Kết quả của hai thử nghiệm lâm sàng phòng chống bệnh lao đa kháng thuốc ở Việt Nam và Nam Phi sẽ là lời gợi mở để các nhà quản lý xây dựng nên kế hoạch điều trị căn bệnh nguy hiểm này cho người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là trẻ em ở các nước đang phát triển.

Bác sĩ khám bệnh lao cho người dân tại Trung tâm y tế quận Gò Vấp, TP.HCM. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Ảnh: Trung tâm y tế Gò Vấp.
Bác sĩ khám bệnh lao cho người dân tại Trung tâm y tế quận Gò Vấp, TP.HCM. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Ảnh: Trung tâm y tế Gò Vấp.

Tháng 11 vừa qua, trong Hội nghị Liên minh (Union Conference) về sức khỏe phổi ở Paris, các nhà khoa học đã trình bày về hai thử nghiệm đột phá giúp điều trị lao đa kháng thuốc ở người một cách an toàn và hiệu quả. Trong đó, thử nghiệm thứ nhất đã được tiến hành trên trẻ em Nam Phi, và thử nghiệm thứ hai được tiến hành ở người lớn và trẻ em tại Việt Nam.

Cả hai thử nghiệm dù xa cách nhau về mặt địa lý, được tiến hành bởi hai nhóm nghiên cứu khác nhau, nhưng khi kết hợp lại, đã hé mở cho các nhà khoa học một phương thức đơn giản với chi phí phải chăng, giúp giảm đáng kể nguy cơ tiến triển bệnh lao đa kháng thuốc tại các nước đang phát triển: sử dụng thuốc kháng sinh đường uống dùng một lần mỗi ngày trong sáu tháng.

Thể bệnh nguy hiểm

Lao đa kháng thuốc (MDR-TB: Multi-drug-resistant tuberculosis) là thể bệnh cực kỳ nguy hiểm trong các thể bệnh của lao với những tác dụng phụ tổn hại trầm trọng đến sức khỏe người bệnh. Đây là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn, và bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc nguy hiểm cho cộng đồng.

Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng như chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc. Điều trị lao đa kháng thuốc tốn kém mà thời gian điều trị còn kéo dài hơn gấp nhiều lần so với người mắc lao thông thường.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao, và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất toàn cầu.

“Hơn 450.000 người mắc bệnh lao đa kháng thuốc mỗi năm. Nó có thể gây ra những thiệt hại nặng nề cho bệnh nhân và gia đình họ”, GS. Greg Fox thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock và Đại học Sydney (Úc), cho biết. Cho đến nay, các nhà khoa học có rất ít bằng chứng về hiệu quả điều trị dự phòng lao kháng thuốc, vì chưa có thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên nào được tiến hành1.

Vì lẽ đó, với nguồn tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Úc, GS. Greg Fox và các đồng nghiệp đã tiến hành thử nghiệm mang tên VQUIN. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã hợp tác với Bệnh viện Phổi Trung ương Việt Nam để khảo sát 2.041 người lớn và trẻ em sống trong gia đình có người mắc lao đa kháng thuốc. Nghiên cứu được tiến hành tại 10 tỉnh thành gồm Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Tiền Giang, An Giang và Cần Thơ.

Đây đều là những người khỏe mạnh, tuy không biểu hiện các triệu chứng lao, không cảm thấy mệt mỏi nhưng họ lại mắc bệnh lao tiềm ẩn (LTBI - latent tuberkuloseinfeksjon), tức là mang vi khuẩn lao ở trạng thái bất hoạt.

Người mắc lao tiềm ẩn đã có thời gian tiếp xúc với những người bị bệnh lao. Vi khuẩn lao lan ra không khí khi người mắc bệnh lao nói chuyện, hắt hơi và ho,... Những người khỏe mạnh sẽ hít phải vi thể chứa vi khuẩn khi tiếp xúc cùng người bệnh. Tuy nhiên, hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ làm cho vi khuẩn bất hoạt và không thể gây bệnh. Một khi hệ miễn dịch suy yếu, những vi khuẩn lao sẽ sinh sôi và dẫn tới bệnh lao hoạt tính.

Trong công bố được đăng tải trên tạp chí y khoa BMJ, các nhà khoa học cho biết họ đã chia người mắc lao tiềm ẩn ra làm hai nhóm: nhóm dùng levofloxacin đường uống mỗi ngày một lần trong sáu tháng, và nhóm đối chứng dùng giả dược mỗi ngày một lần trong sáu tháng. Cả hai nhóm sẽ đến phòng khám hằng tháng để các nhà khoa học đánh giá tiến triển bệnh. Ngay cả khi những người tham gia đã ngừng thuốc, họ vẫn sẽ được theo dõi về tiến triển bệnh lao tổng cộng 30 tháng sau đó.

Vì sao lại là levofloxacin? Levofloxacin là thuốc kháng sinh fluoroquinolone thế hệ thứ ba, là thuốc cốt lõi trong phác đồ tiêu chuẩn được khuyến nghị để điều trị lao đa kháng thuốc. Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn khi sử dụng kháng sinh fluoroquinolone làm liệu pháp phòng ngừa cho người mắc lao tiềm ẩn.

Kết quả cho thấy, số ca mắc bệnh lao ở nhóm dùng levofloxacin ít hơn 45% so với nhóm dùng giả dược. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh lao xảy ra ở nhóm dùng giả dược thấp hơn dự kiến. Nhìn chung, levofloxacin được cho là an toàn và dung nạp tốt ở cả người lớn và trẻ em.

Những người tham gia trong nhóm can thiệp sẽ được dùng levofloxacin đường uống một lần mỗi ngày trong sáu tháng, trong khi những người trong nhóm đối chứng sẽ nhận được sáu tháng dùng giả dược một lần mỗi ngày.

