Có bao nhiêu người không gặp bất kỳ triệu chứng nào sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2? Và họ có phát tán COVID-19 hay không? Đây là những câu hỏi quan trọng kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Nghiên cứu ban đầu cho thấy tỷ lệ nhiễm Covid không triệu chứng có thể cao tới 81%. Nhưng theo một phân tích tổng hợp được công bố vào tháng trước, dựa trên 13 nghiên cứu và bao gồm tổng cộng 21.708 người tham gia, tỷ lệ những ca nhiễm Covid-19 hoàn toàn không có triệu chứng quan trọng nào trong toàn bộ thời gian theo dõi ít nhất bảy ngày, là 17%. Bằng chứng cho thấy hầu hết người bệnh phát triển các triệu chứng trong vòng 7-13 ngày, tác giả chính Oyungerel Byambasuren, nhà nghiên cứu y sinh tại Viện Chăm sóc sức khỏe dựa trên bằng chứng tại Đại học Bond, Gold Coast, Úc, cho biết.

Khoảng 1/5 người mắc COVID-19 không có triệu chứng.

Phân tích của Byambasuren cũng cho thấy, những người không bộc lộ triệu chứng có nguy cơ truyền virus thấp hơn 42% so với những người có triệu chứng.

Các nhà khoa học muốn biết tần suất lây truyền của những người không triệu chứng, vì những ca bệnh này phần lớn không bị phát hiện. Hầu hết các quốc gia chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng.

Mặc dù khả năng lây truyền thấp, người không có triệu chứng vẫn là nguy cơ lớn với sức khỏe cộng đồng lớn vì họ thường ở ngoài cộng đồng chứ không bị cách ly, theo Andrew Azman, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, Maryland, và là đồng tác giả của phân tích nói trên. Thậm chí, nhóm không triệu chứng góp một phần lớn các ca lây truyền, theo Azman.

Nhưng các nhà nghiên cứu khác không đồng ý với Azman về vai trò lây truyền của các ca không triệu chứng. Nếu nguy cơ lây truyền thấp theo phân tích mới là đúng, thì “những người này không phải là tác nhân bí mật của đại dịch”, Byambasuren nói. "Họ không ho hoặc hắt hơi nhiều, do đó không làm ô nhiễm nhiều bề mặt như những người có triệu chứng."

Muge Cevik, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học St Andrews, Vương quốc Anh, chỉ ra, vì hầu hết người nhiễm đều có triệu chứng nên chỉ cần tập trung vào nhóm này cũng đủ để loại bỏ hầu hết các sự kiện lây truyền.

Để hiểu cơ chế bệnh ở người không triệu chứng, Cevik và các đồng nghiệp đã tiến hành đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp 79 nghiên cứu về động lực và khả năng lây truyền của virus SARS-CoV-2. Một số nghiên cứu cho thấy những người không biểu hiện triệu chứng có tải lượng virus ban đầu tương tự với những người có triệu chứng. Nhưng hệ thống miễn dịch của những người không có triệu chứng dường nhưvô hiệu hóa virus nhanh hơn và chỉ lây truyền sang người khác trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo Cevik, điều đó không có nghĩa là những người này có phản ứng miễn dịch mạnh hơn hoặc bền hơn - và có bằng chứng cho thấy những người bị Covid-19 nặng thì có phản ứng kháng thể lâu dài và đáng kể hơn.

Mặc dù hiện nay các nhà khoa học đã hiểu rõ hơn về cơ chế lây truyền của các ca không triệu chứng, Cevik nói rằng những người không triệu chứng vẫn nên tiếp tục sử dụng các biện pháp hạn chế lây truyền như cách ly, vệ sinh tay và đeo khẩu trang.

Nguồn: