Trong giới khoa học trẻ, cái tên Phạm Gia Vinh gắn liền với máy bay không người lái. 14 tuổi, Vinh tự làm máy bay mô hình và 26 tuổi xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Âu. Năm 1992, khi mới 9 tuổi theo bố mẹ sang Đức, Gia Vinh được tiếp xúc với máy bay điều khiển từ xa và đam mê luôn từ đó.
Tốt nghiệp phổ thông, Vinh phân vân giữa kỹ thuật hàng không và điều khiển tự động. Cuối cùng, anh chọn điều khiển tự động bởi nhận ra đó sẽ là ngành mũi nhọn của Việt Nam sau này. Lấy được bằng thạc sĩ chuyên ngành điều khiển tự động tại Pháp, Vinh trở về nước làm việc.
Với mong muốn kết hợp hai đam mê điều khiển tự động và máy bay mô hình, Vinh thành lập công ty chuyên về máy bay không người lái. Sản phẩm chính hiện nay của công ty vẫn là khí cụ bay không người lái, thiết bị robot tự động.
Ngoài việc bay thử thiết bị, Phạm Gia Vinh còn kết hợp với bệnh viện ở Singapore thí nghiệm trên chuột bạch nhằm kiểm tra biến đổi ở cấp độ tế bào trên môi trường cận vũ trụ (near space) để tiến tới bào chế thuốc.
Nhà báo Hà Sơn: Cơ duyên nào đưa bạn đến với công việc nghiên cứu và chế tạo thiết bị bay?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Cơ duyên đưa tôi đến với nghiên cứu khoa học xuất phát từ những niềm đam mê khi tôi còn bé được ông và bố cho xem những hình ảnh, bức vẽ về máy bay, ô tô. Tôi vẫn nhớ mình đã thích thú khi ngồi xem bố tháo chiếc đài để lau đầu từ. Mỗi lần như thế tôi luôn đặt các câu hỏi tại sao nó hoạt động như vậy, những linh kiện bên trong là gì. Và khi tôi được cùng bố mẹ sang Đức sinh sống (bố mẹ Vinh công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Đức - PV) tôi được tiếp xúc nhiều hơn với báo chí, khoa học công nghệ nước bạn để tìm hiểu sâu hơn.
Nhà báo Hà Sơn: Cột mốc đưa bạn đến với việc nghiên cứu khoa học?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Chính xác là sau khi tốt nghiệp đại học tôi mới đủ những kiến thức cơ bản để tìm tòi công việc nghiên cứu khoa học. Nhưng để nghiên cứu, xây dựng niềm đam mê và định hướng thì từ khi tôi còn bé lúc học cấp 1, cấp 2.
Lớp 5, khi sống bên Đức, bố mẹ mua cho tôi một mạch điện tử. Tôi vẫn nhớ mình trốn bố mẹ vào một góc nhà để hàn linh kiện điện tử và bị cháy thảm nhà. Lúc đó, tôi luôn tò mò muốn tìm hiểu nhưng chưa có kiến thức để tự nghiên cứu. Đó là bước quan trọng để tôi định hình niềm đam mê của mình.
Nhà báo Hà Sơn: Tại sao bạn lựa chọn ngành vũ trụ hàng không, cụ thể là chế tạo thiết bị bay lĩnh vực hẹp và khó?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Lĩnh vực hàng không đa ngành, không cứ học hàng không mới làm được máy bay, không cứ học điện tử mới làm được máy bay kỹ thuật tự động. Tôi rất tò mò từ điện tử, cơ khí, vật lý, thiên văn. Cái gì hay, lạ không hiểu tôi sẽ tìm hiểu. Cơ duyên tại sao tôi đầu tư thời gian vào các thiết bị hàng không cũng chính là đam mê khi còn bé từ ông, từ bố cho xem ảnh máy bay vẽ máy bay hay tiếp xúc với mạch điện tử.
Tôi từng tự hỏi tại sao không kết hợp 2 niềm đam mê điều khiển tự động và hàng không. Đặc biệt khi sang Đức tôi được tiếp cận với bộ môn điều khiển tự động từ xa rất thích. Khi về nước tôi cũng cố gắng tìm tòi, tìm hiểu, tham gia vào CLB hàng không VN, hồi đấy năm 95, tôi mới 13 tuổi là thành viên trẻ nhất. Tất cả quá trình hoạt động CLB và tìm tòi tôi quyết định kết hợp niềm đam mê và theo học đại học ngành điều khiển tự động.
