Loài cá có cảm xúc như con người hay không lâu nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi khá nhiều trong giới khoa học. Theo một nghiên cứu mà các nhà khoa học Anh và Tây Ban Nha vừa công bố, cảm xúc có tồn tại ở loài cá.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Autònoma de Barcelona (Tây Ban Nha), Đại học Stirling và Đại học Bristol (Anh) đã quyết định nghiên cứu loài cá ngựa vằn để tìm hiểu vấn đề cá có cảm xúc hay không.

Sonia Rey - trưởng nhóm nghiên cứu - tiết lộ, họ đã tiến hành thí nghiệm với 72 con cá ngựa vằn, chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm gồm 36 con.

Họ đặt chúng vào một bể lớn chứa đầy nước gồm nhiều khoang có nhiệt độ khác nhau - từ 18C đến 35C.

Nhóm cá thứ nhất - gọi là nhóm kiểm soát - được thả vào khoang có nhiệt độ 28C - môi trường quen thuộc của chúng.

Nhóm còn lại bị nhốt trong khoang có nhiệt độ 27C nhằm đưa chúng vào tình huống căng thẳng do phải tồn tại trong môi trường khác với bình thường. Sau 15 phút, cả hai nhóm cá được thả ra.

Kết quả là cá thuộc nhóm kiểm soát chỉ quanh quẩn ở khoang có nhiệt độ 28C.

Trong khi đó, phần lớn những con cá ngựa vằn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng lại bơi đến các vùng có nhiệt độ cao hơn trong bể để nâng thân nhiệt của chúng thêm khoảng từ 2C đến 4C.

Các nhà khoa học giải thích, những con cá ngựa vằn bị nhốt trong khoang nước nhiệt độ thấp hơn này đã phải trải qua một dạng “sốt cảm xúc” liên quan đến tình trạng căng thẳng mà chúng phải đối mặt.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Sonia Rey cho biết: “Phát hiện này rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên hiện tượng “sốt cảm xúc” được nhận thấy ở các loài cá. Đó là dấu hiệu cho thấy các loài cá cũng có ý thức”.

Cá ngựa vằn bị “sốt cảm xúc” khi căng thẳng. Ảnh: Aquaticmag
Cá ngựa vằn bị “sốt cảm xúc” khi căng thẳng. Ảnh: Aquaticmag

“Trong khi sự liên hệ giữa cảm xúc và ý thức ở loài cá vẫn còn là vấn đề cần bàn cãi thì phát hiện này là một luận cứ quan trọng góp phần loại bỏ các ý kiến cho rằng chúng không có ý thức” - ông Sonia Rey nói thêm.

Được biết, các nhà động vật học đang tranh cãi về mức độ ý thức mà loài cá có thể biểu lộ. Một số chuyên gia khẳng định rằng, những động vật như cá không có ý thức vì đặc điểm cấu trúc đơn giản của bộ não, mà điển hình là việc chúng không có vỏ não.

Theo họ, loài cá có năng lực ghi nhớ và học tập hạn chế. Loài này cũng như không có khả năng cảm nhận sự đau đớn.

Trong khi đó, một số nhà khoa học khác lại cho rằng, mặc dù cá có bộ não tương đối nhỏ nhưng nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy sự tương đồng giữa một số cấu trúc não cá với não các động vật cao cấp khác - thậm chí cả con người.

Cụ thể, não của các loài cá tồn tại các hạch hạnh nhân (hạch amygdale) nằm ở tâm của não. Đây chính là nơi xử lý các yếu tố tạo ra cảm xúc ở con người và động vật.

Não cá cũng có vùng hippocampus - vùng não cần thiết cho quá trình ghi nhớ. Đây chính là những vùng não quan trọng giúp tạo nên không gian bộ nhớ và học tập ở động vật có vú.