Một báo cáo mới đã thử xác định những mốc quan trọng, những đơn vị đóng góp nhiều nhất, và chất lượng công bố quốc tế ở lĩnh vực KHXH&NV của các đơn vị giáo dục đại học Việt Nam trong 55 năm qua, dựa trên thông tin được trích xuất từ cơ sở dữ liệu Scopus.

Mới đây, nhóm tác giả gồm TS. Phạm Hùng Hiệp (Nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục Reduvation, Trường ĐH Thành Đô) và ThS. Lương Đình Hải (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã công bố một báo cáo nhằm phác họa bức tranh tổng thể về công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV của các cơ sở GDĐH tại Việt Nam từ năm 1966 - 2020, trong đó, mốc khởi điểm 1966 tương ứng với thời gian của công bố đầu tiên được ghi nhận.

Thông tin phục vụ nghiên cứu được nhóm tác giả trích xuất từ cơ sở dữ liệu Scopus - do Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan, xây dựng từ năm 2004 - bởi hai lý do: thứ nhất, Scopus đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam như là căn cứ để đánh giá chất lượng công bố quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực KHXH&NV; và thứ hai, độ phủ của cơ sở dữ liệu Scopus trong lĩnh vực KHXH&NV là rộng nhất do so với các nguồn dữ liệu khác.

Một số mốc quan trọng

Số lượng công bố nghiên cứu KHXH&NV trên Scopus của các trường đại học ở Việt Nam trong giai đoạn 1966 – 2020.
Số lượng công bố nghiên cứu KHXH&NV trên Scopus của các trường đại học ở Việt Nam trong giai đoạn 1966 – 2020.

Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 1966 – 2020, các cơ sở GDĐH Việt Nam đã công bố 8.629 nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH&NV trên những tạp chí nằm trong cơ sở dữ liệu Scopus. Tài liệu đầu tiên được dữ liệu ghi nhận là của tác giả Nghiêm Đằng (Phó Viện trưởng Học viện Hành chính Quốc gia tại Sài Gòn) công bố năm 1966 bàn về đề cương giảng dạy trong chương trình phát triển cán bộ hành chính.

Tính theo cả giai đoạn, số công bố nghiên cứu KHXH&NV của các cơ sở GDĐH Việt Nam trên Scopus trung bình tăng 22,85% mỗi năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đáng kể chỉ xảy ra hơn mười năm gần đây. Cụ thể, từ năm 1966 - 1991, số lượng công bố hằng năm ít hơn mười tài liệu. Ở giai đoạn 1992 - 2007, con số này tăng dần từ 11 lên 66 tài liệu. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2008 - 2017 có sự tăng trưởng nhanh, từ 111 lên 578 công bố. Còn ở giai đoạn 2018 - 2020, số lượng công bố tăng vọt, trong đó năm 2020 ghi nhận 2.810 công bố, cao hơn khoảng 2,7 lần so với số lượng năm 2018.

Nhóm tác giả cho rằng, giai đoạn 1966 – 2020 chứng kiến hai mốc thời gian có mức tăng trưởng đột biến, đó là năm 2008 và năm 2017. Một số nghiên cứu chỉ ra, những sự thay đổi tích cực này được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh về mặt chính sách như sự ra đời của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) với yêu cầu các nghiên cứu nhận tài trợ phải có công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín. Bên cạnh đó, quy định mới về đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiêu chuẩn mới bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2018 cũng đòi hỏi các đối tượng được quy định phải có công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Những đơn vị dẫn đầu

Theo bộ dữ liệu phân tích, ĐH Quốc gia TPHCM là cơ sở GDĐH có đóng góp nhiều nhất về số lượng công bố lĩnh vực KHXH&NV ở Việt Nam trong cả giai đoạn 1966-2020, với 1.082 nghiên cứu, chiếm tỷ lệ 12,54% trên tổng số.

Đứng thứ hai là ĐH Quốc gia Hà Nội với 947 tài liệu, chiếm 10,97%.

