Trước làn sóng xâm lược của các nước tư bản phương Tây, các nhà cải cách phương Đông đã thay đổi từ quan niệm truyền thống “phụng sự cho đất nước là phụng sự cho triều đình”, sang tư tưởng “đất nước là của nhân dân”.
Bước biến chuyển ấy sẽ tác động gì đến vận mệnh của mỗi quốc gia Đông Á? Đó là những nội dung chính tại cuộc tọa đàm "chủ quyền và lợi ích quốc gia: tiếp cận từ góc nhìn lịch sử và văn hóa".
Sự mơ hồ ở Đông Á
Năm 1863, khi Phan Thanh Giản đến Pháp để điều đình hiệp ước hòa bình, câu đầu tiên mà vị thống chế người Pháp hỏi khi ông vừa đặt chân xuống cảng, đó là: “Biên giới của Việt Nam và Campuchia ở đâu?” Phan Thanh Giản trả lời rằng ông không biết, hãy đến hỏi cư dân ở vùng đó, chỗ nào đóng thuế cho Việt Nam thì là đất của Việt Nam.
Không riêng Việt Nam, năm 1826, khi người Anh đánh Myanmar, họ đến gặp vua Thái Lan để hỏi về biên giới giữa hai nước Thái Lan và Myanmar. Triều đình Xiêm trả lời rằng họ không quản lý đường biên, người Anh hãy đến mà hỏi những người sống ở đó đóng thuế cho triều đình nào.
“Giả dụ, vào thời vua Càn Long, nếu một tù trưởng mang châu báu, ngà voi sang Bắc Kinh để triều cống, có nghĩa lãnh thổ đó thuộc Trung Quốc. Nhưng khi một vị vua khác lên ngôi, người tù trưởng lại quay sang mang ngà voi triều cống Ấn Độ, và thế là khu vực này lại thuộc Ấn Độ” – Nhà nghiên cứu (NNC) Vũ Đức Liêm, giảng viên Khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Hà Nội) phân tích tại tọa đàm “Chủ quyền và lợi ích quốc gia: Tiếp cận từ góc nhìn lịch sử và văn hóa” do trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.
Những quan điểm này hoàn toàn khác với quan niệm về đường biên lãnh thổ quốc gia trong hình dung của các nước phương Tây khi đặt bươc chân xâm lược vào châu Á. Sự “mơ hồ” trong cách hiểu về đường biên đã dẫn đến việc, nhiều khu vực, từ biển Đông đến các Tây Tạng, Tân Cương,… đều là những vùng không được phân định rõ ràng trong các Hiệp định ngoại giao đã được ký kết vào thời gian này. Như vậy, đến trước thế kỷ 19, các quốc gia Đông Á vẫn vận hành theo cơ chế thiên triều: một ông vua sẽ có toàn quyền quyết định trong thiên hạ, tất cả những nước xung quanh không được xem là quốc gia bình đẳng. Trật tự bất bình đẳng này được công nhận bởi tất cả các bên cùng tham gia. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với quy phục và hòa bình, sự hỗn loạn của Đông Á với những nhập nhằng trong biên giới giữa nước này với nước khác đã kéo theo các cuộc chiến không khoan nhượng để giành lấy chủ quyền.
Đây chính là vấn đề khiến các nhà nghiên cứu lịch sử về Đông Á phải đau đầu đặt ra câu hỏi, từ bao giờ thì khu vực này bắt đầu hình dung về chủ quyền, lãnh thổ, quản lý quốc gia? Và nó sẽ kéo theo rất nhiều những câu hỏi khác nữa, rằng chủ quyền này thuộc về ai, từ lúc nào thì những người đứng đầu thôi nghĩ rằng chủ quyền này là của mình và dòng họ mình? Đó là điều mà chúng ta có thể nhận thấy qua lời khẳng định của vua Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ?... Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”. Và rõ ràng, quan niệm quốc gia là của vua hoặc thiên triều rất khác biệt với những quan điểm hiện đại quốc gia là của người dân? Và từ khi nào, như Fukuzawa Yukichi đã nói, nước này là của người dân Nhật Bản chứ đâu phải của Thiên Hoàng? Hàng loạt những sự kiện, hàng loạt những câu hỏi ấy sẽ tái hiện cho chúng ta bức tranh về tiến trình phát triển của những quốc gia Đông Á trước sự đe dọa và xâm chiếm của các nước lân bang.
