Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến chống lại sự ích kỷ của con người. Một nhiệm vụ dường như bất khả thi khi, như nhà văn García Márquez ẩn dụ, nhân loại cứ mãi “trăm năm cô đơn” trong cái tôi to lớn của chính mình, hay nhà sinh học Richard Dawkins chứng minh gene vị kỷ của con người là thiết yếu cho quá trình tiến hóa.
GS. William Nordhaus giảng bài cho sinh viên tại ĐH Yale. Ảnh: Yale news.
Tuần lễ đầu tháng 10 năm nay chứng kiến 2 sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc chiến tuyệt vọng đó. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) xuất bản 1 báo cáo chấn động, cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu sẽ đến nhanh hơn với mức độ khốc liệt hơn, hơn tất cả tính toán trước đây. Gần như cùng lúc, Ủy ban Nobel quyết định trao một nửa giải thưởng kinh tế năm nay cho giáo sư Đại học Yale William Nordhaus, người khai phá hướng nghiên cứu sử dụng mô hình kinh tế giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Sẽ rất xứng đáng trao giải thưởng danh giá nhất cho những ai mở đường giúp con người thoát khỏi điểm yếu tiền kiếp của mình, điểm yếu mang tên vị kỷ, và sản phẩm của nó – biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu được các nhà khoa học của IPCC chứng minh có nguyên nhân chủ yếu từ hoạt động của con người. Các hoạt động kinh tế của con người thải ra khí nhà kinh, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, làm tan băng ở hai cực của Trái đất và đưa nước biển dâng lên. Nhiệt độ tăng toàn cầu còn làm thay đổi lượng mưa, dịch chuyển mùa và thay đổi tần suất và cường độ bão. Tất cả sự thay đổi này ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và đời sống con người, từ giảm sản lượng nông nghiệp, mất đất canh tác, gia tăng bệnh dịch, gia tăng thiên tai, hay biến đổi hệ sinh thái.
Có thể giảm hoạt động kinh tế của con người hay đầu tư vào các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính để giảm sự nóng lên toàn cầu? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Và “có thể” ở đây mới chỉ là về mặt lý thuyết. Rất khó và dường như không thể trên thực tế. Tại sao? Vì khi một nhà máy nào đó giảm hoạt động hay đầu tư công nghệ giảm phát thải, nhà máy đó gánh chịu chi phí. Lợi ích đem lại từ khoản chi phí này chính là ít khí nhà kính hơn, nhiệt độ giảm đi, toàn cầu bớt nóng lên, và toàn nhân loại được hưởng lợi. Có cá nhân hay quốc gia nào tự nguyện hy sinh chịu chi phí, mà chi phí giảm phát thải thường không hề nhỏ, để cho mọi người trên thế giới hưởng lợi và biết rằng các cá nhân hay quốc gia khác có thể không bỏ ra khoản chi phí nào cả mà vẫn hưởng lợi từ một khí hậu toàn cầu hạ nhiệt hơn? Không, không và không. Sự vị kỷ, không muốn hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chung của mọi người, là nhân tố chính làm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trở nên cực kỳ khó khăn. Nếu không có cơ chế nào giúp con người vượt qua sự vị kỷ của chính mình, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ mãi bế tắc.
Giáo sư Nordhaus đã đề xuất một cơ chế buộc nhà sản xuất phải giảm phát thải khí nhà kính – nghĩa là giảm sự tham lam và vô trách nhiệm của mình. Cơ chế đó có tên là thuế carbon. Thuế các bon là loại thuế hoặc đánh trên lượng carbon phát thải hoặc trên hàm lượng carbon trong nhiên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất. Nếu không có thuế này, nhà sản xuất thải ra lượng carbon gây hiệu ứng nhà kính, gây thiệt hại cho mọi người mà không phải trả bất cứ chi phí nào, không phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Vì phát thải là miễn phí, họ sẽ có xu hướng thải càng nhiều càng tốt để tối đa hóa lợi nhuận. Thuế carbon yêu cầu người phát thải trả chi phí cho hành động đó, do đó là cách đưa chi phí thiệt hại vào trong chi phí sản xuất. Hay nói cách khác, thuế carbon áp đặt trách nhiệm đối với xã hội lên hoạt động của nhà sản xuất.
Từ những năm 1970, Giáo sư Nordhaus và các nhà kinh tế môi trường khác đã đưa ra nguyên tắc người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại môi trường và sức khỏe do họ gây ra. Chính phủ cần buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền, bằng cách nội hóa chi phí thiệt hại vào chi phí sản xuất. Nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền là nền tảng phát triển các công cụ kinh tế quản lý ô nhiễm môi trường. Có hai nhóm công cụ kinh tế được phát triển và áp dụng trên thế giới: nhóm công cụ dựa vào cơ chế kiểm soát lượng ô nhiễm và nhóm công cụ dựa vào cơ chế kiểm soát giá. Công cụ kiểm soát lượng ô nhiễm như giấy phép phát thải CO
2 sẽ cố định lượng phát thải mục tiêu, chuyển lượng phát thải này thành giấy phép phát thải và cho phép thị trường tự định giá giấy phép. Nhà máy có công nghệ giảm phát thải CO
2 với chi phí thấp sẽ có xu hướng đầu tư vào công nghệ này và bán giấy phép phát thải cho những nhà máy có công nghệ chi phí cao. Công cụ kiểm soát giá, hay thuế carbon, sẽ cố định giá carbon và để cho các nhà máy tự quyết định lượng phát thải. Nhà máy thải càng nhiều thì phải trả thuế carbon càng nhiều, do đó sẽ suy tính đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, nếu chi phí cho công nghệ rẻ hơn tiền thuế.
Giáo sư Nordhaus là người nhiệt thành cổ vũ việc áp dụng thuế carbon. Trong bài báo đăng trên tạp chí Review of Environmental Economics and Policy số 1 năm 2007, ông đưa ra nhiều lý lẽ và cơ sở khoa học ủng hộ việc áp dụng thuế carbon để làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu
1. Điểm thú vị là Nghị định thư Kyoto năm 1997, với sự đồng thuận của 192 quốc gia, đặt trong tâm giảm phát thải bằng cách sử dụng cơ chế kiểm soát lượng chứ không phải cơ chế giá. Các thị trường mua bán giấy phép phát thải đã được thiết lập và vận hành. Giáo sư Nordhaus lại nghĩ khác. Ông đề nghị sử dụng công cụ kiểm soát phát thải khí nhà kính gọi là ‘Thuế carbon hài hòa quốc tế’ (Internationally harmonized carbon tax). Thực chất đây sẽ là một công cụ thuế carbon cho toàn cầu và được áp dụng linh hoạt cho từng quốc gia. Giáo sư Nordhaus cho rằng thuế carbon toàn cầu sẽ hiệu quả hơn về mặt kinh tế, đáp ứng tốt hơn trong những điều kiện không chắc chắn và giúp hạn chế tham nhũng hay lừa đảo tài chính, những vấn đề có thể xảy ra với thị trường mua bán giấy phép phát thải.
Câu hỏi lớn liên quan đến thuế carbon là mức thuế bao nhiêu thì tối ưu để giảm phát thải khí nhà kính. Giáo sư Nordhaus đã có câu trả lời tuyệt vời vào năm 1992: mô hình DICE (Dynamic Integrated Climate Economy – Mô hình Kinh tế khí hậu tích hợp động). Mô hình này cho phép tính toán tác động kinh tế của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn khi nhiệt độ toàn cầu tăng 0.50C thì chi phí thiệt hại mùa màng, sức khỏe sẽ là bao nhiêu. DICE sẽ giúp tính toán chi phí xã hội, nghĩa là chi phí của tất cả các thiệt hại cho mọi đối tượng, của 1 tấn carbon thải ra môi trường. Mức thuế carbon tối ưu cho một tấn carbon phát thải sẽ là mức thuế bằng với chi phí xã hội mà nó gây ra. Mô hình này đã được các tổ chức quốc tế hay cơ quan quản lý môi trường quốc gia sử dụng khá rộng rãi. Phần tính toán tác động kinh tế trong các báo báo về biến đổi khí hậu của IPCC dựa vào mô hình DICE. Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (Environmental Protection Agency) sử dụng DICE để tính toán chi phí xã hội của carbon.
Giáo sư Nordhaus đã rất thành công khi thuyết phục được giới nghiên cứu về ưu điểm của thuế carbon toàn cầu và các tổ chức quốc tế sử dụng mô hình DICE của mình trong tính toán các kịch bản biến đổi khí hậu. Tuy nhiên ông lại đang loay hoay chưa thấy đường ra trong việc thuyết phục chính quyền các nước và ở chính nước mình áp dụng thuế các bon toàn cầu. Ngay sau khi nhận được thông tin thắng giải Nobel, ông nói thế này: “Chính sách hiện nay ở rất, rất xa - hàng dặm – sau bằng chứng khoa học” và “Khó mà lạc quan. Hoa Kỳ chúng ta thật sự thụt lùi với các chính sách tai hại của chính quyền Trump”
2.
Quả thực gene vị kỷ được phản ánh nổi bật trong khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, trong việc rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Trump. Khi một quốc gia hàng đầu đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên lợi ích chung toàn cầu, muốn cắt giảm chi phí môi trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, muốn hưởng miễn phí lợi ích giảm biến đổi khí hậu từ nỗ lực của các quốc gia khác, thì ước mơ về một cơ chế hợp tác toàn cầu như công cụ thuế carbon vẫn còn xa vời vợi.
Nordhaus đã 77 tuổi. Ông có còn thời gian để chứng kiến một kết cục đẹp của cuộc chiến vĩ đại với kẻ thù toàn cầu đang đối mặt – biến đổi khí hậu? Con quái vật biến đổi khí hậu lại được sự hậu thuẫn vô hình bởi sự vị kỷ của chính nạn nhân của nó. Giáo sư Nordhaus đã trao cho nhân loại mũi giáo sắc bén, mũi giáo mang tên thuế carbon. Sử dụng được mũi giáo để ghìm cương và chiến thắng quái vật biến đổi khí hậu cần sự hợp lực của mọi người, mọi quốc gia. Hợp tác toàn cầu là cái mà chúng ta cần và đang đi tìm.
Tài liệu tham khảo
[1] Nordhaus, W. (2007) To Tax or not to Tax: Alternative Approaches to Slowing Global Warming, Review of Environmental Economics and Policy, V1(1): 26-44.
[2] The New York Times “2018 Nobel in Economics is Awarded to William Nordhaus and Paul Romer”. 8 October 2018.