Kiên trì với những “đòn bẩy”
Lần đầu tiên mang sách về nông thôn Nam Định vào cuối năm 2014 theo phong trào sách hóa nông thôn, trong suy nghĩ ban đầu, chị Vũ Thị Thu Hà tin rằng đây là “việc làm thiết thực mà cũng không quá khó”.
Lúc bấy giờ, chị chưa hề biết rằng để một cuốn sách thực sự đến tay một em học sinh là cả một quãng đường dài gắn liền với thay đổi nhận thức của số đông giáo viên, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành giáo dục, phụ huynh học sinh. Bởi vì trong tư duy của rất nhiều người, trong đó có lãnh đạo trường đầu tiên mà chị gặp, xây dựng trường học là tặng tiền, làm sân, làm nhà, làm vườn hoa... còn xây dựng tủ sách hay tạo nền tảng, bồi đắp cho văn hóa đọc thì ... không cần gấp. Nên ngôi trường đầu tiên mà chị đến đồng ý nhận sách vào thư viện, nhưng không muốn làm tủ sách ở từng lớp học. Lúc đó, chị đã hồ nghi rằng sách để trong thư viện trường sẽ “chết lâm sàng”, chị Hà vẫn tặng cho trường đưa vào thư viện; kết quả 3 tháng sau ở trường này đúng như điều chị lo ngại ban đầu, tất cả số sách chưa đến tay học sinh.
“Mình không làm theo kiểu cho có. Tôi quan tâm đến hiệu quả, bọn trẻ có được đọc sách không? Đọc như thế nào?”, thất bại đầu tiên cho chị hiểu rằng “tặng sách” cũng vô nghĩa nếu chỉ mang sách đến nơi. Để học sinh đọc sách, cần có sự hợp lực của chính lãnh đạo nhà trường và các thầy cô giáo ở các địa phương được tặng.
Vì thế, chị tặng sách lại theo kiểu “đòn bẩy”: khảo sát đến những địa phương khác ở xung quanh ngôi trường đầu tiên đó để gặp hiệu trưởng và giáo viên, tìm những người tâm huyết để đưa sách về lớp học; sau đó “tiếng lành đồn xa...”, các trường khác thấy hay sẽ dần dần học tập lẫn nhau và sẽ tích cực cùng chị đưa sách về từng lớp học.
Những trường tiếp theo mà chị Hà tìm đến là trường tiểu học Nam Thành, trường THCS Bắc Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định để tặng sách với số lượng ít hơn, nhằm kết nối, thúc đẩy với các lãnh đạo nhà trường thay đổi tư duy về văn hóa đọc, tạo “đòn bẩy” giữa các trường với nhau để tự họ phải thay đổi khi nhìn những trường xung quanh đang thay đổi.
Chị Vũ Thị Thu Hà. Ảnh: Hoàng Nam
Khi tặng sách đến trường thứ tư, tiểu học Nam Đồng, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, may mắn đến với chị khi gặp được hiệu trưởng Lê Thị Hạnh là người tâm huyết với sách và văn hóa đọc cho học sinh. Gặp được người làm giáo dục tâm huyết, chị Hà có thêm động lực để đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường, thành những “đốm lửa” đầu tiên ở huyện Nam Trực, khởi đầu cho cả tỉnh.
Nhưng chị giữ nguyên tắc “mình không thể làm thay mọi người được, để lan tỏa được bắt buộc phải kêu gọi mọi người chung tay” và chỉ tặng mỗi trường một tủ sách để khuyến khích, còn lại phải kêu gọi nguồn lực từ chính địa phương: từ các hội doanh nhân ở địa phương, phụ huynh học sinh và cựu học sinh của các trường được tặng sách.
Vì thế, số lượng sách được tặng tăng rất nhanh, số trường chịu ảnh hưởng “lan tỏa” cũng mở rộng ngày càng nhiều. Tại trường Nam Đồng đầu năm 2015, với số sách “sách hóa nông thôn” mang về cùng với ủng hộ từ nhà trường, học sinh thực sự có một “hệ sinh thái” đọc và chia sẻ: tủ sách từng lớp, câu lạc bộ sách, giờ sinh hoạt sách (kiểm tra kết quả sau 6 tháng, học sinh đã đọc gần hết số sách tặng ban đầu); sau một năm số sách tặng trường Nam Đồng gấp 4 lần so với đợt tặng ban đầu do có sự chung tay của cả phụ huynh. Tiểu học Nam Đồng là “đốm lửa” đầu tiên mà chị Hà nhóm thành công ở Nam Định. Sau Nam Đồng, chị Hà có đến được thêm 6 “đốm lửa” tương tự trong huyện. Hội Doanh nhân Hải Hậu cũng “tiếp lửa” và xây dựng tủ sách lớp học Huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng ngay trong năm đó.
Vẫn hai lần... rơi nước mắt ở Lý Sơn
Nguồn kêu gọi từ người thân, bạn bè, các hiệp hội không thể đủ, chị Hà lại tiếp tục xây dựng thêm mô hình mới “Bán trái cây, xây tủ sách” để có thể chủ động về ngân sách và có một quỹ hoạt động ổn định cho sách hóa nông thôn.
Đến vùng nông thôn nào tặng sách, chị đều thu mua đặc sản sạch và chất lượng của những vùng này và bán ở Hà Nội. Gần như toàn bộ lợi nhuận từ sáng kiến này chị đều dùng cho chương trình “sách hóa nông thôn”. Cộng thêm với sự ủng hộ của nhiều người bạn từ nhóm Tủ sách, cộng đồng người Việt ở Ba Lan, Đức, “Bán trái cây, xây tủ sách” hướng đến những vùng hải đảo và miền núi, những vùng mà học sinh chịu nhiều điều kiện bất lợi nhất trên cả nước. Tuy nhiên, xoay sở được nguồn lực để có sách và đưa ra được hải đảo vẫn chỉ là phần việc đơn giản của cuộc hành trình.
