Tuyển sinh những người quyết tâm sống chết với nghề
Nếu tới CodeGym vào bất cứ ngày nào, chắc hẳn bạn sẽ rất bất ngờ với lớp học ở đây. Những người học ở mọi lứa tuổi, có người 18 có người 38, họ có thể là sinh viên mới ra trường, cũng có thể là người đi làm được một thời gian nhưng muốn chuyển nghề. Tất cả đều chăm chú vào máy tính và gấp rút hoàn thành bài tập theo yêu cầu. Mỗi ngày một khối lượng công việc sẽ được giao tới cho từng học viên trên hệ thống website riêng. Không ai được phép xao nhãng, lơ là.
Anh Nguyễn Khắc Nhật - Phó Tổng giám đốc CodeGym Việt Nam- cho biết: “Chúng tôi tuyển sinh những người quyết tâm sống chết với nghề. Họ không còn đường lui, chỉ có thể tiến về phía trước. Mỗi học viên tới CodeGym được huấn luyện và làm việc thực thụ như một nhân viên. Hằng ngày, họ phải check in, check out, nhận khối lượng công việc cho ngày hôm đó và báo cáo trên hệ thống cho giảng viên”.
Những người sáng lập của CodeGym cho biết, phương pháp mà họ đang ứng dụng là mô hình đào tạo nghề lập trình theo phương pháp huấn luyện thực chiến Coding Bootcamp nổi tiếng ở Mỹ. Với thời gian đào tạo ngắn và cường độ làm việc cao, mô hình này đã chứng minh được tính hiệu quả và trở nên phổ biến ở những nước phát triển khi đào tạo lực lượng lập trình viên chất lượng cao.
Theo đó, trong 16 tuần, học viên học 5 ngày, mỗi ngày làm việc tập trung ít nhất 8 tiếng. Nếu như sinh viên ở trường vừa học vừa chơi, mỗi tuần chỉ vài ba tiết học thì CodeGym, học viên có lịch học và huấn luyện dày đặc, liên tục đến mức chỉ ‘code, code và code’. Với sự tập trung cao độ này, người học sẽ hoàn thành khối lượng công việc lớn và đạt được sự tiến bộ với tốc độ mà họ không nghĩ là có thể và trở thành lập trình viên chuyên nghiệp sau khi hoàn thành chương trình.
Học viên CodeGym thực hành các dự án do giảng viên giao. Ảnh: CodeGym
Để huấn luyện một người chưa biết gì trở thành lập trình viên chuyên nghiệp, người sáng lập CodeGym tiết lộ, trung tâm xây dựng cơ chế hỗ trợ bao gồm nhiều vai trong lớp học. Đó là coach (huấn luyện viên), có vai trò như giáo viên chủ nhiệm, theo dõi học viên từ những ngày đầu đến khi kết thúc khóa học, đưa ra định hướng nghề nghiệp, intructor - giảng viên đứng lớp hỗ trợ học viên học theo từng nội dung chuyên môn và tutor - huấn luyện viên thực địa người luôn đứng phía sau kèm cặp học viên làm nhiệm vụ sai đâu sửa đấy.
Không chỉ vậy, một hệ thống sản phẩm cũng được ứng dụng để tự động hóa quy trình học, làm dự án và báo cáo kết quả của từng học viên. Mỗi tuần, học viên viết báo cáo theo mẫu gửi cho giảng viên những công việc đã hoàn thành trong tuần, đang gặp khó khăn ở đâu để giảng viên nắm bắt và điều chỉnh. Các bài học cơ bản cũng được giảng viên quay thành clip và hướng dẫn làm từng bước. Khi đó, học viên không cần giảng viên nhưng vẫn có thể tự học. Càng những bài tập về sau, bài giảng được nhả dần ra và chỉ đưa định hướng để học viên tự làm từ đầu đến cuối.
Xuyên suốt khóa học, học viên được tham gia vào các dự án của doanh nghiệp và nhận phản hồi từ họ. Chị Bùi Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc CodeGym nhấn mạnh: ‘Các chuyên gia của doanh nghiệp nhận xét sẽ chính xác và có giá trị hơn bất cứ ai. Họ là người sử dụng nhân lực và có yêu cầu khắt khe với từng nhân sự”.
Thậm chí, nhiều lập trình viên senior của các doanh nghiệp khi tới CodeGym đánh giá về chất lượng học viên đều không tin vào chương trình học. Anh Khắc Nhật vui vẻ kể: “Họ kiên quyết khẳng định, trong 4 tháng học viên không thể học hết khối lượng kiến thức khổng lồ mà ở bên ngoài có thể phải mất tới 2 năm để dạy. Nhưng tôi chỉ muốn nhắc lại, trong 4 tháng, học viên của CodeGym làm việc ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, liên tục và tập trung cao độ”.
