Theo Báo cáo Sốt rét Thế giới do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào ngày 4/12 năm ngoái, lần đầu tiên sau vài năm, số ca nhiễm sốt rét được ghi nhận trên toàn thế giới đã giảm.

Một nhân viên y tế công cộng lấy mẫu máu của một phụ nữ để xét nghiệm bệnh sốt rét ở huyện Bo Rai, tỉnh Trat, Thái Lan. Ảnh: voanews

Trước đó, việc số ca sốt rét gia tăng liên tục trong hai năm 2016 và 2017 đã làm dấy lên lo ngại rằng chúng ta đang chững lại trong cuộc chiến chống lại căn bệnh do muỗi Anophele lây truyền. Nhưng sau đó WHO ước tính rằng có 228 triệu ca mắc trong năm 2018, giảm hơn 3 triệu so với năm trước đó.

Sự sụt giảm này phần lớn có thể bắt nguồn từ việc số ca mắc ở Đông Nam Á đã giảm hẳn. WHO nhận thấy rằng, trong thập kỷ qua, các ca sốt rét giảm rõ rệt nhất ở sáu quốc gia trên lưu vực sông Mekong – Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Từ năm 2010 đến năm 2018, số ca mắc bệnh sốt rét và số ca tử vong do sốt rét ở các quốc gia này đã lần lượt giảm 76% và 95%. Năm 2018, Campuchia cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử nước này, họ không ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào liên quan đến sốt rét. Ấn Độ cũng báo cáo số ca mắc bệnh trong nước giảm đáng kể, số ca mắc năm 2018 ít hơn 2,6 triệu ca so với năm 2017.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng dữ liệu về bệnh sốt rét có thể sẽ không chính xác ở các quốc gia có hệ thống giám sát [y tế] còn chưa phát triển. Arjen Dondorp, Phó giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Mahidol Oxford ở Bangkok, cho rằng ngay cả khi số liệu chính thức không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào, điều này không có nghĩa là không có thương vong liên quan đến sốt rét. Tuy nhiên, “số ca mắc sốt rét chắc chắn đang giảm” ở những nước như Campuchia, ông nhận xét.

Abdourahmane Diallo, Giám đốc điều hành của RBM Partnership to End Malari, một tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ, với sứ mệnh hỗ trợ những hoạt động kiểm soát và loại bỏ căn bệnh sốt rét, cho biết những quốc gia ở khu vực sông Mekong đã đạt được “tiến bộ to lớn” trong việc giải quyết căn bệnh này. Những quốc gia đó đã tài trợ cho các chương trình kiểm soát bệnh sốt rét, cũng như điều động, triển khai lực lượng nhân viên y tế đến các khu vực vùng sâu vùng xa để điều trị và báo cáo các trường hợp mới.

Ông chia sẻ thêm rằng những bước tiến trong việc giảm thiểu lây truyền sốt rét còn là kết quả của những chiến lược ngăn chặn sự kháng thuốc của các chủng Plasmodium falciparum, loại ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất đã lan ra khắp khu vực.

Ở những khu vực khác trên thế giới, số ca mắc sốt rét vẫn đang gia tăng. Ví dụ, các quốc gia ở châu Phi ghi nhận số ca mắc vào năm 2018 đã tăng thêm 1 triệu ca so với năm 2017. Năm 2018, châu lục này chiếm gần 94% số ca mắc và tử vong do căn bệnh này trên toàn thế giới. Diallo cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và kinh phí là những yếu tố đe dọa đến nỗ lực chống lại căn bệnh sốt rét ở nhiều khu vực.

Pedro Aloson, Giám đốc Chương trình Sốt rét Toàn cầu của WHO tại Geneva, nhận định, mặc dù năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm về số ca mắc sốt rét trên toàn cầu, nhưng các ca bệnh vẫn ổn định ở “những con số cao đến nỗi không thể chấp nhận được” trong vài năm qua. “Nhưng đây không phải là tình thế không thể cứu vãn được”, ông nói, và lưu ý rằng những nỗ lực nhằm cải thiện các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh đã giúp một số quốc gia loại bỏ thành công bệnh sốt rét. Báo cáo cho biết Algeria và Argentina đều đạt chứng nhận không có ca bệnh sốt rét nào vào năm 2019.