Trở thành người nghiên cứu về chính mình, các nhóm dân tộc thiểu số có thể làm thay đổi mối quan hệ “quyền lực” trong nghiên cứu và đưa ra những gợi ý chính sách, hay thậm chí tham gia thiết kế chính sách phát triển.


Người dân tự xác định vấn đề nghiên cứu, thực hiện thu thập thông tin và công bố. Trong ảnh: Nhóm đồng nghiên cứu đang thực hiện phỏng vấn anh Vi Xuân Toòng - người cùng xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn về việc hỗ trợ giống keo.​

Lợi thế của sự thấu hiểu

Trước nay, nghiên cứu xã hội là vùng “đặc quyền” của các nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản, còn người dân là đối tượng được nghiên cứu. Trong khi đó, đồng nghiên cứu (co-researcher) – phương pháp mới được các nhà nghiên cứu phát triển đề xuất, sẽ thay đổi mối quan hệ này: người dân đóng vai chính trong xác định chủ đề nghiên cứu, thu thập thông tin, tổng hợp, phổ biến và sở hữu kết quả nghiên cứu, còn nhà nghiên cứu lúc này chỉ là người hướng dẫn. Quan trọng hơn, sau khi nhà nghiên cứu rút đi, người dân sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu mà không cần sự hỗ trợ bên ngoài. Phương pháp này được kỳ vọng là sẽ giúp người dân tăng cường năng lực, tự phân tích được chính sách và đưa ra các kiến nghị chính sách với các cấp chính quyền (thông qua nhiều kênh: báo cáo, tổ chức hội thảo). Phạm vi ứng dụng của phương pháp này tương đối rộng, tất cả các dự án nghiên cứu phát triển xã hội đều có thể sử dụng, nhằm thúc đẩy tiếng nói của người dân, trở thành nguồn thông tin cho việc hoạch định chính sách gần gũi với thực tiễn hơn.

Tuy nhiên, khi Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội, Môi trường (iSEE) đưa ra ý tưởng về đồng nghiên cứu thì “nhiều nhà nghiên cứu rất nghi ngờ tính khả thi, họ đều nghĩ làm nghiên cứu phải rất hàn lâm, còn những người dân, thậm chí không biết chữ thì làm nghiên cứu kiểu gì?”, chị Lương Minh Ngọc, Viện trưởng iSEE chia sẻ với chúng tôi.

Những nghi ngờ đó có thể sẽ tan đi, khi Mạng lưới Tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số tự tổ chức hội thảo “Nghe từ lòng dân”, vào giữa tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, nhằm công bố một nghiên cứu đánh giá chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Tôi cũng như nhiều người tham dự đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Hội thảo bắt đầu với những thành viên nòng cốt của Mạng lưới Tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số từ Lạng Sơn, Thái Nguyên cho tới Sóc Trăng… tự giới thiệu về nhóm trong tiếng đàn ta lư vui tươi của Kray Sức đến từ Quảng Trị. Rồi những thước phim ngắn khoảng 10 – 15 phút do người dân tự kể về quá trình nghiên cứu của họ cho thấy, từ quá trình thiết kế, tiến hành nghiên cứu cho đến cách tiếp cận, đặt câu hỏi cho những thành viên khác trong cộng đồng của những nhà nghiên cứu nghiệp dư này thực sự “có nghề”. Chẳng hạn, một nhóm nghiên cứu người Tày tìm hiểu quá trình cấp giống cây keo cho các hộ nghèo ở xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Không một câu hỏi mang tính áp đặt quan điểm hay gợi ý sẵn nội dung nào từ phía người hỏi, còn chia sẻ của người trả lời thực lòng, không e dè. Chị Nguyễn Thị Luyện trả lời: “Tôi muốn lấy keo hạt nhưng họ lại cho giống keo hom. Khi lên nhận cây, tôi có hỏi lý do, nhưng chị cán bộ xã bảo ‘sao hỏi nhiều thế, được cây gì thì trồng cây đó’, nhà tôi bực lắm, nhưng ‘không nói gì được, vì nó là cán bộ mình là dân không thể nói lại được’”. Những câu chuyện khác như cấp máy cắt cỏ cho hộ gia đình... không có cỏ và cuối cùng trở thành cục sắt gỉ, hay cấp phân cho hộ gia đình… không có đất canh tác cũng lần lượt được kể. Tự người dân phân tích rất rành rọt cặn kẽ những bất cập như chính sách hỗ trợ vật tư nông nghiệp không phù hợp với điều kiện canh tác, lãng phí, thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo ở thôn và đề xuất các phương án đồng tổ chức, tự giám sát chương trình nhằm tiết kiệm, minh bạch hóa và đảm bảo hiệu quả.

