Năng lượng gió ngày càng được xem như một phương án thay thế bền vững cho nhiên liệu hóa thạch, vì nó góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc mở rộng nhanh chóng các trang trại gió đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động của tua-bin gió đối với các loài động vật hoang dã.

Các nhà khoa học đang tiến hành những nghiên cứu toàn diện về tác động của tua-bin gió đến quần thể chim. Ảnh:science.howstuffworks.

Các nghiên cứu trước đây trong lĩnh vực này có những điểm hạn chế và mang lại kết quả mâu thuẫn. Một nghiên cứu mới, được công bố trên Energy Science, đã cung cấp dữ liệu toàn diện về cách các tua-bin ảnh hưởng đến quần thể chim.

Nghiên cứu không chỉ phát hiện ra những tác động tiêu cực lên một số loài chim sinh sản, nó còn đề xuất giải pháp để giảm thiểu những tác động này thông qua cách thiết kế và phân bố tua-bin gió, Madhu Khanna, giáo sư kinh tế nông nghiệp và tiêu dùng ở Đại học Khoa học Nông nghiệp, Tiêu dùng và Môi trường thuộc Đại học Illinois, cho biết. Khanna là đồng tác giả của nghiên cứu này.

"Chúng tôi nhận thấy có một tác động tiêu cực trong phạm vi 400m nơi các loài chim sinh sống, cứ một tua-bin thì sẽ có ba chú chim bị mất tích. Tác động giảm dần khi khoảng cách tăng lên," Khanna nói.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu ước tính rằng mỗi năm, ở Hoa Kỳ, có khoảng 150.000 chú chim chịu ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp bởi các tua-bin gió. Đối với mỗi loài chim, sẽ có những ảnh hưởng khác nhau. Khi xét cụ thể các loài chim đồng cỏ, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng chịu ít tác động tiêu cực hơn so với các loại chim sinh sản.

Nghiên cứu đã khảo sát 1.670 tua-bin gió và 86 tuyến quan sát chim khắp 36 tiểu bang từ năm 2008 đến 2014.

Những tác động tiêu cực lên các loài chim được xác định trong nghiên cứu này thấp hơn so với ước tính từ một số nghiên cứu khác. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó lại được thực hiện ở quy mô nhỏ hơn. Trong khi đó, nghiên cứu mới này sử dụng một bộ dữ liệu lớn trong khung thời gian dài hơn, thu được thông tin chính xác và có hệ thống hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng kích thước của tua-bin gió và chiều dài của cánh quạt tạo ra sự khác biệt: tua-bin cao hơn và cánh quạt ngắn hơn thì tác động lên chim cũng giảm. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng chiều cao tua-bin tỷ lệ nghịch với số lượng chim bị ảnh hưởng, nhưng nghiên cứu hiện tại đã tách chiều cao khỏi chiều dài lưỡi cắt và phát hiện ra rằng chiều dài là yếu tố quan trọng hơn.

Những phát hiện của nghiên cứu có thể được sử dụng vào việc cung cấp thông tin, từ đó ra quyết định về vị trí và thiết kế tua-bin gió sao cho hợp lý hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng các tua-bin gió nên được đặt bên ngoài vùng đệm, cách môi trường sống mật độ cao của chim khoảng 1.600m. Họ cũng khuyến nghị rằng nên thiết kế tua-bin cao hơn nhưng chiều dài lưỡi cánh quạt thì ngắn hơn.

Các chính sách liên quan đến năng lượng gió phải xem xét lợi ích giữa năng lượng bền vững và quần thể chim, Khanna chỉ ra. "Không có công nghệ nào chỉ mang lại lợi ích mà không đi kèm hậu quả tiêu cực", bà cho biết.

Nguồn: