Thời gian cao điểm xuất hiện bệnh cúm xảy ra quanh năm ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nam
Ở những vùng khí hậu ôn đới như Bắc Mỹ và châu Âu, mùa cúm bắt đầu vào mùa thu, đạt đỉnh điểm vào mùa đông và kết thúc vào mùa xuân. Trong khi giới chức y tế công cộng thường cho rằng bệnh cúm cũng diễn ra theo mùa ở vùng khí hậu nhiệt đới, thì một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí PLOS Computational Biology đã chỉ ra rằng, có rất ít bằng chứng cho thấy sự lặp lại trong các trường hợp cúm ở Việt Nam.
Các phát hiện này cho thấy, cúm có thể rất khó dự đoán trên khắp các vùng nhiệt đới, từ đó đặt ra những thách thức đáng kể trong việc phòng ngừa và quản lý các ca bệnh ở những khu vực nhiệt đới này - nơi sinh sống của một phần ba dân số trái đất.
“Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, cúm mùa có thể cướp đi mạng sống của 650.000 người trên toàn thế giới mỗi năm, chỉ tính riêng các bệnh về hô hấp. Con số này chưa bao gồm số người tử vong vì các bệnh tim mạch do cúm mùa gây ra”, Joseph Servadio - học giả sau tiến sĩ của Viện Y tế Quốc gia Mỹ - cho biết. “Nếu không xác định được khoảng thời gian thường xuyên xảy ra dịch bệnh ở các khu vực nhiệt đới, thì sẽ không thể thực hiện được các công tác chuẩn bị như tính thời gian cho chiến dịch tiêm vaccine hằng năm hoặc chuẩn bị cơ sở chăm sóc sức khỏe khi có nhiều ca bệnh”.
Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập thông tin về số lượng bệnh nhân mắc bệnh cúm hằng tuần từ 15 bệnh viện trên khắp Việt Nam trong hơn 10 năm để xác định bất kỳ sự nhất quán nào về thời điểm xảy ra dịch cúm. Sau đó, họ phát triển một mô hình toán học kết hợp các thời điểm cúm lây lan cao điểm và khả năng lặp lại của các thời gian cao điểm này. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu so sánh các thông số này ở bốn địa điểm ôn đới - bao gồm Hà Lan, Đan Mạch và hai vùng của Hoa Kỳ - và miền bắc, miền trung và miền nam Việt Nam.
Sau khi tính toán các loại cúm khác nhau, nhóm nghiên cứu tìm thấy rất ít bằng chứng về sự lặp lại thời điểm dịch cúm trên khắp Việt Nam.
“Khoảng thời gian giữa các đợt dịch bệnh diễn ra rất bất thường, rất khác nhau ở Việt Nam”, Maciej Boni - giáo sư sinh học tại Đại học bang Pennsylvania - cho biết. "Ngược lại, chúng tôi tìm thấy bằng chứng rõ ràng về cúm theo mùa hằng năm ở các địa điểm ôn đới, điều này cho thấy rằng quy trình ước tính thống kê của chúng tôi đã hoạt động đúng như mong đợi."
Servadio cũng nhấn mạnh, bốn địa điểm ôn đới mà nhóm họ nghiên cứu luôn có mức lây truyền cao nhất trong những tháng mùa đông.
“Có thể nguyên nhân bắt nguồn từ sự thay đổi hành vi theo mùa: chẳng hạn như trong những tháng mùa đông lạnh giá thì các cuộc tụ họp sẽ diễn ra trong nhà thay vì ngoài trời. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn có thể do có các điều kiện lây truyền virus khác nhau, chẳng hạn như có không khí lạnh, khô vào mùa đông ở vùng ôn đới”, ông nói.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, thời gian cao điểm xuất hiện bệnh cúm lại xảy ra quanh năm.
“Ngược lại với các vùng ôn đới - nơi có thể tập trung tiêm chủng và truyền thông [về bệnh cúm] vào mùa thu, thì tại Việt Nam, thời điểm tối ưu để ưu tiên tiêm chủng nhằm đạt được khả năng bảo vệ tối đa vẫn chưa thể xác định chắc chắn được", TS. Phạm Quang Thái - Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Việt Nam - cho biết. "Mặc dù Việt Nam có chính sách vaccine nhắm vào các nhóm có nguy cơ cụ thể, tuy nhiên việc tiêm phòng cúm vẫn chưa phổ biến. Những phát hiện của nghiên cứu này đã làm nổi bật những thách thức trong việc thực hiện chiến lược tiêm chủng quốc gia toàn diện ở Việt Nam”.
Nguồn: