại có nhiều phương pháp đo nhưng Lào cũng giống như Việt Nam 20 năm trước đây khi mới bắt đầu triển khai các kỹ thuật NDT. Chúng ta phải tính cho Lào những lựa chọn phù hợp như phương pháp vừa túi tiền mà vẫn có thể có được độ chính xác cần thiết, đáp ứng được các yêu cầu cần thiết ban đầu khi cần kiểm soát liều cho nhân viên bức xạ”.

Cũng với suy nghĩ ấy, ông Vũ Tiến Hà và cộng sự đã cung cấp cho NTQC những thiết bị mà nhiều đơn vị trong Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát triển được trong nhiều năm qua. “Một trong số đó là thiết bị hạt nhân sử dụng các đồng vị phóng xạ đo độ ẩm/độ chặt nền móng công trình. Dựa trên hiểu biết tích lũy được sau mấy chục năm hoạt động,Trung tâm NDE đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thiết bị đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật của Việt Nam và giá thành chỉ bằng một phần ba giá thành thiết bị ngoại nhập cùng loại”, ông cho biết.

Tất cả những chuẩn bị về năng lực cơ sở vật chất và nhân lực như vậy đã nằm trong tính toán của nhóm thực hiện đề tài ngay từ khi lên kế hoạch. Những gì diễn ra trong quãng thời gian thực hiện cũng là đi theo lộ trình ấy. Tuy nhiên, thực tế luôn có những tình huống khác mà xử lý không khéo, có thể dẫn đến những kết cục khác. Với dự án này, đó là hai tình huống: 1, Bộ KH&CN Lào bị giải thể, NTQC thuộc Cục Tiêu chuẩn và Đo lường được sáp nhập vào Bộ Công thương Lào; 2, đại dịch COVID-19. Họ đã ‘lách’ qua trường hợp này như thế nào? Ông Vũ Tiến Hà trầm ngâm “Dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn có cách để vượt qua, miễn là có giải pháp thích hợp và khả thi. Tôi nghĩ là như vậy. Vì thế, tôi đã quyết tâm thực hiện đề tài bằng được, dù phải xin gia hạn thời gian thực hiện đến hai lần”.

Bằng những quyết tâm như vậy, nhóm thực hiện đề tài đã vượt qua từng khó khăn một cách khéo léo, thậm chí quyết liệt. “Trong năm 2021, các đợt bùng phát COVID khiến chúng tôi không thể bàn giao được 40 hệ thiết bị cho Trung tâm DMS như kế hoạch. Lúc đó, có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không vào được Lào thì có thể giao máy móc cho họ ở biên giới để họ nhận rồi về lắp đặt”, ông Vũ Tiến Hà chia sẻ. Nhưng bản tính đã làm là phải chỉn chu đến nơi đến chốn, có lẽ là đặc tính nghề nghiệp của những người làm NDT, khiến ông không chấp nhận điều đó “tôi bảo tôi không làm thế, mình phải sang đến tận nơi, mở cửa ra, cắm điện, vận hành máy mới có thể yên tâm. Họ cắm nhỡ cháy máy thì sao? làm như vậy mang tiếng. vì vậy tôi chấp nhận cách ly ở biên giới Lào hai tuần, lúc về tự cách lý tiếp.

Những nỗ lực này đã đem lại kết cục khả khả quan. “Trung tâm NTQC có được 12 năng lực về NDT và kỹ thuật hạt nhân và đã bắt đầu các hoạt động đầu tiên mang lại những hiệu quả đáng mong đợi, chẳng hạn kiểm tra chất lượng các mẫu vàng thành phẩm cho các tổ chức và cá nhân tại Lào”, nhóm nghiên cứu viết như vậy trong báo cáo tổng kết.

Mở ra những cơ hội mới

Ở thời điểm ban đầu của NTQC, thật khó đưa ra dự đoán về sự phát triển trong tương lai nhưng ít ra, ở góc độ của những chuyên gia trong ngành, họ nhìn thấy cả một thị trường lớn đang sẵn sàng. Nếu chỉ nhìn vào ngành hàng không hay ngành năng lượng có thể thấy điều này: các sân bay, máy bay của Lào hiện đều phải dùng các dịch vụ NDT của nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Việt Nam; nhà máy nhiệt điện Hồng Sá ở tỉnh Sayabuli cách Vientiane 600 km với công suất 600MW phải thuê các dịch vụ kỹ thuật của Thái Lan hay Trung Quốc. Hiện tại, ở Lào chưa có công ty NDT hay bảo trì ngăn ngừa nào của Lào đảm nhiệm được việc này. “Giờ thì họ có năng lực rồi, vấn đề là họ sử dụng năng lực ấy như thế nào thôi… Tôi nghĩ là họ thật sự có nhu cầu, thậm chí nhu cầu rất nhiều”, ông Vũ Tiến Hà đánh giá. “Khảo sát ở Lào, tôi thấy từ năm 2018 đến tháng năm 2021, số máy X quang của Lào từ khoảng 50 cái lên 150 chiếu trong khi pháp lệnh về an toàn bức xạ của Lào đã ra đời và có hiệu lực từ tháng 6/2019. Do đó, dù muốn hay không muốn, một cơ sở, một cá nhân bất kỳ ở Lào muốn áp dụng việc chẩn đoán và điều trị trên máy X quang thì phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn về an toàn. Đó là cơ hội của NTQC”.

Hiệu quả của một đề tài nhiều ý nghĩa không dừng lại trong phạm vi một chương trình nghị định thư. “Trong vai trò là nhà quan sát và tư vấn, IAEA đánh giá rất cao đề tài ngay khi nó còn đang diễn ra. Do đó, vào năm 2019, IAEA đã lên kế hoạch cùng với Việt Nam hỗ trợ Lào và Campuchia thực hiện các chương trình quốc gia về năng lực NDT, chiếu xạ trong công nghiệp, y học hạt nhân, an toàn bức xạ, đột biến tạo giống… cũng như thúc đẩy việc thành lập các cơ sở nghiên cứu về KH&CN hạt nhân tại hai quốc gia này. Khi thực hiện các dự án hợp tác ba bên đó, IAEA không phải mời chuyên gia quốc tế nữa mà mời chính Việt Nam vì họ tin tưởng vào năng lực của Việt Nam”, TS. Trần Chí Thành cho biết.