Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển một phương pháp không xâm lấn mới cho phép điều chỉnh thị lực, được cho là khắc phục được bệnh cận thị vĩnh viễn. Kết quả của các nghiên cứu tiền lâm sàng đã tỏ ra đầy hứa hẹn.

Đến năm 2020, khoảng 2,5 tỷ người trên khắp thế giới bị cận thị - Ảnh : Global Look Press

Đến năm 2020, khoảng 2,5 tỷ người trên khắp thế giới bị cận thị - Ảnh : Global Look Press

Theo ấn phẩm khoa học Nature Photonics, cận thị là một căn bệnh rất phổ biến trong thế giới hiện đại. Nửa thế kỷ trước, ở Mỹ và châu Âu, số người mắc bệnh cận thị chỉ bằng nửa hiện nay. Ở Đông Á, khoảng 70-90% thanh thiếu niên bị cận thị.

Các chuyên gia tin rằng sự bùng phát bệnh cận thị là do lối sống hiện đại và sự ở lâu trong phòng kín. Theo một số ước tính, đến năm 2020 khiếm khuyết thị giác này có thể ảnh hưởng đến khoảng 2,5 tỉ người trên khắp thế giới và đến năm 2050 số người khiếm thị trên thế giới có thể tăng gấp 3 lần.

Giải pháp đơn giản nhất cho vấn đề này là đeo kính để điều chỉnh thị lực hoặc dùng kính áp tròng. Còn phẫu thuật giác mạc không phù hợp với cả mọi người. Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ thành công cao, nhưng bệnh nhân có thể gặp biến chứng sau phẫu thuật, thậm chí mất thị lực. Ngay phương pháp LASIK cũng có thể làm hại giác mạc, một khiếm khuyết mà các bác sĩ phẫu thuật mắt đang cố gắng khăc phục.

Trong khi có rất nhiều vấn đề về các phương pháp phẫu thuật can thiệp, các nhà khoa học đang tìm kiếm và phát triển các phương pháp thay thế để phục hồi thị lực.

Nhà nghiên cứu Sinisa Vukelic ở Đại học Columbia, Mỹ đã phát triển một phương pháp không xâm lấn mới cho phép điều chỉnh thị lực, được cho là vĩnh viễn. Kết quả của các nghiên cứu tiền lâm sàng đã tỏ ra đầy hứa hẹn.

Công nghệ mới sử dụng một tia laser siêu nhanh tạo ra các xung với năng lượng rất thấp và tần số cao, có thể thay đổi có chọn lọc và cục bộ các tính chất sinh hóa và sinh học của mô giác mạc mà không làm tổn thương các tế bào, và do đó không làm tổn hại các mô. Cuối cùng, điều này dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc vĩ mô tổng thể của giác mạc. Đây là quá trình quang hóa, vì vậy nó không phá hủy các mô, còn những thay đổi không mang tính chất tạm thời, điều đó có nghĩa là chữa khỏi được bệnh cận thị vĩnh viễn.

Theo Sinisa Vukelic, công nghệ này cũng có thể sử dụng đối với các mô khác của cơ thể có chứa nhiều collagen. Được biết công nghệ này đã được thử nghiệm trên người các bệnh nhân bị bệnh viêm xương khớp.