Thử nghiệm tại Nghệ An cho thấy, chế phẩm sinh học Val-A giúp kiểm soát bệnh khô vằn trên lúa, ngô, và có thể ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.
Khô vằn là một trong những loại bệnh khá phổ biến trên cây lúa, gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và chất lượng lúa gạo. Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra, tấn công vào các phần của cây như bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Ngoài lúa, nấm còn gây hại trên rau cải, ngô, bầu bí, dưa, cà rốt, ớt… Mầm bệnh lây lan qua nước tưới, đất mang mầm bệnh và tàn dư thực vật của cây trồng bị bệnh vụ trước.
Chế phẩm Val-A được sản xuất tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An, trên nền dự án độc lập cấp nhà nước “Hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm Val-A phòng chống bệnh khô vằn chứa Validamycin A từ chủng xạ khuẩn Streptomyces hygroscopicus”, đã được Bộ KH&CN nghiệm thu năm 2019.
Validamycin A là một loại kháng sinh sinh học thuộc nhóm antibiotic aminoglycoside, được chiết xuất từ vi khuẩn xạ khuẩn Streptomyces hygroscopicus. Đây là hoạt chất có tác dụng kháng nấm, đặc biệt hiệu quả trong việc phòng trị bệnh khô vằn trên cây lúa, ngô và nhiều loại cây trồng khác.
Bệnh khô vằn gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến năng suất cây trồng. Ảnh: NNC
Dựa trên thành tựu nghiên cứu chế phẩm Val-A, Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp Nghệ An đã triển khai xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm này để phòng trị bệnh khô vằn trên cây lúa tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, và trên cây ngô tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương.
Kết quả, trên mô hình cây lúa vụ xuân, sau khi lúa ở giai đoạn đẻ nhánh rộ và kết thúc đẻ nhánh được phun thuốc đợt 1, bệnh khô vằn không xuất hiện trên cả ruộng phun chế phẩm và ruộng đối chứng (không phun chế phẩm). Ở vụ hè thu, thời điểm lúa đẻ nhánh, bệnh khô vằn đã xuất hiện với tỷ lệ 6-16%, sau tăng lên 20 – 22%. Tuy nhiên, bảy ngày sau khi phun chế phẩm Val-A, chỉ số bệnh giảm hẳn, chỉ còn dưới 10%. Trên ruộng đối chứng, bệnh khô vằn nhiễm nặng hơn, lây lan nhanh, tăng lên hơn 14%. Năng suất bình quân của mô hình đạt 70,4 tạ/ha, cao hơn 6,5 tạ/ha so với ruộng đối chứng không phun.
Mô hình thử nghiệm chế phẩm Val-A trên cây ngô. Ảnh: NNC
Tương tự đối với cây ngô, chế phẩm cho hiệu quả phòng trừ bệnh khô vằn tương đối cao (trên 75%) cả ở vụ xuân và vụ đông. Sau bảy ngày sử dụng chế phẩm Val-A, tỷ lệ bệnh giảm còn khoảng 4%, so với 14% ở ruộng đối chứng. Năng suất bình quân của ruộng mô hình đạt 58 tạ/ha, cao hơn 6 tạ/ha so với ruộng đối chứng.
Nhóm thực hiện dự án khuyến cáo, để đạt hiệu quả tối đa, đối với cây lúa, phun chế phẩm liều lượng 5 lít/ha/lần. Vụ xuân phun một lần vào thời điểm lúa ôm đòng - chuẩn bị trổ bông. Vụ hè thu phun một lần vào thời điểm lúa ôm đòng chuẩn bị trổ bông và thêm một lần khi lúa đẻ nhánh rộ. Đối với ngô, phun chế phẩm hai lần với liều lượng 6 lít/ha/lần, lần 1 vào thời điểm xử lý đất, lần 2 vào thời điểm ngô có 8-10 lá.
Theo nhóm thực hiện, chế phẩm Val-A không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, hạn chế được bệnh khô vằn phát sinh, lây lan ra diện rộng, đồng thời làm tăng hiệu quả kinh tế so với ruộng lúa và ngô đối chứng lần lượt là gần 4 triệu đồng/ha và 3,5 triệu đồng/ha.
Dự án đã được Sở KH&CN Nghệ An nghiệm thu, xếp loại khá.
Tin đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)