Nhà báo Hà Sơn: Từ những ý tưởng kỳ lạ, "điên rồ" bạn tự bỏ tiền túi, tự liên hệ với các chuyên gia nước ngoài đưa thiết bị lên không gian. Bạn gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học không?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Khó khăn rất nhiều. Thứ nhất làm sao để theo được trình độ của đối tác, mình phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, ở trong nước việc tiếp cận các thiết bị rất khó, nhập khẩu khó, mua khó. Vì vậy nhiều lần phải sang nước thứ 3 để thử nghiệm những thiết bị đó sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, cái khó làm khoa học, đặc biệt những ngành khoa học hẹp như ngành hàng không chắc chắn không hề ít.
Nhà báo Hà Sơn: Bạn tự bỏ tiền túi hay có ai đó chống lưng để theo đuổi đam mê?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Nghiên cứu khoa học tài chính rất quan trọng và phải bền, nôm na là phải trường vốn vì khi nghiên cứu khoa học quay vòng vốn rất lâu, nhiều khi nghiên cứu vài chục năm mới có kết quả. Vì vậy tôi xác định từ đầu khi thành lập công ty sẽ có thiên hướng hoạt động song song. Tôi làm các dịch vụ sử dụng thiết bị bay không người lái của mình để chụp ảnh.
Ở đây không phải chụp ảnh giải trí như các bạn thấy từ flycam mà chụp ảnh phục vụ mục đích khoa học, công nghiệp như khảo sát địa hình, khảo sát khoáng sản, đo đạc bản đồ, chụp ảnh tiến độ liên quan đến các công trình xây dựng. Ngoài ra công ty của tôi còn làm một số dịch vụ cho những đối tác bên an ninh khi họ cần các thiết bị chính xác không người lái. Đó là nguồn vốn để tôi đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Nhà báo Hà Sơn: May mắn là những điều tự nhiên trong cuộc sống. Có những người may mắn đến nắm bắt được có người lại để tuột mất. Bạn nghĩ như thế nào về những may mắn trong cuộc sống và những cơ hội đến với mình?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Theo tôi may mắn là những cơ hội đến mà mình có thể nắm bắt được. Không thể ngồi chờ sự may mắn đến mà phải có sự định hướng. Ví dụ cá nhân tôi định hướng về mảng hàng không, vũ trụ, về mảng thiết bị bay không người lái sẽ có những chuẩn bị về kiến thức, đầu tư nghiên cứu sẽ nhắm tới công ty, đối tượng liên quan. Khi xác định và có cơ hội đến sẽ có sự chuẩn bị, nắm bắt, tự tạo nên sự may mắn cho mình.
Nhà báo Hà Sơn: Những lần bay bạn đều đa số chọn nước Úc, tại sao vậy?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Lý do quan trọng nhất là địa hình. Đây là những cuộc bay thử nghiệm và các chuyên gia có thể dự đoán những rủi ro nhưng không thể dự đoán được tất cả. Vì vậy bên đối tác cũng như công ty tôi quyết định chọn Úc vì thấy xung quanh một thành phố trong bán kính khoảng 1000 km hầu như không ai ở và hoàn toàn là sa mạc để đảm bảo an toàn tối đa cho những cuộc bay thử nghiệm. Những nơi tôi thử nghiệm cũng là nơi Nasa thường xuyên có những cuộc bay thử nghiệm và chính quyền địa phương nơi đây có sẵn cơ chế cấp phép bay thử nghiệm. Đó là những thuận lợi và chúng tôi tận dụng được cơ sở vật chất của đối tác Úc.
