Một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí khoa học Trends in Ecology & Evolution ngày 9/10 lại cho thấy hoạt động du lịch sinh thái có thể ảnh hưởng xấu đến các loài động vật.
Không ít du khách hiện nay có xu hướng lựa chọn đi du lịch tại những vùng xa xôi hẻo lánh. Theo chuyên gia Daniel Blumstein của Đại học California (Mỹ), các vùng bảo tồn trên thế giới hiện tiếp nhận hàng tỷ lượt khách du lịch mỗi năm, tương đương với tổng số cư dân hiện có trên Trái đất. Những khách du lịch này hy vọng các khoản chi tiêu của mình sẽ làm lợi cho môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí khoa học Trends in Ecology & Evolution ngày 9/10 lại cho thấy hoạt động du lịch sinh thái có thể ảnh hưởng xấu đến các loài động vật.
Theo đó, sự hiện diện của con người làm thay đổi tập tính của động vật. Những sự thay đổi này đến lượt nó sẽ tác động đến các khía cạnh còn lại của đời sống động vật, có thể sẽ khiến chúng gặp nguy hiểm theo những cách hoàn toàn mới.
Cụ thể, do thời gian dài tiếp cận gần gũi với khách viếng thăm, động vật sẽ mất dần sự cảnh giác. Chúng sẽ trở nên ngày càng thoải mái hơn khi tiếp xúc với con người và dễ bị xâm hại hơn.
Từ góc độ nào đó, hoạt động du lịch sinh thái có thể coi gần giống với việc định cư hoặc đô thị hóa. Cả ba đều dẫn đến các tương tác thường xuyên giữa con người và động vật và lâu dài sẽ đưa tới hiện tượng động vật quen người - giống với hoạt động thuần dưỡng động vật trước đây.
Sự có mặt của con người cũng có thể xua đuổi bớt những động vật ăn thịt, qua đó tạo ra một thiên đường an toàn cho các động vật nhỏ dẫn đến việc chúng sẽ trở nên bạo dạn hơn.
“Chỉ cần một xáo trộn nhỏ do con người gây ra cũng có thể ảnh hưởng đến tập tính hoặc các đặc điểm sinh học quẩn thể của một loài và tác động lên chức năng của loài trong quần xã sinh vật, đến khi gặp kẻ thù thật sự, chúng sẽ dễ bị ăn thịt hơn. Hậu quả cuối cùng là tỷ lệ tử vong tăng cao hơn so với khi chưa được con người quan tâm” - nghiên cứu kết luận.
Lê Ngọc