Châu Âu đang dẫn đầu thế giới trong nghiên cứu về lượng tử nhưng các công ty mới được thành lập để khai thác những kết quả nghiên cứu này lại đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, châu Âu và các quốc gia thành viên cần liên kết các nỗ lực lại và cùng thúc đẩy các nguồn đầu tư cho các công ty đó.

Các nhà tư vấn của McKinsey mới công bố báo cáo “The 2022 Quantum Technology Monitor” (Giám sát Công nghệ lượng tử 2022), trong đó nêu: vào năm 2019, châu Âu là nơi tập trung cao nhất thông tin chuyên môn và bài báo khoa học về công nghệ lượng tử của thế giới. Điều tương tự cũng xuất hiện ở các doanh nghiệp về công nghệ lượng tử ở châu Âu, vốn dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học.

Công ty khởi nghiệp Pasqal của Pháp đã huy động được 25 triệu Euro vào tuần trước. Ảnh: Romain GAILLARD / REA

Châu Âu là nơi có ngành công nghiệp lớn nhất thế giới về công nghệ lượng tử với khoảng 150 doanh nghiệp và hơn 100 công ty khởi nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực này.
Nhưng các công ty này đang phải nỗ lực nâng cấp quy mô trong khi phải đối diện với một thực tại là thiếu vốn đầu tư. Như dữ liệu của McKinsey, nếu xét về lượng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ lượng tử, châu Âu chỉ mới đầu tư 294 triệu USD từ năm 2001 đến năm 2021, trong khi Mỹ dẫn đầu danh sách này với 2.164 tỉ USD, Anh thứ hai với 979 triệu USD và hạng ba là Canada với 658 triệu USD.

Tìm kiếm đầu tư tư nhân

Trong khi máy tính lượng tử còn chưa sẵn sàng cho thương mại hóa, các mẫu thử của nhiều loại công nghệ lượng tử khác như cảm biến lượng tử đang sẵn sàng chờ thử nghiệm trong nhiều ứng dụng khác nhau. Một ví dụ cho khả năng ứng dụng của cảm biến lượng tử là trong chẩn đoán y học, nơi có thể phóng to “nhìn vào tận quy mô từng neuron một”, Tommaso Calarco, giám đốc Viện Kiểm soát lượng tử ở Viện Nghiên cứu Jülich, Đức, cho biết. Tuy nhiên trong đo đạc và định vị vệ tinh, nó còn có thể cho phép chạm tới “độ chính xác từng cen ti met hoặc mi li mét”, ông nói thêm.

Các nhà đầu tư Mỹ đang chứng tỏ sự khao khát công nghệ này nhưng theo đánh giá của Enrique Lizaso Olmos, nhà sáng lập và CEO của Multiverse Computing, một công ty phần mềm lượng tử có trụ sở tại San Sebastian, Tây Ban Nha, họ có thể “có chính sách chặt chẽ trong đầu tư” và có thể có nhiều mặt giới hạn, như không cho phép theo đuổi việc đầu tư vào các quốc gia châu Âu.

Bên cạnh đó, có một ý tưởng chung là châu Âu là một nơi toàn rủi ro. Và như Lizaso nói, lĩnh vực lượng tử có thể không phải là trường hợp đầu tiên châu Âu thất bại khi xây dựng trên nền tảng khoa học tiên tiến của mình. Trong lĩnh vực điện thoại di động, các công ty châu Âu không có được những đại diện cạnh tranh nổi các hãng khổng lồ như Apple, Android hay Huawei.

Nhưng lập luận sợ rủi ro không thuyết phục được tất cả mọi người. Calarco tin rằng vấn đề không phải là các nhà đầu tư EU có “ít có can đảm hoặc thiếu tầm nhìn” mà là họ không được hưởng lợi ích từ “lợi nhuận khổng lồ của cuộc cách mạng Internet”.

Những biện pháp

Châu Âu đang thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào giúp các công ty lượng tử châu Âu mở rộng quy mô. Cụ thể, một quan chức Ủy ban châu Âu cho rằng, châu lục này đang trên đường thiết lập những đầu tư dành riêng cho lượng tử, trong đó có khá nhiều giải pháp thi hành.