‘Tiến hóa’ về ý thức chủ quyền
Khác với sự mơ hồ tại Đông Á, ở châu Âu, vấn đề chủ quyền và hệ thống quốc gia đã được xác lập từ rất sớm. TS Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, khái niệm khá căn bản và đầy đủ về chủ quyền và gắn chủ quyền với hệ thống quốc gia – dân tộc phải bắt đầu từ Hiệp ước Hòa bình Westphalia năm 1648. Với hai Hiệp ước Osnabruck ký kết vào ngày 6/8/1648 và Munster ký kết 8/9/1648, Hòa ước Westphalia là sự thỏa hiệp giữa Thụy Điển cùng các đồng minh với Hoàng đế của Đế chế La Mã thần thánh nhằm chấm dứt chiến tranh 30 năm (1618-1648) ở châu Âu.
Hòa ước này là nền tảng khởi đầu quan hệ quốc tế hiện đại, góp phần định hình một xã hội của các quốc gia – dân tộc dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia là tối thượng, xác nhận sự độc lập của các quốc gia và nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia có quyền lực nhất định mà các quốc gia khác phải tôn trọng. Bằng cách phá hủy quan niệm về chủ nghĩa toàn cầu tôn giáo, “trật tự Westphalia” thúc đẩy những quan điểm về độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia, đưa cân bằng quyền lực trở thành khái niệm chính trong chỉ đạo và công thức của chính sách đối ngoại1. Nói cách khác, “Hiệp ước này đã bác bỏ mọi quyền hành đứng trên quốc gia. Chính trên nền tảng của hệ thống quốc gia – dân tộc với nguyên tắc chủ quyền quốc gia là tối thượng và lợi ích quốc gia trở thành tối cao cả về luật pháp cũng như chính trị, ý thức về dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc gắn liền với một đường biên lãnh thổ cụ thể đã bắt đầu manh nha và hình thành trong giới cầm quyền ở châu Âu thời kỳ này” – TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Vào thế kỷ XIX, khi phương Tây kéo sang châu Á, họ đã áp đặt chủ nghĩa thực dân lên khung cảnh Đông Á. “Người chơi mạnh đã đến và mang theo một luật chơi mới, và họ yêu cầu các nước Á Đông phải ứng phó” – NNC Vũ Đức Liêm khẳng định.
Năm 1886, theo yêu cầu của Pháp – lúc bấy giờ đã giành quyền thống trị tại nước ta, triều đình nhà Nguyễn đã cử đại thần Hoàng Hữu Xứng đứng ra phụ trách việc biên soạn bộ sách Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên. Thực lục chính biên ghi: “Bấy giờ Cơ mật viện tâu nói: Cương giới nước ta phía Bắc gần với nước Đại Thanh, phía Tây Nam giáp với nước Xiêm La, Miến Điện; từ trước phải có giới hạn đích ở chỗ nào. Từ trước đến nay, quốc sử ít thấy chép đến, thấy nghe cũng ít, nhiều lần các đại thần toàn quyền, khâm sứ Đại Pháp có ý nghiên cứu, hoặc định treo thưởng; hoặc có nghe thấy gì, thì tự đi yêu cầu để xem xét. Về việc treo thưởng, nhiều lần đã vâng lời dụ thông sức, chưa có người hưởng ứng.”
Năm 1887, đổng lí Hoàng Hữu Xứng đã hoàn thành pho sách Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên gồm 7 quyển và một bức địa đồ. Sau cuốn này, Quốc sử quán tiếp tục biên soạn bộ Đồng Khánh địa dư chí gồm 27 quyển và nhiều bản đồ. “Đây là một bước ngoặt rất lớn, ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn và xác lập thế giới, hình dung về lãnh thổ, tư duy về nhà nước, quản trị đất đai, quản lý dân chúng” – NCV Vũ Đức Liêm cho biết. “Và cũng từ đấy, chúng ta dần hình dung về lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Sự ‘tiến hóa’ trong quan niệm về chủ quyền và lợi ích lãnh thổ này không gì khác hơn là sự ứng phó của một người chơi yếu đối với một người chơi mạnh.”
