Trong suốt nhiều thập kỷ, con người đã dùng thuốc kháng sinh để phòng chống những căn bệnh trên nhiều giống cây trồng khác nhau do vi khuẩn gây ra, bao gồm táo và lê. Tuy nhiên, hoạt động này lại không được giám sát chặt chẽ.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí CABI Agriculture and Bioscience vào tháng 6/2020, các nhà khoa học tiến hành điều tra hiện trạng sử dụng thuốc kháng sinh tại 158 quốc gia.
Kết quả cho thấy, hơn 1/4 các quốc gia được khảo sát đã phát triển các chương trình theo dõi ảnh hưởng của thuốc kháng sinh đến sức khỏe con người và vật nuôi. Tuy nhiên, chỉ có 3% các quốc gia có chương trình giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh trên cây trồng.
Dữ liệu cho thấy có 11 loại kháng sinh thường xuyên được phun cho cây trồng trong các trang trại trên khắp châu Mỹ, khu vực phía Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Vành đai Thái Bình Dương. Chỉ riêng tại Đông Nam Á, các nông dân đã phun cho cây lúa trung bình khoảng 63 tấn thuốc kháng sinh streptomycin và 7 tấn tetracycline mỗi năm.
“Cây trồng là con đường tiềm năng để vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh xâm nhập vào hệ tiêu hóa của con người, và đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm”, Philip Taylor, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Quốc Hùng (Theo UPI)