Nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường. Con người tạo ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, 50% trong số đó là nhựa dùng một lần bao gồm ống hút, chai nước, túi nilon, tăm bông, hộp đựng đồ ăn…
Theo ước tính, chỉ 9% lượng nhựa sau khi sử dụng được tái chế. Điều này nghĩa là phần lớn rác thải nhựa bị thải ra môi trường tự nhiên. Thực tế, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm.
Liên Hợp Quốc cảnh báo nếu con người tiếp tục tiêu thụ nhựa với tốc độ như hiện tại trong khi các hoạt động quản lý chất thải không được cải thiện, đến năm 2050 sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa tồn tại trong môi trường, và số lượng rác thải nhựa dưới biển còn nhiều hơn số lượng cá.
Rác thải nhựa mất nhiều năm để phân hủy. Khi phân hủy, chúng tạo ra chất độc trong nước khiến cá nhiễm bệnh và cuối cùng đi vào chuỗi thức ăn.
Hơn 60 quốc gia và tổ chức đã có nhiều kế hoạch và hành động cụ thể để hạn chế nhựa dùng một lần. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 1 – 5 nghìn tỷ túi nilon được tiêu thụ trên toàn thế giới mỗi năm.
Quốc Hùng (Theo Plasticoceans)