Còn theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, áp lực bành trướng ngày càng mạnh mẽ của các thế lực phương Tây vào giữa thế kỷ XIX chính là nguyên nhân “bên ngoài” quan trọng nhất tác động đến ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của các nhà cải cách ở Đông Á thời kỳ này. Áp lực trên đã dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cách hiểu về chủ quyền quốc gia của các nhà trí thức đương thời.
Các luồng quan điểm khác nhau
Các nhà cải cách lúc bấy giờ đều sống trong cùng một thời đại, thời đại của cuộc xung đột giữa hai nền văn minh, hai ý thức hệ, hai cách thức vận hành chính trị, hai mô hình hoàn toàn khác nhau; sự xung đột ấy đã tạo nên những cách hiểu khác nhau về lãnh thổ và chủ quyền, ngay với cả những nhóm cấp tiến nhất ở phương Đông.
Các luồng quan điểm khác biệt đó, theo TS Nguyễn Tiến Dũng, thể hiện rõ qua trường hợp bốn nhà cải cách tiêu biểu: Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản), Mongkut (Thái Lan), Lý Hồng Chương (Trung Quốc) và Nguyễn Trường Tộ (Việt Nam).
Trong đó, Fukuzawa Yukichi được xem là nhà cải cách tiến bộ nhất thời bấy giờ. “Quan điểm của ông về quyền bình đẳng, độc lập của các quốc gia trong quan hệ quốc tế, có nhiều điểm tương đồng với luận thuyết về chủ quyền và lợi ích quốc gia theo hệ thống Hòa ước Westphalia” – TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết. Mặc dù học Nho học, nhưng Fukuzawa Yukichi không lấy đó làm “khuôn vàng, thước ngọc”, ngược lại ông hiểu rõ những hạn chế của xã hội phong kiến. Trong quan điểm của ông, lợi ích quốc gia thuộc về dân tộc, thuộc về nhân dân, chứ không thuộc về nhóm cầm quyền hay chính phủ. Ông từng viết: “Để duy trì độc lập của đất nước, chúng ta – những người dân – phải làm trọn nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ của công dân trong một nước và chính phủ phải làm trọn trách nhiệm của mình, trách nhiệm của người điều hành đất nước”.
Với tư tưởng đó, ông xem việc canh tân đất nước là nghĩa vụ đối với dân tộc chứ không nhằm phục vụ cho Thiên Hoàng hay bất kỳ một nhà cầm quyền nào. Chính vì thế, ông có cách nhìn nhận đầy lý tính và khách quan, sẵn sàng phê phán trực diện chính phủ trong công cuộc cải cách Minh Trị; đồng thời ông cũng đề ra các biện pháp cải cách đất nước một cách quyết liệt, bất chấp những biện pháp đó có hợp lòng chính quyền hay không.
Tương tự với Fukuzawa Yukichi, Vua Mongkut đã thể hiện rõ sự cởi mở của mình đối với quan điểm về chủ quyền lãnh thổ mới. Bước biến chuyển trong quan điểm của ông phản ánh qua đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt. Ông quan niệm: “Siam buộc phải thay đổi nếu không sẽ bị tiêu diệt.” Ông sẵn sàng giảm chủ quyền về thương mại để giữ chủ quyền về chính trị, giảm lợi ích đối ngoại để giữ lợi ích đối nội - Mongkut không ‘khư khư’ giữ lấy vương triều của mình, ông sẵn sàng nhượng bộ Pháp phần lãnh thộ ngoại vi ở Campuchia, miễn sao đạt được mục đích tối thượng của mình là giữ được chủ quyền cơ bản và sự toàn vẹn lãnh thổ - một quan điểm tương tự với các nước phương Tây.