Hiện nay, với áp lực như vậy , số lượng học viên “bỏ cuộc” ở CodeGym khoảng 10%. Tuy nhiên, với những người cảm thấy không theo được, CodeGym cho rằng xử lý càng sớm càng tốt để học viên tìm hướng đi mới. Sắp tới, CodeGym hướng tới giảm tỷ lệ này xuống 5%.
Đầu tư lớn cho R&D
Nói về CodeGym, những người sáng lập tự hào khoe ‘bộ phận tiêu tiền nhiều nhất cơ quan’ - bộ phận R&D. “Có lẽ hiếm có đơn vị giáo dục nhỏ nào đầu tư cho R&D nhiều như chúng tôi” – người đồng sáng lập của CodeGym nói. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế, xây dựng chương trình học để hệ thống chạy hiệu quả nhất, đo được chi tiết nhất năng lực của mỗi học viên.
Để làm được điều này, bộ phận R&D sẽ chịu trách nhiệm phân tích thị trường, xem chương trình có phù hợp với nhu cầu không? Sau đó, CodeGym sẽ mời doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến, phản biện cho thiết kế chương trình và chuẩn đầu ra. Anh Nhật chia sẻ về 3 tiêu chí mà các doanh nhận đặt ra cho một nhân sự: “Đó là kỹ năng (họ làm được gì), kiến thức (khả năng trình bày và hiểu vấn đề) và thái độ (với công việc và đồng nghiệp). Sau khi có kết quả khảo sát, CodeGym sẽ xây dựng một chương trình đào tạo, phân bổ cụ thể theo từng ngày, từng giờ. Tất cả đều được lên chi tiết để không có bất cứ giây phút nào lãng phí. Chúng tôi gọi đó là trải nghiệm học tập”.
Từ khi CodeGym được ra mắt vào tháng 4/2017 đến nay, anh Nguyễn Khắc Nhật ước tính toàn bộ hệ thống đã có tới hàng nghìn lỗi được sửa chữa, cải tiến. ‘Đã có 4 đợt cải tiến thực hiện trong vòng một năm rưỡi. Thực tế để phát triển một chương trình tương tự, cách thức xây dựng truyền thống có thể mất tới 2-3 năm và sau khi triển khai từ 4-6 tháng mới có phản hồi hệ thống lần đầu tiên. Tuy nhiên, với tinh thần ‘lean’, CodeGym đã thực hiện với tốc độ nhanh gấp hàng chục lần’ - anh Nhật chia sẻ.
Để bổ trợ cho bộ phận R&D, CodeGym cũng có một bộ phận IT xây dựng các phần mềm hỗ trợ học tập, phục vụ việc học tập và quản trị kết quả đào tạo, thống kê các chỉ số liên quan đến học viên. Những thông tin này được tập hợp trong một hệ thống tổng hợp các kỹ năng, để khi đi ứng tuyển vào bất cứ doanh nghiệp nào, ứng viên chỉ cần gửi đường link coi như portfolio để doanh nghiệp đánh giá từ kỹ năng tới thái độ học tập, làm việc tại CodeGym.
***
Đi vào hoạt động được một năm rưỡi, đến nay CodeGym đã có 4 khóa học viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, thứ mà CodeGym hướng tới trong thời điểm hiện tại là xây dựng mô hình đào tạo chất lượng tốt nhất để đóng gói và ‘chuyển giao’ tới các tỉnh thành trong cả nước.
Trong năm nay, CodeGym sẽ xúc tiến mở trung tâm mới tại Đà Nẵng. Hiện trung tâm đã liên kết với ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Duy Tân để mở các lớp học đầu tiên. Theo lộ trình, đến năm 2020, CodeGym sẽ có mặt ở 3 thành phố lớn và mỗi năm đào tạo cho thị trường từ 1.500-2.000 học viên.
Những người sáng lập CodeGym tin rằng, học viên của họ không chỉ được hưởng các chương trình đào tạo chuẩn mực mà còn được xây dựng văn hóa tốt. Không chỉ được học kiến thức, học viên còn được đào tạo kỹ năng, tự học, tự đọc và biết cách chia sẻ tri thức cho người khác qua các buổi simenar hằng tuần. Chị Thảo tự tin khẳng định: “Học viên đi ra từ CodeGym là vững tay nghề, phong cách chững chạc, chỉn chu, tư duy làm việc khoa học. Học viên được yêu cầu phải viết đúng từ câu văn, từng khoảng trắng, từng tiêu đề của mail. Không thể khác được”.