Một là cho phép các công ty khởi nghiệp công nghệ lượng tử nộp hồ sơ vào hạng mục Tăng tốc của Hội đồng Đổi mới sáng tạo châu Âu, Một hướng khác là chương trình InvestEU do Quỹ đầu tư châu Âu giám sát, hiện đang quản lý 10 tỷ euro, đang lựa chọn các đối tác trung gian để đầu tư vào các công ty công nghệ lượng tử. Mục tiêu là khiến các nhà đầu tư cảm thấy ít bị rủi ro hơn khi đồng hành cùng “ngân sách của châu Âu”, vị quan chức Ủy ban châu Âu nói.

Một con đường khác cho đầu tư đến với công nghệ lượng tử là Đạo luật Chip châu Âu, do Ủy ban châu Âu đề xuất vào tháng hai vừa qua nhằm huy động 43 tỉ Euro để gia tăng sự chia sẻ của nền sản xuất bán dẫn toàn cầu với châu Âu. Đạo luật này được chờ đợi sẽ ủng hộ các công ty mở rộng quy mô và điều này sẽ bao gồm một số khía cạnh của các công nghệ lượng tử.

Thêm vào đó, châu Âu sẽ cung cấp cho các công ty công nghệ lượng tử với những cơ hội đặt cược cho các ứng dụng mới, trong khung đối tác Thử nghiệm Mở của Horizon Europe dành cho công nghệ lượng tử. Đây là một dự án tiêu tốn hàng triệu Euro nên hiện Ủy ban châu Âu lựa chọn các công ty “sẽ nhận được ngân sách đầu tư và khả năng truy cập vào cơ sở hạ tầng”, theo tin từ Ủy ban châu Âu.

Châu Âu cũng khuyến khích các quốc gia thành viên gia tăng đầu tư quốc gia vào công nghệ lượng tử. Pháp và Đức mới loan báo các kế hoạch đầu tư lần lượt khoảng 1,8 và 2 tỉ Euro vào R&D lượng tử, Italy đang tiến bước tiếp theo nhưng sử dụng tiền từ quỹ Phục hồi đại dịch.

Đầu tư nhiều hơn, liên kết nhiều hơn

Bất chấp các sáng kiến của châu Âu và một số quốc gia thành viên, giới công nghiệp và các nhà khoa học vẫn cho rằng điều cần thiết nhất là phải loại bỏ những ràng buộc về mặt pháp lý khiến cho các công ty khởi nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình đầu tư, làm “bùng nổ các hệ sinh thái khởi nghiệp”. Tương tự, những ràng buộc về các biện pháp được chính quyền đảm bảo phải được coi là dành riêng cho công nghệ lượng tử, qua đó đem lại những cú thúc đẩy cho lĩnh vực này.

Lizaso đề xuất, châu Âu phải có khả năng trở thành một nhà đầu tư hàng đầu về đầu tư mạo hiểm, như trường hợp ở Canada. Lizaso cho rằng, ngưỡng dành cho các công ty lượng tử ở chương trình EIC Accelerator phải đạt mức 50 triệu Euro; đồng thời phải hoàn thiện nhanh hơn các sáng kiến của mình bởi tốc độ thay đổi của các lĩnh vực công nghệ chuyên sâu “rất khủng khiếp”.

Ở mức độ quốc gia, Calarco đề xuất việc tạo ra một “cấu trúc toàn thể” cho công nghệ lượng tử, với sự tham gia của tất cả các bộ cho phép ngân sách và khung chính sách được thực thi.
Việc hợp lực giữa các quốc gia thành viên cũng hết sức quan trọng. Eijkel nói nỗ lực quốc gia phải được điều phối và thực hiện ở cấp độ châu Âu’ cho phép các nhà đầu tư mạo hiểm hình thành tổ chức lớn và làm việc ở quy mô lớn hơn.

Nguồn: sciencebusiness.net