Khác với Fukuzawa Yukichi và Mongkut, Lý Hồng Chương và Nguyễn Trường Tộ vẫn chưa thể thoát khỏi ý thức hệ Nho giáo. Trong bối cảnh chủ quyền Trung Quốc bị xâm phạm với việc phải cắt bỏ từng phần nhượng địa cũng như lợi ích quốc gia bị tổn hại nghiêm trọng bởi các điều khoản bất bình đẳng của các hiệp ước ký kết với phương Tây, Lý Hồng Chương đã đưa ra những chủ trương nhất quán trong tư tưởng và hành động: cải cách để tự cường phát triển, từ đó giúp bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Tuy vậy, ông vẫn xem luân lý cương thường của Trung Quốc là gốc để trị quốc. Trước sau như một, ông vẫn đề cao vai trò của thể chế phong kiến và tư tưởng Nho học, chính vì thế, quốc gia đối với ông vẫn là quốc gia của triều đình; sự phản kháng của nhân dân, những mâu thuẫn giai cấp với ông là mối nguy bên trong tai hại nhất, nguy hiểm hơn các thế lực phương Tây.
Khác với Lý Hồng Chương, Nguyễn Trường Tộ không xem nhân dân là mối nguy đối với lợi ích dân tộc, nhưng chính bản thân Nguyễn Trường Tộ vẫn giữ nguyên quan điểm cũ của mình rằng phụng sự cho triều đình là phụng sự cho đất nước. Ông đã viết những bài viết phê phán tư duy của các bậc hủ nho, đưa ra đề xuất chấn chỉnh bộ máy quan lại, mở rộng ngoại giao và cải cách giáo dục…, nhưng suy cho cùng vẫn là để phục vụ cho triều đình.
Trí thức Việt Nam đến phương Tây với tư cách là nhà quan sát chứ chưa phải là người học. Những đề xuất của Nguyễn Trường Tộ vẫn là mô phỏng dựa trên những điều mắt thấy tai nghe. Trong khi đó, Fukuzawa Yukichi và Mongkut nghiên cứu về phương Tây rất bài bản, họ hiểu về phương Tây một cách sâu sắc, và vì thế họ cũng có những sự thay đổi lớn trong quan niệm của mình về quan hệ quốc tế hiện đại.
NNC Vũ Đức Liêm
Trước áp lực bành trướng ngày càng gia tăng của các thế lực ngoại bang, Nguyễn Trường Tộ đã nhìn nhận, đánh giá và tìm cách giải quyết hiểm họa mất nước của Việt Nam dựa trên những phân tích về tình hình thế giới và xu hướng bành trướng ngày càng gia tăng của các thế lực phương Tây. Ông đặt chủ trương hòa với Pháp lên hàng đầu. Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, nhận thức của Nguyễn Trường Tộ hợp logic nhưng phi lịch sử. “Ông không nhận thức đúng dã tâm và bản chất của chủ nghĩa thực dân” – anh cho biết. Đồng thời, ông vẫn chưa đặt người dân lên trên triều đình, để hiểu về đặc tính bất khuất của dân tộc, thà chiến chứ không hòa.
Dù cùng đề cao lợi ích quốc gia, tiếp nhận văn minh phương Tây và chủ trương cải cách đất nước, nhưng bốn nhà cải cách đã có những cách thức tiến hành khác nhau: có người đã tiến hành canh tân một cách dứt khoát, đi theo quan điểm về chủ quyền và lãnh thổ mới; trong khi có người vẫn hoàn toàn vẫn giữ lại quan điểm cũ – quốc gia là của triều đình. Những khác biệt trong quan niệm đã dẫn đến khác biệt trong cách hình dung về lãnh thổ, quản lý dân chúng, cải cách đất nước.
Và theo đó, mỗi nước cũng có những vận mệnh khác nhau: Nhật Bản không những bảo vệ được chủ quyền mà còn trở thành cường quốc lớn mạnh, Thái Lan vẫn bảo vệ được chủ quyền căn bản, Trung Quốc trở thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Nhưng suy cho cùng, theo NCV Vũ Đức Liêm, có rất nhiều yếu tố quyết định đến việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền đất nước, chứ không phải chỉ nằm ở lựa chọn của các nhà cải cách. “Đây là một phần số phận. Không phải cứ quyết tâm cải tổ là sẽ thành công.”
Chú thích:
1. Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (cb) (2013), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013