“Hiện tại chúng tôi đã có bằng chứng cho thấy những người bị nhiễm trùng lao giai đoạn đầu có thể được bảo vệ khỏi bệnh lao kháng thuốc”, GS. Greg Fox chia sẻ. Phương pháp điều trị sáu tháng một lần mỗi ngày này có thể giúp người lớn, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ phòng tránh bệnh ngay cả khi họ sống với người mắc bệnh.

Kết hợp hai thử nghiệm lâm sàng

Khi các nhà khoa học Úc đang chia sẻ những kết quả thú vị của nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam, thì cũng trong hội nghị, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Lao Desmond Tutu tại Đại học Stellenbosch (Nam Phi) cũng đang chia sẻ những kết quả tương tự. Cụ thể, thử nghiệm TB-CHAMP ở Nam Phi đã cho thấy thuốc kháng sinh levofloxacin giúp giảm thiểu một cách an toàn nguy cơ mắc bệnh lao đa kháng thuốc ở trẻ em tới 56%. Thử nghiệm cũng cho thấy việc cho trẻ trên 6 tháng tuổi dùng levofloxacin một lần mỗi ngày cực kỳ an toàn.

Khác với thử nghiệm VQUIN, thử nghiệm TB-CHAMP diễn ra tại Nam Phi, tại sáu địa điểm nghiên cứu ở năm tỉnh có gánh nặng bệnh lao và bệnh lao đa kháng thuốc cao, tập trung chủ yếu vào trẻ em dưới 5 tuổi.

Hai nghiên cứu này cùng chứng minh rằng levofloxacin có thể ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh lao đa kháng thuốc, giảm thiểu tác động tiêu cực của mầm bệnh nguy hiểm này trên toàn cầu.

“Có rất ít dữ liệu về việc ngăn ngừa bệnh lao đa kháng thuốc”, GS. Anneke Hesseling, Giám đốc Trung tâm Lao Desmond Tutu và là nghiên cứu viên chính của dự án thử nghiệm, bày tỏ lý do tiến hành dự án. “Hiện chúng tôi đã tìm ra cách bảo vệ trẻ em khỏi bệnh khi trong gia đình có người lớn mắc bệnh lao đa kháng thuốc. Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của việc này, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em, gia đình và cộng đồng của các em.”

Lao đa kháng thuốc là một trong những căn bệnh khó chữa nhất và trẻ em luôn là những bệnh nhân bị bỏ quên nhiều nhất. “Khi tìm ra phương pháp mới để giữ an toàn cho trẻ em trong trường hợp một thành viên trong gia đình bị lao đa kháng thuốc, chúng tôi giúp cả gia đình phục hồi nhanh hơn nhiều sau tổn thương mà căn bệnh này gây ra - không chỉ từ góc độ sức khỏe mà còn từ góc độ kinh tế và sức khỏe tâm thần”, GS. James Seddon, đồng điều tra viên chính của TB-CHAMP, nhận định.

Bệnh lao vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ước tính có khoảng 30.000 trẻ em dưới 15 tuổi mắc bệnh lao đa kháng thuốc mỗi năm, bệnh này rất phức tạp khi điều trị bằng các loại thuốc sẵn có hiện tại và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khánh kiệt trong quá trình chi trả dịch vụ điều trị căn bệnh.

Chưa đến 20% trẻ mắc bệnh lao đa kháng thuốc trên thế giới được chẩn đoán và điều trị. Do đó, trẻ em là một trong những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh lao. Nhiều trẻ trong số này đã tiếp xúc gần gũi với ít nhất một bệnh nhân nhiễm lao đa kháng thuốc. Việc xác định trẻ đã tiếp xúc với người bệnh, sàng lọc bệnh lao và đưa ra phương pháp điều trị phòng ngừa là những bước quan trọng để giảm thiểu gánh nặng bệnh lao trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trong thử nghiệm TB-CHAMP, 453 trẻ em đã tiếp xúc với người lớn mắc lao đa kháng thuốc trong gia đình đã được dùng levofloxacin, và cuối cùng chỉ có 5 trẻ tiến triển bệnh - ít hơn so với con số 12 ở những trẻ dùng giả dược. Nhóm nghiên cứu ghi nhận rất ít tác dụng phụ của thuốc như đau khớp và viêm gân - vốn thường thấy ở những người dùng levofloxacin.

Thực chất, hai nghiên cứu tương tự nhau không phải là điều trùng hợp. Cả hai nhóm thử nghiệm từ lâu đã hợp tác với nhau để thiết kế nghiên cứu. Và rồi, khi kết hợp thành quả thử nghiệm của cả hai nhóm lại, chúng ta có thể nhận thấy levofloxacin làm giảm 60% nguy cơ phát triển bệnh lao.

Sắp tới, ủy ban cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới sẽ xem xét để đưa ra hướng dẫn mới về điều trị dự phòng lao đa kháng thuốc. Dữ liệu từ các thử nghiệm TB-CHAMP và VQUIN sẽ là lời gợi ý để các nhà quản lý xác lập quy trình điều trị và sàng lọc bệnh. Trong lúc chờ đợi, các nhà khoa học ở cả hai dự án đang tiến hiểu thêm về phác đồ dùng thuốc, tính khả thi, dược động học và tình trạng kháng kháng sinh của phương pháp này.

Bà Trinh Duong, trưởng nhóm nghiên cứu thống kê cho thử nghiệm TB-CHAMP tại Đơn vị Thử nghiệm Lâm sàng MRC tại University College London cho rằng phương pháp này sẽ đảm bảo đặt trẻ em vào vị trí trung tâm trong hành trình chống lại bệnh lao.
----
(1) https://www.eurekalert.org/news-releases/1007821