Vùng "con nhện" xuất hiện ở cực nam sao Hỏa là kết quả do những hố lõm bị xói mòn liên tục mở rộng.

con-nhen-rong-hang-tram-met-tren-be-mat-sao-hoa

Những đường rãnh tỏa ra từ hố lõm ở trung tâm tạo thành vùng "con nhện" trên sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Các nhà nghiên cứu Mỹ báo cáo về sự hình thành của vùng "con nhện" trải rộng hàng trăm mét trên sao Hỏa trong nghiên cứu công bố trên số tháng 1 của tạp chí Icarus, theo Phys.org. Những đường rãnh tỏa ra từ một hố lõm ở trung tâm, tương tự thân và chân của con nhện.

Trong thập kỷ qua, nhóm nghiên cứu sử dụng camera High Resolution Imaging Science Experiment (HiRISE) trên vệ tinh Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ để theo dõi những biến đổi ở khu vực "con nhện".

"Lần đầu tiên chúng tôi theo dõi những đặc trưng này tồn tại và mở rộng theo năm tháng. Chúng nằm ở khu vực đụn cát, do đó chúng tôi không biết liệu chúng có tiếp tục trở nên lớn hơn hay sẽ biến mất dưới lớp cát xê dịch", nhà nghiên cứu Ganna Portyankina ở Đại học Colorado, Boulder, cho biết.

Những đụn cát là một yếu tố tạo thành vùng hình nhện. Theo Portyankina và đồng nghiệp ước tính, cần hơn 1.000 năm sao Hỏa để quá trình xói mòn làm nổi rõ hình con nhện từ những rãnh nhỏ. Một năm trên sao Hỏa tương ứng với 1,9 năm trên Trái Đất.

"Phần lớn sao Hỏa trông giống như bang Utah nếu bỏ hết mọi loài thực vật, nhưng vùng "con nhện" là đặc trưng độc đáo chỉ có trên sao Hỏa", Candice Hansen ở Viện Khoa học Hành tinh tại Tucson, Arizona, đồng tác giả nghiên cứu, nói.

Cách đây 6 năm, các nhà nghiên cứu dùng camera HiRISE để quan sát những đường đứt gãy nhỏ trên đụn cát gần cực bắc sao Hỏa, tuy nhiên chúng biến mất sau một năm do bị cát lấp đầy. Báo cáo mới chỉ ra những hố lõm ở gần cực nam của hành tinh không chỉ tồn tại mà còn trải rộng qua ba năm, tỏa ra theo hình con nhện. Để hình thành vùng "con nhện", lớp đất phải đủ mềm để quá trình mài mòn phát huy hiệu quả, nhưng không quá lỏng lẻo để cát dễ dàng lấp đầy như ở cực bắc.