Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 11/2020, các nhà khoa học tại Đại học Exeter (Anh) đã phân tích hơn 700 loài chim và 540 loài động vật có vú. Họ phát hiện động vật di cư có tuổi thọ ngắn hơn so với các họ hàng không di cư của chúng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, các loài chim và động vật có vú di cư đang mất nhiều năng lượng hơn trong quá trình di chuyển đường dài để tìm kiếm thức ăn hoặc tìm nơi làm tổ, một phần là do tác động của biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường sống. Điều này khiến tuổi thọ của chúng ngắn đi. Nhưng bù lại, chúng có xu hướng sinh sản nhiều hơn trong thời gian ngắn.
“Những loài có tuổi thọ ngắn nhưng sinh nhiều con sẽ tạo ra nhiều hậu duệ hơn so với những loài sống chậm và sinh sản ít”, Stuart Bearhop, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Quốc Hùng (Theo AFP)