Báo cáo về việc sản xuất thành công chimera khỉ - người đã làm dấy lên cuộc tranh luận về đạo đức khoa học về việc tạo ra các sinh vật giống người.

Chimera là thuật ngữ trong di truyền học để chỉ sinh vật có ADN từ hai hoặc nhiều cá thể khác nhau, trong trường hợp này chỉ kết hợp giữa các loài khác nhau. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp để chỉ sinh vật có đuôi rắn, mình dê và đầu sư tử.

Ảnh: Chimera khỉ - người được báo cáo là chỉ được cho phép phát triển trong vài tuần. Nguồn: theguardian.com

Chimera giữa người và sinh vật khác đang là đối tượng được quan tâm của nhiều nhà khoa học khi nó được xem là một cách tiềm năng để giải quyết tình trạng thiếu hụt cơ quan nội tạng để cấy ghép cũng như vấn đề từ chối nội tạng. Các nhà khoa học tin rằng có thể phát triển được các nội tạng phù hợp với một người nhận cụ thể, bằng cách phát triển nó trong cơ thể động vật. Cách tiếp cận này dựa trên việc lấy tế bào từ một người trưởng thành và lập trình nó trở thành tế bào gốc, sau đó cấy vào phôi của loài khác.

Báo cáo mới nhất, được công bố trên tạp chí El País của Tây Ban Nha, tuyên bố một nhóm các nhà khoa học, được dẫn dắt bởi GS. Carlos Izpisúa Belmonte (Viện Salk, Mỹ) đã sản xuất thành công chimera khỉ - người. Nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc để tránh các vấn đề pháp lý liên quan. Báo cáo này xuất hiện ngay sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm và quyết định hỗ trợ cho các nhà khoa học để tạo ra chimera chim - người.

Ngay sau báo cáo của Izpisúa Belmonte, chimera khỉ - người làm dấy lên tranh luận trong giới học thuật. GS. Robin Lovell-Badge, nhà sinh học phát triển từ Học viện Francis Crick (London), mặc dù không cảm thấy có vấn đề liên quan đến đạo đức, nhưng đặt ra câu hỏi về cách có thể kiểm soát các cơ quan “đích” chứa ADN người và mức độ đóng góp của ADN người trong các cơ quan này? Bởi nếu những tế bào người có trong não và cơ quan sinh dục của chimera, với số lượng lớn, thì rõ ràng có mối lo ngại về việc tạo ra các sinh vật giống người.

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2019/aug/03/first-human-monkey-chimera-raises-concern-among-scientists