Ngoài ra, có năm đơn vị đã công bố nhiều hơn 500 tài liệu, gồm Trường ĐH Duy Tân (760 tài liệu), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (693 tài liệu), Trường ĐH Kinh tế TPHCM (684 tài liệu), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (595 tài liệu), Đại học Công nghệ TPHCM (527 tài liệu).

Các trường đại học/đại học hàng đầu của Việt Nam có xu hướng tập trung nghiên cứu (i) khoa học xã hội; (ii) kinh tế, kinh tế lượng, và tài chính; và (iii) kinh doanh, quản lý và kế toán. Ngược lại, các vấn đề liên quan đến tâm lý học, nghệ thuật và nhân văn ít được quan tâm hơn.

Khi so sánh số lượng công bố giữa các đơn vị ở từng lĩnh vực nghiên cứu, có thể nhận thấy tồn tại khoảng cách lớn giữa đơn vị đứng đầu với đơn vị ở vị trí thứ hai và các đơn vị còn lại, ngoại trừ lĩnh vực tâm lý học. Đơn vị có nhiều công bố nhất ở lĩnh vực khoa học xã hội là ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, đơn vị này còn dẫn đầu ở hai lĩnh vực nghiên cứu khác là tâm lý học, nghệ thuật và nhân văn. Trường ĐH Kinh tế TPHCM dẫn đầu ở hai lĩnh vực: kinh tế, kinh tế lượng và tài chính; và kinh doanh, quản lý và kế toán.

Đối tác nghiên cứu

Các trường đại học ở Việt Nam đã hợp tác nghiên cứu KHXH&NV với các cộng sự ở 152 quốc gia trên thế giới, đứng đầu là Mỹ với 1.482 tài liệu, tương ứng 17,17% tổng số. Tiếp đến là Úc -1.177 tài liệu, tương ứng 13,64%; Trung Quốc - 971 tài liệu, tương ứng 11,25%; và Nhật Bản - 853 tài liệu, tương ứng 9,89%.

Đồng xuất bản với Việt Nam, từng quốc gia trên đều công bố hơn 1.000 xuất bản phẩm. Còn trong khu vực ASEAN, Malaysia và Thái Lan là hai đối tác lớn nhất của các trường đại học ở Việt Nam với 277 và 276 tài liệu, tương ứng 3,20% tổng số tài liệu đã công bố trên Scopus.

Xem xét chi tiết hơn các cơ sở GDĐH quốc tế theo mức độ hợp tác với các trường đại học Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV thì thấy, trong cả giai đoạn 1966-2020, ĐH Quốc gia Singapore đứng đầu danh sách các đối tác quốc tế với 104 tài liệu. Tiếp theo là ĐH Khoa học Y Tehran (76 tài liệu), Đại học RMIT (66 tài liệu), ĐH Monash (65 tài liệu), ĐH Wageningen (61 tài liệu), và ĐH Công nghệ Queensland (60 tài liệu).

Đáng chú ý, dù Mỹ là quốc gia hợp tác mạnh mẽ nhất nhưng chỉ có hai đại học nằm ở nửa dưới trong số 20 cơ sở GDĐH quốc tế có mức độ hợp tác nhiều nhất với các trường đại học Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV, đó là ĐH Johns Hopkins và ĐH California.

Nơi công bố

Bộ dữ liệu phân tích được thu thập theo bốn dạng tài liệu: (i) bài báo, (ii) bài hội thảo, (iii) sách, và (iv) chương sách. Gần 6.900 tài liệu, tỷ lệ 80% trên tổng số dữ liệu, là bài báo khoa học. Tiếp theo là bài hội thảo, hơn 1.300 tài liệu, tương đương 15%; hơn 4% công bố là chương sách; và chỉ có 30 tài liệu ở dạng sách.

Trong giai đoạn 1966-2020, các trường đại học Việt Nam công bố trên 2.130 tạp chí thuộc hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus. Nhóm tác giả đã sử dụng phân tích thống kê mô tả với hai chỉ số (số lượng tài liệu và số lượt trích dẫn của tạp chí) nhằm xác định danh sách các tạp chí nổi bật.

Trong đó, xét về số lượng, 20 tạp chí nổi bật chiếm 2.575 trong tổng số 8.629 công bố. Đây đều là những tạp chí có xu hướng công bố ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và được xếp hạng chủ yếu ở nhóm Q1 và Q2 trên hệ thống Scimago - hệ thống xếp hạng và phân loại tạp chí khoa học dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus – vào năm 2020. Đứng đầu là Journal of Asian Finance Economics and Business với 394 bài báo; tiếp theo là Scientific Reports - 261 bài báo, Sustainability - 245 bài báo.

Nhóm 20 tạp chí đứng đầu tính theo lượt trích dẫn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực kinh tế và tài chính và đều thuộc nhóm Q1 trên hệ thống Scimago vào năm 2020. Trong đó, Journal of Financial Economics đứng đầu với 1.690 lượt được tham chiếu. Tiếp đến là Journal of Business Research - 1.504 lượt trích dẫn; Journal Of Marketing - 1.503 lượt trích dẫn; Journal Of Business Ethics - 1.475 lượt trích dẫn; Strategic Management Journal - 1.106 lượt trích dẫn.

Khi đối sánh giữa danh sách 20 tạp chí có số lượng công bố nhiều nhất và danh sách 20 tạp chí có số lượt trích dẫn nhiều nhất thì có ba tạp chí xuất hiện cả ở hai bên. Đó là Journal of Asian Finance Economics And Business, Journal Of Optimization Theory And Applications, và Sustainability.

Nhóm tác giả cho biết, để đem đến bức tranh chi tiết hơn, trong thời gian tới, báo cáo có thể triển khai theo hai tiếp cận. Thứ nhất, tích hợp thêm nguồn thu thập dữ liệu, cụ thể là Web of Sciences. Việc bổ sung nguồn tham chiếu thông tin giúp dữ liệu tổng hợp các nghiên cứu KHXH&NV của các trường đại học Việt Nam đầy đủ hơn. Thứ hai, thực hiện báo cáo phân tích từng lĩnh vực nghiên cứu thuộc nhóm KHXH&NV. Các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau có những đặc thù khác nhau, do đó việc phân tích chung chưa thể làm rõ kết quả nhiên cứu của từng lĩnh vực.

Hiện báo cáo đã được chia sẻ toàn văn trên trang thư viện khoa học - giáo dục mở [1] của Trường ĐH Thành Đô. Nhóm dự kiến sẽ công bố báo cáo định kỳ để kịp thời theo dõi nhịp phát triển của nghiên cứu KHXH&NV Việt Nam trên bản đồ xuất bản học thuật quốc tế.

Trước đó, nhóm đã công bố báo cáo về nghiên cứu của tác giả Việt Nam trong lĩnh vực khoa học giáo dục [2] và có kế hoạch tiếp tục công bố các báo cáo tương tự trong nhiều lĩnh vực, bao gồm báo cáo về nghiên cứu của tác giả Việt Nam trong lĩnh vực toán, dự kiến ra mắt trong năm nay.


Báo cáo cũng thống kê danh sách 20 tài liệu KHXH&NV của các trường đại học Việt Nam có lượt trích dẫn nhiều nhất trong giai đoạn 1965-2020. Có hai loại chỉ số lượt trích dẫn được ghi nhận, gồm: chỉ số trích dẫn nội bộ (LC), dùng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của tài liệu trong phạm vi của một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể; và chỉ số trích dẫn tổng thể (GC), xem xét mức độ ảnh hưởng của tài liệu ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Cụ thể, dữ liệu cho thấy, LC của 20 tài liệu có lượt trích dẫn hàng đầu ở trong khoảng từ 19-163, còn GC ở trong khoảng từ 5-161.

Bên cạnh đó, người đọc có thể tìm thấy trong Báo cáo danh sách 20 từ khóa có tần suất nhiều nhất và bản đồ chuyên đề các lĩnh vực KHXH&NV của các trường đại học Việt Nam giai đoạn 1965-2020.



[2] Thăng trầm của các công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục, Phương Thục, báo Khoa học và Phát triển, 20/11/2022