Các nhà khoa học Mỹ ước tính có khoảng 100 triệu hố đen trong dải Ngân hà chúng ta đang sinh sống.

Dải Ngân hà có thể chứa tới 100 triệu hố đen. Ảnh: NASA.
Dải Ngân hà có thể chứa tới 100 triệu hố đen. Ảnh: NASA.

James Bullock, giáo sư vật lý và thiên văn học tại Đại học California, Irvine, Mỹ, và cộng sự tiến hành một cuộc khảo sát lý thuyết về số lượng hố đen trong dải Ngân hà, hay thiên hà Milky Way. Kết quả đăng trên Thông báo Hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia hôm 2/8 cho thấy, có hàng chục triệu hố đen trong dải Ngân hà, nhiều hơn so với dự kiến.

Nhóm nghiên cứu căn cứ vào số lượng các ngôi sao trong dải Ngân hà với kích thước khác nhau để ước tính có bao nhiêu ngôi sao già đã chết đi và hình thành hố đen. "Chúng tôi phát hiện có khoảng 100 triệu hố đen đang tồn tại trong thiên hà của chúng ta", James Bullock nói.

Oliver Elbert, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết dựa vào những gì chúng ta biết về sự hình thành sao trong các thiên hà khác nhau, chúng ta có thể suy ra thời điểm và số lượng hố đen hình thành trong mỗi thiên hà.

Dải Ngân hà là một thiên hà khá lớn với nhiều ngôi sao giàu kim loại, chẳng hạn như Mặt Trời. Những ngôi sao này có xu hướng phát tán nhiều vật chất ra bên ngoài trong suốt quãng đời của mình, nên khi chúng chết đi sẽ tạo thành hố đen nhỏ hơn.

Các thiên hà lùn có nghiều ngôi sao nghèo kim loại. Những ngôi sao này không giải phóng nhiều vật chất ra bên ngoài nên cuối cùng tạo ra vụ nổ siêu tân tinh và hố đen lớn hơn khi nó sụp đổ.

Trạm quan sát Sóng hấp dẫn bằng tia Laser giao thoa(LIGO) từng ghi nhận tín hiệusóng hấp dẫn phát ra từ vụ sáp nhập hai hố đen có khối lượng gấp 30 lần Mặt Trời. Sự va chạm này cho thấy số lượng lớn của không chỉ các hố đen, mà đặc biệt là các hố đen siêu lớn trong dải Ngân hà và vũ trụ.