Xây dựng một “thiên đường” đào tạo để sinh viên, nghiên cứu sinh trong nước tạo ra các sản phẩm tốt không kém người du học; có thể chuyển giao mọi công nghệ của Trung tâm Nano và Năng lượng là hai mục tiêu mà tiến sỹ Nguyễn Trần Thuật đang hăm hở hướng đến.

Gắn bó với pin mặt trời

Tôi gặp tiến sỹ (TS) Thuật tại Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - khi cơn dông đang làm nghiêng ngả hàng bằng lăng tím ngắt trước khu nhà ông làm việc. Sự chân thành, vui vẻ toát lên từ TS Thuật khiến cảnh mưa ướt át như lùi lại rất xa bên ngoài. “Tôi không bao giờ để tâm trạng xấu kéo dài, ảnh hưởng tới công việc. Tôi bị “lây” tính cởi mở của người Sài Gòn sau 3 năm ở đó, buồn thì gọi bạn bè đi nhậu, nghe nhạc” - Thuật lý giải.

Tiến sỹ Nguyễn Trần Thuật tại nơi làm việc. Ảnh: Vũ Ngọc
Tiến sỹ Nguyễn Trần Thuật tại nơi làm việc. Ảnh: Vũ Ngọc

Nói về quyết định vào TPHCM năm 2009 sau 8 năm học tập, nghiên cứu tại Pháp, TS Thuật nheo mắt kể: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ mình ở Pháp thế là đủ rồi, phải về thôi. Nếu đặt lên bàn cân chuyện giá trị, được - mất thì rất khó quyết. Về nước, tôi đặt mục tiêu vào TPHCM 3 năm để học hỏi, nghiên cứu về nano. Nhiều người bảo tôi hâm, vì ở Hà Nội có nhà cửa, gia đình, bỗng dưng bỏ vào đó để thuê nhà, làm lại từ đầu”.

Tại Đại học Quốc gia TPHCM, nhóm nghiên cứu do Thuật phụ trách nghiên cứu chế tạo pin mặt trời, và đề tài này như duyên nợ gắn bó với anh đến giờ. Nhóm tạo ra được pin mặt trời silic nguyên tấm 125mm đơn tinh thể và 156mm đa tinh thể. “Chúng tôi rất tự hào vì lúc đó chưa nhóm nghiên cứu nào ở Việt Nam làm được tấm pin mặt trời silic lớn như vậy” - TS Thuật cười rạng rỡ. Nhóm cũng tìm ra cách kéo dài thời gian hoạt động của pin mặt trời đến 20 năm: Gói pin bằng kính cường lực, có lớp nhựa polymer ở giữa, dùng nhiệt độ để ép.

Trở về Hà Nội, pin mặt trời vẫn là lĩnh vực mà TS Thuật và cộng sự say mê theo đuổi. Họ đang nghiên cứu vật liệu mới thay thế silic để giảm giá thành mà vẫn giữ nguyên hiệu suất, đó là sử dụng sắt, đồng, nhôm, kẽm và perovskite. Thuật lý giải: “Pin mặt trời trên nền vật liệu perovskite đang được ưa chuộng. Chúng tôi mới đang nghiên cứu bước đầu là vật liệu. Khi ra được quy trình, tôi sẽ làm pin mặt trời kích thước 2m”.


Người theo đuổi niềm vui

TS Nguyễn Trần Thuật từng “nhảy” khá nhiều lĩnh vực nghiên cứu, với quan điểm làm những việc đem lại nhiều niềm vui. Thuật từng học lớp cử nhân tài năng khoa Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên. Sang Pháp, ông tiếp tục học vật lý ứng dụng, kết hợp với toán điện tử, tin học và điện tử. Đến khi nghiên cứu sau đại học, ông lại thiên về vật lý chất rắn, chế tạo vật liệu.

“Khoa học vật liệu không phải phương pháp tối ưu để kiếm tiền, nhưng mang lại niềm vui” - Thuật bộc bạch. Và cũng để tìm vui, ông đang theo đuổi 2 mục tiêu lớn là có nhiều nghiên cứu chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ tốt như nước ngoài.

Đặt niềm tin vào khả năng chuyển giao công nghệ - theo TS Thuật, cái mà Trung tâm Nano và Năng lượng chuyển giao tới các nhà máy sẽ không chỉ có pin mặt trời, mà là mọi thứ trung tâm có thể làm ra.

“Sau khủng hoảng thừa của công nghiệp pin mặt trời năm 2011, vào năm 2015, một công ty lớn của Trung Quốc đã xây dựng ở Thái Nguyên nhà máy pin mặt trời có công suất 200MW, đang chuẩn bị mở rộng lên 600MW. Tôi thấy mình có cơ hội để hợp tác ở khía cạnh đào tạo, đưa ra quy trình mới” - TS Thuật nói. Ông cũng đang nghiên cứu hệ thống dẫn ánh sáng mặt trời để dùng trực tiếp, không cần đèn, hay cảm biến hồng ngoại…

Nói chuyện đào tạo, TS Thuật cũng say sưa chẳng kém pin mặt trời: “Nhiều học sinh hỏi ở nước ngoài thầy học được gì. Tôi trả lời, đó là phương pháp nghiên cứu. Kiến thức thì có thể đọc sách để bổ sung, nhưng có được phương pháp đúng là một quá trình”. Phương pháp mà TS Thuật áp dụng cho các nghiên cứu là giao cho mỗi người trong nhóm một mảng, trưởng nhóm kết nối để ra sản phẩm.

Hoàng Ngọc Vũ - nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học École Centrale de Lyon, người từng làm việc cùng TS Thuật tại Đại học Quốc gia TPHCM - nói: “Nhờ làm việc chung với anh Thuật, tôi không quá bỡ ngỡ mà hòa nhập nhanh khi đi học ở nước ngoài. Các kiến thức, kinh nghiệm thu được trong nghiên cứu đã cho tôi một nền tảng tốt, tạo lợi thế khi tìm học bổng tiến sỹ”.

Chính vì không muốn bỏ qua cơ hội làm việc cùng TS Thuật mà Ngô Văn Lập - sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - từ chối suất học bổng đi Pháp. Lập giải thích: “Trung tâm Nano và Năng lượng mới thành lập, có phòng lab hiện đại bậc nhất Việt Nam. Tôi làm việc với thầy Thuật hơn 1 năm nay, mọi thứ đã vào guồng, nếu bỏ sẽ rất tiếc”.

Sự từ chối học bổng du học của Lập càng củng cố niềm tin của TS Thuật rằng: “Với quy trình, công nghệ này, sinh viên trong nước cũng có thể cho ra các sản phẩm không kém nước ngoài, thậm chí còn hơn. Tôi và các thầy muốn xây dựng Trung tâm Nano nói riêng và hình ảnh nghiên cứu ở Việt Nam nói chung để chứng minh rằng, muốn nghiên cứu không nhất thiết phải ra nước ngoài, trong nước có thể làm tốt hơn. Mô hình này trước hết sẽ thực hiện ở Đại học Quốc gia Hà Nội”.

TS Nguyễn Trần Thuật sinh năm 1980, hiện là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một trong những nhà khoa học trẻ tiêu biểu Việt Nam được chọn tham gia cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ vào năm 2015.

TS Nguyễn Trần Thuật đã có 4 bài báo trong nước, 15 bài báo quốc tế, 4 sản phẩm khoa học công nghệ có thể được áp dụng thực tế, chủ nhiệm 5 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và 19 báo cáo hội thảo quốc tế.

Các sản phẩm khoa học và công nghệ được đánh giá tốt của nhà khoa học trẻ này gồm “Nghiên cứu chế tạo thành công pin mặt trời trên nguyên tấm 125x125mm với hiệu suất 15% và 156x156mm với hiệu suất 11%” và “Nghiên cứu chế tạo thành công thẻ nhận dạng RFID với tầm đọc lên đến 10m”.