Tháng 4/2015, lần đầu tiên mang sách đến đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, tìm cách làm việc với hiệu trưởng của một trường, đến nhà tận nhà thầy Hiệu trưởng để chờ thầy đứng ra nhận sách nhưng chị bị từ chối vì lí do… “thầy đang có hẹn đi nhậu, mọi người đang đợi ở quán”. Chị kiên trì tìm đến một trường khác, nhưng hiệu trưởng miễn cưỡng “bảo cho sách vào thư viện”.
Đến trường thứ ba, trường THPT Lý Sơn, theo lời giới thiệu của một người bạn, cuối cùng chị cũng được trao đổi với học sinh về thúc đẩy văn hóa học nhưng hiệu trưởng chỉ cho chính xác 15 phút và có sự giám sát của ban giám hiệu. “Tôi đang nói và học sinh đang rất hào hứng thì bị báo hết giờ và…phải đứng khóc ở sân trường”, chị kể lại.
Cảm thấy gần 3000 cuốn sách đến Lý Sơn như “ném đá ao bèo”, sách vào thư viện rồi học sinh cũng không biết đến (kiểm tra lại một năm sau cho thấy dự đoán này là đúng), chị Hà nhận ra rằng, con đường “sách hóa nông thôn” đã đi, “hỗ trợ từ dưới lên và sau khi có thành công mới gây áp lực từ trên xuống” ở Nam Định cũng chưa thực sự hiệu quả.
Trẻ em địa phương đang đọc sách và học vẽ tại homestay ở Phú Yên do chị Hà xây dựng - Nguồn ảnh: NVCC
Đối với những vùng sâu, vùng xa, để chương trình thành công, trước hết phải là sự thuyết phục cấp cao nhất của ngành giáo dục, rồi từ đó mới làm việc với các trường. Do đó, ở Tây Nguyên, Đăk Lăk, nhóm của chị Hà bắt đầu làm việc có hệ thống hơn: khởi đầu là liên lạc với Sở Giáo dục, sau đó Sở đưa ra danh sách những trường được nhận sách. Ngoài ra điều kiện là sau đó nhóm phải có buổi hội thảo với trường, có mặt đại diện Sở, Phòng Giáo dục để nói về văn hóa đọc.
Trong năm 2016, 2017, với cách làm hệ thống hơn, chị đã đưa được hàng trăm tủ sách đến được các lớp học miền núi, câu chuyện về văn hóa đọc, hệ sinh thái đọc được truyền thông hiệu quả hơn.
Đích đến là xây dựng cộng đồng
Xuất phát chỉ là một người buôn bán có mong muốn đơn giản là xây dựng tủ sách cho trường cũ ở Nam Định, nhưng càng thực hiện chương trình sách hóa nông thôn, chị Hà càng có mong muốn thay đổi đời sống người dân mà như vậy, thì mang sách đến trẻ em là chưa đủ mà cần phải giải quyết nhận thức của tất cả người dân về phát triển bền vững. Bằng trải nghiệm của chính mình trong nhiều tháng ở Nam Định, chị Hà chia sẻ: “Những năm nay biển nghèo do ô nhiễm, do công nghiệp. Đời sống ngư dân khó khăn vì họ chỉ biết bám biển, nhưng một phần lớn do đánh bắt tận diệt mà càng về sau biển càng nghèo…”.
Do đó, chị lại bắt tay vào xây dựng doanh nghiệp xã hội để đầu tư vào làng du lịch homestay tại ven biển, Phú Yên, vì muốn phát triển bền vững, phải kéo được người dân địa phương cùng tham gia vào các mô hình phát triển xanh. Mỗi ngôi nhà homestay (do chị đầu tư hoặc do chính người dân đăng ký tham gia làm homestay) đều duy trì nếp sống xanh với các bộ xử lý rác thải hữu cơ.
Làng homestay cũng là mô hình mở ra để cho mỗi người khách đến du lịch có thể chia sẻ trách nhiệm xã hội với cộng đồng địa phương và thực sự sống cùng, ở cùng người dân để hiểu cuộc sống của họ. Trong làng homestay có thư viện cộng đồng được chị trang bị đầy đủ internet, máy tính, phòng đọc, khách du lịch tới đây sẽ cùng đóng góp sách vở, cùng tham gia các hoạt động cộng đồng với trẻ em. Làng cũng có lớp học để dạy trẻ em những kĩ năng (âm nhạc, hội họa) và hiểu biết cơ bản về đời sống.
Trải dài trên đường bờ biển của Việt Nam là rất nhiều địa phương như Phú Yên. Khó có thể nói đến chuyện hô hào tất cả trẻ em quan tâm đến sách và kỳ vọng những thay đổi nhận thức đến từ việc đọc khi các em chưa hề có nền tảng, cha mẹ nhiều người không biết chữ. Những thay đổi cần phải bắt đầu từ thiết thực hơn: lớp học bảo vệ môi trường, phân loại rác, nhặt rác bãi biển là những hoạt động của làng homestay đã thực hiện thử trong mùa hè vừa rồi. “Bắt đầu làm ở Phú Yên, nhiều người cảnh báo liệu có làm được không, nhưng càng là nơi khó khăn, mình càng muốn làm”, cho tới bây giờ cũng chưa thể nói được những cố gắng xây dựng cộng đồng sẽ hiệu quả đến đâu, nhưng chị Hà tin tưởng vào những “việc nên làm”.