Ấn Độ đang thực hiện các bước khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của virus Nipah, một loại virus nguy hiểm chết người và hiếm gặp, có khả năng lây truyền từ dơi sang người.

Một nhà nghiên cứu bắt dơi để thu thập mẫu vật nghiên cứu vi rút Nipah ở khu vực Shuvarampur của tỉnh Faridpur, Bangladesh - Ảnh: REUTERS
Một nhà nghiên cứu bắt dơi để thu thập mẫu vật nghiên cứu vi rút Nipah ở khu vực Shuvarampur của tỉnh Faridpur, Bangladesh - Ảnh: REUTERS

Tại bang Kerala ở miền Nam Ấn Độ, virus Nipah đã lây nhiễm cho tổng cộng 6 người kể từ khi nó xuất hiện vào cuối tháng 8. Hai trong số các bệnh nhân đã chết.Hơn 700 người, bao gồm cả nhân viên y tế từng tiếp xúc với người bệnh, đang được theo dõi chặt chẽ.Chính quyền địa phương đã đóng cửa một số trường học, văn phòng và mạng lưới giao thông công cộng.

Đây là đợt bùng phát virus Nipah lần thứ tư tại Kerala trong vòng 5 năm qua, với đợt bùng phát gần đây nhất xảy ra vào năm 2021. Mặc dù những đợt bùng phát như vậy thường ảnh hưởng đến một khu vực địa lý tương đối nhỏ nhưng virus Nipah dễ gây tử vong, và một số nhà khoa học lo ngại mức độ phổ biến của virus này trong cộng đồng tăng lên có thể khiến chúng ngày càng dễ biến đổi và lây lan.

“Người nhiễm virus Nipah có tỷ lệ tử vong từ 40% đến 75% tùy theo chủng virus mà họ mắc phải”, Rajib Ausraful Islam, chuyên gia về mầm bệnh do dơi gây ra tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tiêu chảy Quốc tế, Bangladesh, cho biết.

Virus Nipah gây sốt, nôn mửa, các vấn đề về hô hấp và viêm não. Nó lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể từ động vật hoặc người bị nhiễm bệnh.Hiện tại chưa có vaccine hoặc bất kỳ phương pháp điều trị nào được phê duyệt để điều trị căn bệnh này.