Ngược lại, các phông nền mới lạ khiến người dùng trông thiếu chuyên nghiệp, không đáng tin cậy.

d
Hơn 160 người được yêu cầu đánh giá hình ảnh của 36 người với các biểu cảm và phông nền khác nhau. Ảnh: Jasmin Merdan/Alamy

Ấn tượng đầu tiên khi gặp một người được hình thành vô cùng nhanh chóng. Trong vài giây đầu tiên gặp ai đó, chúng ta tự động rút ra những suy luận về đặc điểm tính cách của họ. Các đánh giá xã hội về độ tin cậy, năng lực, khả năng thích ứng, sự sắc sảo, và sức hấp dẫn nảy ra trong đầu chỉ trong vài mili giây.

Sau quãng thời gian đại dịch, nhiều cuộc họp, buổi học đã chuyển sang trực tuyến. Không ít người bỏ công sức sắp đặt phông nền đằng sau mình bằng giá sách hoặc các chậu cây cảnh để gây ấn tượng tốt trong lần gặp đầu tiên. Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng việc trang trí như vậy thực sự tạo hiệu ứng tích cực trong một cuộc họp trực tuyến.

Ngược lại, những người thích trang trí phông nền của mình bằng các hiệu ứng ảo có sẵn, “độc lạ" trên các nền tảng như Zoom, Google Meeting nên cân nhắc lại. Bởi nhóm nghiên cứu từ Khoa Tâm lý của Đại học Durham (Vương quốc Anh) đã phát hiện điều này khiến người khác nghĩ rằng bạn không đáng tin cậy hoặc không có năng lực.

Trong nghiên cứu, 160 người tham gia đánh giá hình ảnh của đối tượng trên các phông nền ảo đa dạng và với nhiều biểu cảm khác nhau.

Cụ thể, họ phải đánh giá 72 bức ảnh của 18 người đàn ông da trắng và 18 phụ nữ da trắng đang mỉm cười hoặc không biểu lộ cảm xúc. Những khuôn mặt này sau đó được đặt trước sáu phông nền khác nhau: phòng khách, phòng khách bị làm mờ, tủ sách, cây cảnh trên tủ, bức tường trống và con hải mã nằm trên tảng băng trôi. Sau đó, chúng được đóng khung để trông giống như ảnh chụp màn hình trong cuộc gọi Zoom.

Một phòng khách hoặc một phông nền “độc lạ” – trong trường hợp này là con hải mã nằm trên tảng băng trôi – khiến người trong ảnh trông thiếu chuyên nghiệp, người đối diện sẽ không đánh giá cao năng lực và mức độ đáng tin của họ.

d
18 người đàn ông da trắng và 18 phụ nữ da trắng được đặt trước sáu phông nền khác nhau: phòng khách, phòng khách bị làm mờ, tủ sách, cây cảnh trên tủ, bức tường trống và con hải mã nằm trên tảng băng trôi. Ảnh: PLOS One

Giới tính cũng là một yếu tố quan trọng, vì phụ nữ có thể đạt được điểm cao về lòng tin và năng lực hơn đàn ông, bất kể phông nền của họ. Việc thể hiện nét mặt vui vẻ cũng giúp cải thiện số điểm về mức độ đáng tin và giúp người trong hình trông có năng lực hơn.

“Sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, rất nhiều hoạt động đã chuyển sang trực tuyến. Để tạo ấn tượng đầu tiên, bạn không còn chỉ cần nghĩ về vẻ ngoài của mình mà bạn còn phải nghĩ về phông nền của bạn trông như thế nào”, PGS Paddy Ross, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. “Chúng tôi muốn trả lời những câu hỏi như, chúng ta trông có đáng tin cậy hay có năng lực hơn không nếu ngồi trước một vài cái cây, trước tủ sách hay phòng khách? Hoặc nếu phòng khách của ta quá bừa bộn, ta nên làm mờ nó đi, hay chuyển camera sang một góc khác chỉ có tường trống, hay sử dụng một phông nền ảo mới lạ có sẵn trong nền tảng?”

“Liệu phông nền này có thực sự khiến bạn trông kém tin cậy hơn những người sử dụng phông nền khác không? Nếu được, bạn nên ngồi trước tủ sách hoặc một số cây trồng trong nhà, chúng tôi nhận thấy đó là phương án hữu hiệu giúp bạn trông đáng tin cậy và có năng lực hơn. Đừng sử dụng phông nền mới lạ hoặc không gian sống bừa bộn. Chúng tôi nhận thấy đó là những lựa chọn tồi tệ nhất khi xem xét số điểm mà những người tham gia nghiên cứu chấm. Nền mờ cũng được, nhưng việc trưng bày cây cối hoặc tủ sách vẫn tốt nhất”, Ross phân tích về những phát hiện của họ.

Những phát hiện này đã được các nhà khoa học chia sẻ trong bài báo “Virtual first impressions: Zoom backgrounds affect judgements of trust and competence” trên tạp chí PLOS One.

Nguồn: