Tấm vải liệm Turin từ lâu được coi là tấm vải liệm xác của Chúa Jesus. Nhưng trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học Anh cho rằng những vết máu trên tấm vải này hoàn toàn không chân thật, vì vậy nhiều khả năng nó là đồ giả.
Tấm vải liệm Turin là một miếng vải lanh cổ dài 4,5 m, rộng 1,2 m, mang hình ảnh của một người đàn ông bị đóng đinh. Nó đang được trưng bày tại Nhà thờ Saint John the Baptist ở Turin, Italy.
Năm 1988, các nhà khoa học xác định niên đại của tấm vải bằng phương pháp đồng vị phóng xạ carbon. Kết quả cho thấy, nó được tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1260 đến năm 1390 sau Công nguyên. Điều này ủng hộ quan điểm của nhiều người cho rằng, tấm vải liệm Turin chỉ là một trò lừa bịp khi Chúa Jesus qua đời vào năm 33 sau Công nguyên. Tuy nhiên, tấm vải liệm thực chất có phải đồ giả hay không vẫn là câu hỏi được tranh luận sôi nổi cho đến ngày nay.
Để giúp làm sáng tỏ vấn đề này, Matteo Borrini – nhà nghiên cứu tại Đại học Liverpool John Moores (Anh) – và cộng sự đã sử dụng các kỹ thuật pháp y hiện đại để kiểm tra tấm vải liệm Turin.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào những vết máu trên vải lanh được cho là có nguồn gốc từ vết thương bị đóng đinh. Họ sử dụng một ống nhỏ để dẫn máu (cả máu thật của người hiến tặng và máu tổng hợp) tới vị trí mặt sau bàn tay một tình nguyện viên. Họ xem xét dòng chảy của máu khi cánh tay để ở nhiều tư thế khác nhau trong lúc người này đứng hoặc nằm.
Theo sách Phúc âm John, Chúa Jesus bị đâm vào một bên sườn bằng cây giáo khi đang bị treo trên cây thập tự. Do đó, để mô phỏng vết thương do cây giáo tạo ra, nhóm nghiên cứu gắn một miếng bọt biển vào thanh gỗ. Họ nhúng miếng bọt biển này vào máu tổng hợp, sau đó đâm cây giáo giả vào sườn của một người nộm để xem máu chảy xuống cơ thể như thế nào. Cuối cùng, họ so sánh tất cả các mẫu máu này với những gì xuất hiện trên tấm vải liệm.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Forensic Sciences (Khoa học Pháp y) vào ngày 10/7 cho thấy, hai vệt máu ngắn trên mặt sau bàn tay trái in hình trên tấm vải liệm phù hợp với một người ở tư thế đứng, có hai cánh tay được giữ một góc bằng 45 độ. Ngược lại, các vết máu ở cẳng tay in hình trên tấm vải liệm phù hợp với một người đứng với hai cánh tay được giữ gần như thẳng đứng. Người này không thể ở cả hai tư thế khác nhau cùng lúc.
Ngoài ra, các vết máu phía trước ngực có nguồn gốc từ một vết thương do cây giáo tạo ra khi cơ thể ở tư thế đứng. Trong khi đó, vết máu phần dưới lưng lại phù hợp với một cơ thể đang nằm ngửa. Đây là điều hoàn toàn không hợp lý.
Video: Nhóm nghiên cứu làm thí nghiệm nhằm mô phỏng các vết máu được tạo ra trên tấm vải liệm Turin
"Nếu kết nối tất cả vết máu trên tấm vải liệm với nhau, bạn sẽ nhận thấy đây không thể là những vết máu từ một người bị đóng đinh và sau đó được đặt vào trong mộ. Nó do một nghệ sĩ nào đó tạo ra", Matteo Borrini, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nếu bạn nhìn vào các vết máu như một toàn thể cũng giống như khi bạn làm việc tại một hiện trường vụ án, bạn sẽ nhận thấy chúng mâu thuẫn với nhau. Điều đó chỉ ra nguồn gốc nhân tạo của những vết máu này, Borrini nhận định.
Quốc Hùng (theo Live Science)