Nhóm nghiên cứu đã soạn một danh sách gồm 50 loài đang bị đe dọa nhiều nhất để các nhà khoa học tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu, đồng thời là lời gợi ý cho hoạt động bảo tồn ở Việt Nam.

s
Năm 2017, các nhà khoa học đã phát hiện 700 cá thể tắc kè đuôi vàng - một loài đặc hữu, quý hiếm và có giá trị bảo tồn cao - trên đảo Hòn Khoai, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: The Guardian

Trên thế giới, bò sát từ lâu vẫn được xem là nhóm sinh vật cần được bảo tồn đặc biệt vì chúng đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hệ sinh thái, và thường có phạm vi phân bố tương đối nhỏ, điều này khiến chúng dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa từ con người.

Khu hệ bò sát của Việt Nam được biết đến với mức độ đa dạng cao và số lượng loài đặc hữu vượt trội. Các loài bò sát Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và bị khai thác quá mức để phục vụ mục đích thương mại trong nước và quốc tế, làm nguyên liệu cho các bài thuốc cổ truyền. Chúng là nhóm sinh vật cần được quan tâm để bảo tồn.

Các nhà quản lý, nhà bảo tồn cần triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ các loài bò sát Việt Nam trước thực trạng bị mất môi trường sống và bị khai thác quá mức. Đây là kết luận trong một báo cáo mới có tên "Assessment of the threat status of reptile species from Vietnam - Implementation of the One Plan Approach to Conservation" được công bố trên tạp chí khoa học truy cập mở Nature Conservation.

Nghiên cứu này là một phần trong luận văn tốt nghiệp cử nhân của Lilli Stenger (Đại học Cologne, Đức), dựa trên phương pháp Tiếp cận Một Kế hoạch (One Plan) của Nhóm chuyên gia lập kế hoạch bảo tồn thuộc IUCN. Nghiên cứu không chỉ hướng đến cải thiện môi trường sống của động vật, mà còn nhằm gtăng số lượng các loài bị đe dọa ở các trạm nhân giống và vườn thú để duy trì quần thể phù hợp.

Để tìm hiểu quần thể bò sát tại Việt Nam, các nhà khoa học Đức đã phối hợp với GS.TS. Nguyễn Quảng Trường, TS Phạm Thế Cường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) TS. Lê Đức Minh (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Sách đỏ IUCN ghi nhận Việt Nam có 418 loài bò sát, trong đó 74 loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng. Trong tổng số 74 loài bị đe dọa này có 34 loài là đặc hữu của Việt Nam. Nhóm nghiên cứu cho rằng danh sách này đã lỗi thời và cần được cập nhật, bởi Sách đỏ của IUCN còn sót hoặc có rất ít thông tin của nhiều loài bò sát đặc hữu.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã xác định 484 loài bò sát đã được biết đến ở Việt Nam, trong đó có đến 159 loài đặc hữu. Sau khi xác định các khu vực có độ đa dạng bò sát cao, số lượng các loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhóm đã soạn một danh sách gồm 50 loài đang bị đe dọa nhiều nhất. Đây được xem là cuốn “cẩm nang" để các nhà khoa học tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu, đồng thời là lời gợi ý cho hoạt động bảo tồn ở Việt Nam.

Từ những kết quả này, nhóm đã cung cấp những thông tin cơ bản cho chính quyền, các nhà bảo tồn, trung tâm cứu hộ và vườn thú để các bên có biện pháp bảo tồn phù hợp. Họ lưu ý rằng các con số có thể sẽ tăng lên vì Việt Nam được coi là điểm nóng đa dạng sinh học hàng đầu và tỷ lệ phát hiện các loài bò sát mới vẫn ở mức cao.

Hơn một nửa số loài đặc chủng chỉ được tìm thấy tại khu vực thu thập mẫu điển hình (type locality) của chúng và khoảng một phần ba xuất hiện hạn chế tại một phân miền (subregion) cụ thể. Điều này nêu bật tính dễ bị tổn thương của mỗi loài.

Quả thật, Việt Nam có mức độ đa dạng bò sát cao và số lượng loài đặc hữu vượt trội. Bản đồ đa dạng loài trong nghiên cứu cho thấy vùng Trung Trường Sơn ở miền Trung có mức độ đa dạng loài đặc hữu cao nhất (32 loài). Rõ ràng đây là địa điểm đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động bảo tồn loài bò sát. Điều đáng báo động là 53 trong số 159 loài đặc hữu - trong đó có 17 loài đang bị đe dọa - chỉ xuất hiện tại các khu vực không thuộc phạm vi bảo tồn, chẳng hạn như chẳng hạn như tắc kè đuôi vàng (Cnemaspis psychedelica).

Trong số các loài bò sát bị đe dọa tại Việt Nam, có 45 loài hiện đang được nuôi trong các vườn thú, nhưng trong số đó chỉ có 8 loài đặc hữu.

d
Một trong những trường hợp áp dụng thành công phương pháp Tiếp cận Một kế hoạch để bảo tồn tại Việt Nam là hoạt động bảo tồn rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis) - loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Mặc dù chúng có khả năng đã tuyệt chủng trong tự nhiên, các nhà khoa học đã triển khai kịp thời các chương trình bảo tồn ex situ. Nhờ đó, một số lượng lớn các cá thể đang được nuôi giữ và nhân giống trong các vườn thú, trạm. Ảnh: CBES

Đây là điều đáng lưu ý, bởi hoạt động bảo tồn trong các trạm nhân giống và vườn thú là hoạt động bảo tồn ex situ (ngoại vi) - bảo tồn hoặc duy trì quần thể ở nơi khác với nơi mà chúng sinh ra, tiến hoá và thích nghi - giúp duy trì số lượng cá thể, là phương án dự phòng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đây là một phần trong phương pháp Tiếp cận Một kế hoạch để bảo tồn.

Bên cạnh đó, ngoài vai trò hỗ trợ duy trì số lượng cá thể, “các vườn quốc gia hiện đại, cũng như các vườn thú tại địa phương, có thể hỗ trợ tài chính để duy trì các dự án bảo tồn in situ (nội vi) - bảo tồn tại chỗ trong tự nhiên”, GS.TS Thomas Ziegler, điều phối viên của Vườn thú Cologne, thành viên nhóm nghiên cứu đã đến khảo sát tại Việt Nam, chia sẻ.