Nhà báo Hà Sơn: Có khi nào bạn đã lên hết những kế hoạch bay nhưng sợ những rủi ro và phải hoãn lại?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Những cuộc bay thử hay tất cả những cuộc thử nghiệm khoa học đều có những rủi ro nhất định vì những thiết bị mình làm đều là những thiết bị thử nghiệm ban đầu chưa có thời gian kiểm chứng. Có những rủi ro chấp nhận được có cái không. Như đợt vừa rồi có đợt bay thử tôi phải hoãn đến 6 tháng vì một vài sợi dây bị đứt, bị chập trong cả hệ thống nên toàn đội quyết định dừng để kiểm tra lại đảm bảo tính an toàn tối đa cho thiết bị.
Đấy là những rủi ro mình chấp nhận được. Phải nói thật là mỗi lần hoãn tốn kém rất nhiều. Riêng mảng hậu cần, thuê thiết bị, khách sạn cho toàn bộ đội ngũ, chuyên gia và kỹ sư, vé máy bay đi lại ăn ở cũng có thể lên tới gần hàng nghìn đô la chưa nói đến những thiết bị khác chỉ sử dụng một lần.
Khi đã triển khai mà không bay thì nhiều thiết bị sẽ không thể sử dụng lại được. Điều này quyết định tương đối khó khăn nhưng để đảm bảo an toàn cho thiết bị, cho dự án và những người dưới mặt đất những người trong dự án bắt buộc phải nhận trách nhiệm. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau, để đảm bảo tất cả mọi thứ diễn ra suôn sẻ và trong tầm kiểm soát của mình.
Nhà báo Hà Sơn: Bạn đã có cơ hội làm việc với các chuyên gia nước ngoài, vậy học hỏi từ họ điều gì?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Thứ nhất là tính chuyên nghiệp. Thứ hai là việc tôn trọng quy trình nghiên cứu, sản xuất, an toàn. Bên cạnh đó là niềm đam mê trong công việc. Đa phần những nhà nghiên cứu khoa học tôi gặp đều là những người rất đam mê lĩnh vực họ làm. Có khi họ quên ăn, quên ngủ để phục vụ niềm đam mê nghiên cứu. Có những người chỉ nghiên cứu về mỗi vật liệu, có người nghiên cứu về màng nilon sản xuất kinh khí cầu. Đấy là những điều mình cần phải học hỏi, trau dồi bản thân để niềm đam mê của mình mãnh liệt như thế.
Nhà báo Hà Sơn: Bạn mới lập kỷ lục trong 48h bay được hai lần?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Nói là kỷ lục để vui thôi bởi để triển khai bay ở tầng bình lưu, tầng cao như vậy đòi hỏi nhiều công sức của cả nhóm và các thiết bị đi kèm. Trong 48h chúng tôi có 2 ban bay, đó là cố gắng rất lớn của cả nhóm, của đối tác bên Úc. Nhóm chúng tôi nói vui với nhau đó là kỷ lục vì tìm hiểu kỹ chưa có ai làm được như thế.
Nhà báo Hà Sơn: Để đưa thiết bị bay lên không trung đã khó, lại định hướng và xác định nó quay trở về không bị thất lạc khó hơn. Bạn hình như đã làm được điều này?
Nhà khoa học trẻ Gia Vinh: Giải pháp công nghệ mà công ty tôi đã đề ra chính là thu hồi thiết bị một cách chính xác và an toàn. Điều đó tạo điểm nhấn để công ty nhận được gói thầu của khách hàng. Từ trước đến nay thử nghiệm khí cụ bay ở tầng bình lưu mọi người đều sử dụng kinh khí cầu bởi nó cũng là một loại khí cụ đặc biệt nhưng thu hồi ở các nước lớn có bãi thử, có diện tích lớn như Mỹ, Nga, Ức, châu Âu, ở Bắc Cực, Ấn Độ... họ thường không quan tâm lắm thiết bị hạ cánh ở chỗ nào.
Họ hạ cánh sau đó triển khai một lực lượng hùng hậu để tìm, truy hồi. Nhưng Việt Nam ở một nước nhỏ, có diện tích không lớn mật độ dân số cao muốn triển khai một công nghệ tương tự phải đảm bảo an toàn cho thiết bị, đảm bảo an toàn cho người và vật dưới đất. Chính vì suy nghĩ ấy nên tôi đã đề ra giải pháp làm sao thu hồi một cách chính xác, có thể yêu cầu thiết bị hạ cánh ở một điểm nào đó do người điều khiển chỉ định và an toàn.