Loài chó bắt đầu được con người thuần dưỡng từ 33.000 năm trước tại Đông Nam Á rồi từ đó di cư khắp các châu lục - theo một nghiên cứu của Trung Quốc vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cell Research.


Loài sói (ảnh) được cho là bị con người thuần hóa từ 33.000 năm trước tại Đông Nam Á. Ảnh: Turtlehurtled
Loài sói (ảnh) được cho là bị con người thuần hóa từ 33.000 năm trước tại Đông Nam Á. Ảnh: Turtlehurtled

Sau khi chu du thế giới, hậu duệ của chúng quay trở lại “quê gốc” ở lục địa châu Á. Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học thuộc Viện Động vật Côn Minh - Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu 58 giống chó trên khắp thế giới. Trong số này có 11 loài chó bản địa của Đông Nam Á, 12 con sói xám Eurasia, 4 con chó bản địa của Nigeria, 12 giống chó Bắc Á và 19 giống chó khác thuộc châu Mỹ, châu Á và châu Âu.

Nhóm nghiên cứu sử dụng kết hợp nhiều phương pháp như phân tích hóa thạch niên đại 33.000 năm ở Siberia (Nga) và Bỉ, đặc biệt là phương pháp xét nghiệm DNA.

Theo các nhà khoa học, phân tích DNA là điều bắt buộc trong tình trạng hóa thạch của chó tại vùng Đông Á và Đông Nam Á rất hiếm có, khó tìm. Nguyên nhân là khu vực này khí hậu nóng ẩm, không có lợi cho sự tồn tại của các mẫu vật.

“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi gặp khó khăn lớn do không có nhiều mẫu hóa thạch ở miền nam khu vực Đông Nam Á. Ở đây đất khá chua, độ pH thường là dưới 5 (tính axít cao) nên xương thường chỉ tồn tại trong vòng vài trăm năm” - nhà khoa học Ya-Ping Zhang thuộc nhóm nghiên cứu cho biết.

Kết quả phân tích DNA cho thấy, những con chó vùng Đông Nam Á có sự đa dạng di truyền cao hơn đáng kể so với tất cả các đồng loại khác trên thế giới. Đáng nói hơn, bộ gene của chúng rất đồng nhất với loài sói xám hoang dã.

Từ việc phân tích DNA, các nhà khoa học kết luận loài chó có nguồn gốc từ loài sói đã được thuần dưỡng bởi con người từ 33.000 năm trước tại Đông Nam Á. Sau đó, chúng di cư tới Trung Đông, châu Phi vào khoảng 15.000 năm trước và tới châu Âu khoảng 5.000 năm trước.

“Chúng tôi nhận thấy loài chó sống tại khu vực Đông Á một thời gian dài trước khi chính thức di cư ra khỏi châu Á. Rất có thể các yếu tố môi trường trong thời kỳ băng hà đã ngăn cản loài chó rời đi. Vào thời điểm đó, mối quan hệ của loài chó với con người chỉ mới ở giai đoạn đầu. Nhiều khả năng chúng đã di chuyển theo các khu vực có con người sinh sống để kiếm thức ăn từ rác thải rồi sau đó tỏa đi khắp thế giới” - ôngYa-Ping Zhang nói.

Các nhà khoa học cho biết thêm, loài chó sau một thời gian dài tỏa khắp các khu vực khác như Trung Đông, châu Phi, châu Âu… đã quay trở lại lục địa châu Á, gốc tích của tổ tiên. Chỉ có điều, lần này hướng đi của chúng là phía bắc Trung Quốc. Tại đây, chúng lai giống với một loạt loài chó hoang dã bản địa trước khi tiếp tục cuộc hành trình khám phá Trái đất bằng cách di cư sang châu Mỹ.