Đánh giá về nghiên cứu của nhóm, TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho biết, “năm 2010 chúng tôi có báo cáo đánh giá Chương trình giảm nghèo 135 giai đoạn hai, nhưng bây giờ chúng tôi thấy phải học các anh chị rất nhiều. Hồi đó chúng tôi có đề cập đến những vấn đề của các anh chị nói hôm nay nhưng không chạm được đến tâm can như thế này”. Bởi vì người dân có một lợi thế mà không một nhà nghiên cứu khoa học xã hội nào có được – thời gian để tương tác và “thấu hiểu” cộng đồng. Trong khi một nghiên cứu nhân học đòi hỏi phải ở khu vực thực địa một năm, đủ chu kỳ 4 mùa, thì các nhà nhân học Việt Nam hiện nay hầu như rất ít khi dành nhiều thời gian như vậy.

Nhà nghiên cứu chuyên nghiệp: đồng hành chứ không áp đặt

Mạng lưới Tiên phong dưới sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các tổ chức của các đơn vị gồm iSEE, Cơ quan Viện trợ Ireland (Irish Aid), Tổ chức CARE Quốc tế, Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) đã được tham gia nhiều khóa tập huấn về nâng cao năng lực cộng đồng từ khoảng 10 năm nay. Trong đó, các anh chị đã thực hiện nhiều hoạt động tìm hiểu, sưu tầm và quảng bá về tri thức bản địa. Kể từ năm 2014, khi Viện iSEE cùng một số đối tác bắt đầu triển khai chương trình đồng nghiên cứu thì thành viên của Mạng lưới Tiên phong được tập huấn về phương pháp này.

Chính người dân “hiểu con đường, từng mạch nước” quê hương đã có đủ khả năng xác định đúng vấn đề của chính mình. Cái họ cần là cung cấp một bộ công cụ, phương pháp xác định mà thôi. Lúc này, các nhà nghiên cứu “bên ngoài” cộng đồng đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các tổ chức phát triển vốn có kiến thức về lý thuyết, phương pháp thu thập và phân tích thông tin sẽ là người chuyển tải các kiến thức, kỹ năng nghiên cứu cho nghiên cứu viên cộng đồng. Cụ thể, các công việc của nhà nghiên cứu chuyên nghiệp lúc này là: Xây dựng năng lực -Tập huấn cho nghiên cứu viên cộng đồng về phương pháp nghiên cứu; Tư vấn và hướng dẫn -Hướng dẫn với các tình huống cụ thể khi thu thập và phân tích thông tin; Kết nối: Kết nối nghiên cứu viên cộng đồng với những người có chuyên môn trong chủ đề nghiên cứu mà cộng đồng lựa chọn. Tùy thuộc vào mục đích của dự án đồng nghiên cứu mà nhà nghiên cứu ngoài cộng đồng có thể tham gia hoặc không tham gia vào quá trình thu thập và phân tích thông tin.

Các nhà nghiên cứu viên bên ngoài cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc không áp đặt chủ đề nghiên cứu, không làm thay, làm hộ công việc của nghiên cứu viên cộng đồng, mà phải chấp nhận hệ thống tri thức bản địa, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nghiên cứu viên cộng đồng.

Nhờ quy trình này, Mạng lưới Tiên phong đã xây dựng được một dự án nghiên cứu bài bản và các kết quả được kể trong câu chuyện trên mới chỉ là một phần rất nhỏ trong nghiên cứu của 51 thành viên nòng cốt của Mạng lưới tiên phong trong 3 tháng, tại các vùng ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách giảm nghèo ở 10 tỉnh khác nhau nhằm xây dựng một báo cáo nhằm đánh giá giữa kỳ Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Nhóm đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo, nhưng hai vấn đề căn bản nhất đã được đưa ra thảo luận: Quan niệm “Nhà nước cho”, “của Nhà nước” vẫn đang tồn tại khá phổ biến ở cả người triển khai, thực thi chính sách và người tiếp nhận chính sách là không phù hợp và trở thành một rào cản lớn đối với việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân; Người dân sẽ đề xuất các phương án để người dân phát huy nội lực, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng.

Chẳng hạn, trong hội thảo “Nghe từ lòng dân”, anh Giàng A Của, đến từ Sa Pa, Lào Cai cho biết, nhóm đồng nghiên cứu tại đây đã cùng tổ chức đánh giá những vấn đề của các điểm trường cho học sinh và tự phân công thay phiên nhau đến nấu cơm hàng ngày cho các điểm trường. Và Mạng lưới Tiên phong đều cho rằng, người dân đủ khả năng quản lý các dự án phát triển với mức độ kỹ thuật không quá phức tạp, mức đầu tư tài chính không quá lớn ở cấp thôn, cấp xã.

“Tôi tin vào nội lực của cộng đồng, vì những cộng đồng tồn tại qua nhiều thăng trầm trong lịch sử thì nội lực của họ rất mạnh mẽ. Vậy thì chúng ta làm sao để tăng thêm cái nội lực ấy thay vì làm suy yếu nội lực đó”, TS. Phạm Quỳnh Phương nhấn mạnh. ¨