Trong khi không người nào có thể cạnh tranh nổi với trí tuệ nhân tạo trong việc trích dẫn các sự kiện hay làm những phép tính đã có sẵn công thức, thì máy móc vẫn chưa thể nào cạnh tranh được với tài khéo léo và sự sáng tạo của con người.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 khác hẳn với những cuộc cách mạng trước đây: Không tạo điều kiện cho con người sử dụng môi trường xung quanh dễ dàng hơn và hiệu quả hơn vì lợi ích của chính họ, mà công nghệ đang làm việc thay cho con người. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ được lợi. Các dịch vụ được tự động hoá hay các dịch vụ sử dụng công nghệ khác có thể làm gia tăng lợi nhuận cho các công ty, đồng thời cung cấp cho người sử dụng những sản phẩm rẻ hơn, thuận tiện hơn hay đáng tin cậy hơn so với những sản phẩm do chính con người làm ra. Nhưng, tất nhiên, những người trước đây từng làm những việc mà máy móc đang và sẽ làm sẽ phải trả giá đắt.

Theo Frank Zhang thuộc Yale School of Managemen, 79% các giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện nay là do các chương trình phần mềm thực hiện, nó phản ánh hy vọng rằng máy móc sẽ có khả năng xác định các khuôn mẫu hành vi hiệu quả hơn con người. Chính tôi đã tiết kiệm được chi phí dịch thuật từ khi nhận thức được rằng, sử dụng dịch vụ dịch thuật của Google (Google Translate) với một chút chỉnh sửa là đã được một văn bản hoàn hảo, nhưng nó cũng có nghĩa là những sinh viên mới tốt nghiệp mà tôi thuê làm công việc này bị mất thu nhập. Tóm lại, cuộc cách mạng do trí tuệ nhân tạo (AI) kích hoạt sẽ tạo ra người thắng và kẻ thua. Để chiến thắng, quan trọng không phải chỉ không bị các công nghệ mới thay thế, mà còn tận dụng được những cơ hội mới mà chúng cung cấp.

Giáo dục trẻ em có ảnh hưởng đáng kể đối với năng suất lao động. Ảnh: TL

Phản ứng theo cách đó không chỉ tốt cho các cá nhân, mà còn tốt đối với các nền kinh tế nói chung. Ví dụ, ở Nhật Bản, phát triển nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, trong khi dân số đang giảm và đang già đi. Và quá trình đó phải bắt đầu từ khá sớm: như James Heckman, nhà kinh tế học từng được trao giải Nobel, đã chỉ ra, giáo dục trẻ em có ảnh hưởng đáng kể đối với năng suất lao động. Đó là lý do vì sao Thủ tướng Shinzo Abe thông báo rằng, một nửa số thu nhập gia tăng do thuế tiêu thụ tăng vào năm 2019, sẽ được đầu tư cho giáo dục mầm non.

Muốn cung cấp cho thanh niên những công cụ mà họ cần để có thể thịnh vượng trong nền kinh tế kỹ thuật số đang thay đổi, những khoản đầu tư đó phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo dục ở Nhật Bản hiện nay – và có lẽ cả ở Hàn Quốc – tương tự như trò chơi “Jeopardy”: biết nhiều sự kiện hơn là người thắng. Những phương tiện nổi tiếng nhất dùng để xếp hạng sinh viên ở Nhật Bản có tên là hensachi – nghĩa đen là “lệch tiêu chuẩn” – phản ánh độ lệch so với số liệu thống kê trung bình mà một sinh viên điển hình được nhận vào trường, trên cơ sở bài kiểm tra, tập trung chủ yếu vào các công thức và sự kiện mà họ nhớ được.

Học sinh có điểm hensachi cao hơn được nhận vào các trường trung học và cao đẳng có yêu cầu cao hơn, trong các trường này, họ thường được khuyến khích theo học ngành y, vì kỳ thi tuyển sinh rất khó, ngay cả khi họ không muốn theo đuổi sự nghiệp y khoa. Nếu không, họ sẽ cạnh tranh với nhau để trở thành quan chức ở các bộ có nhiều ảnh hưởng nhất – ví dụ, tài chính, kinh tế, hay đối ngoại – hoặc họ tìm cách đầu quân cho các công ty hàng đầu như Toyota hay Sony.

Do đó, điểm hensachi quyết định con đường hoạn lộ của mọi người. Điểm cao có nghĩa là cuộc sống thoải mái, cho tới tận ngày nghỉ hưu. Trong hoàn cảnh như thế, sinh viên Nhật Bản bị áp lực phải ghi nhớ thông tin từ khi còn rất trẻ. Cha mẹ còn cố gắng đến mức chuyển đến khu vực mà trường mẫu giáo ở đó liên kết với trường đại học danh tiếng. Hệ thống này không có xuất xứ từ Nhật Bản. Ngược lại, nó là sản phẩm tự nhiên của hệ thống đánh giá và thăng tiến các quan chức Trung Quốc, từng giữ thế thượng phong cho đến đầu thế kỷ 20. Mặc dù đây là hình thức đánh giá nhân tài và do đó, tốt hơn thói gia đình trị, nhưng hệ thống này không tính đến thực tế là khả năng học thuộc lòng không nhất thiết có nghĩa là khả năng sáng tạo hay khéo léo.

Thậm chí nếu khả năng học thuộc lòng cũng có nghĩa là khả năng sáng tạo, thì chúng ta có thể không phát hiện được, bởi vì ghi nhớ đủ thông tin để đạt được điểm số cao trong các kỳ thi làm cho người ta không còn nhiều thời gian để suy nghĩ – để phát triển các kỹ năng hay thúc đẩy những năng lực có thể có đóng góp thực sự cho cộng đồng và đất nước mình. Trên thực tế, hệ thống hensachi làm nản lòng những người có khả năng tự rèn luyện mình thành những người có các kỹ năng hữu ích. Nhưng, trong thời đại trí tuệ nhân tạo, những tài năng và kỹ năng như thế lại có giá trị cao hơn bao giờ hết.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục Nhật Bản, hiện vẫn tập trung chủ yếu vào ghi nhớ các sự kiện và làm tính – đây là những lĩnh vực mà con người không thể cạnh tranh được với trí tuệ nhân tạo. Với tất cả sự phát triển công nghệ của chúng ta, máy móc vẫn chưa thể nào cạnh tranh được với tài khéo léo và sự sáng tạo của con người. Chúng ta cần sử dụng tối đa sự kiện này và tạo cơ hội cho thanh niên của chúng ta tận dụng những lợi thế bẩm sinh của mình một cách hiệu quả nhất có thể.

* Bài viết của Giáo sư Koichi Hamada.Giáo sư Koichi Hamadalà giáo sư danh dự của đại học Yale (Yale University) và là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Nguồn https://www.project-syndicate.org/commentary/education-skills-needed-for-digital-age-by-koichi-hamada-2018-02