Các công ty có vốn nước ngoài có thực sự chuyển giá để tránh thuế không? Nghiên cứu của TS. Lê Mạnh Đức, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, trường Đại học Hà Nội đã đưa "vùng xám" của các công ty này ra ánh sáng trong một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Economics System.

Ảnh minh họa: Istock
Ảnh minh họa: Istock

Coca Cola là một trường hợp “đau đầu” với ngành thuế Việt Nam khi vẫn mở rộng kinh doanh mạnh mẽ, thống lĩnh thị trường nước giải khát nhưng liên tục báo lỗ hàng thập kỉ. Tổng cục Thuế cho rằng Coca Cola đã thực hiện hành vi chuyển giá để tránh thuế và truy thu, phạt công ty này khoảng 800 tỉ đồng vào năm 2019.

Chưa dừng lại ở đó, Tổng cục Thuế còn nghi ngờ 50% doanh nghiệp FDI cũng đang dùng kĩ thuật tương tự như Coca Cola nhưng việc cáo buộc và xử lý các công ty này không đơn giản. Trên thực tế, vụ việc của Coca-Cola đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Công ty này không đồng tình với kết luận của cơ quan chức năng và đang khiếu kiện tại tòa.

Vậy rốt cục, các công ty có vốn nước ngoài có thực sự chuyển giá để tránh thuế không? Và nếu có thì nó phổ biến đến mức độ nào? Nghiên cứu gần đây trên tạp chí Economics System của TS. Lê Mạnh Đức, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Hà Nội đã đưa “vùng xám” của các công ty đa quốc gia này ra ánh sáng.

Khi công ty mẹ ở thiên đường thuế

Tránh thuế là hành vi “lách” qua kẽ hở của các quy định một cách tinh vi. Khác với trốn thuế, tránh thuế là hành vi hoàn toàn hợp pháp nhưng nó vẫn khiến các Chính phủ đau đầu vì thất thu một khoản ngân sách lớn. Các tập đoàn đa quốc gia, với công ty mẹ và các công ty con tỏa chân rết khắp nơi trên thế giới, thường có nhiều điều kiện làm việc này.

Hai nhà kinh tế học người Mỹ James Hines và Eric Rice đã có những nghiên cứu tiên phong từ đầu những năm 90 chứng minh rằng, nếu mức thuế địa phương càng cao, các doanh nghiệp đa quốc gia (MNC) tại đó càng có xu hướng chuyển lợi nhuận đến nơi có thuế suất thấp - nơi mà hai ông gọi là thiên đường thuế.

Động thái chuyển lợi nhuận này chủ yếu bao gồm chuyển giá và chuyển nợ. Trong đó, chuyển giá là hành vi mà các doanh nghiệp chi nhánh tại Việt Nam thu mua đầu vào từ các chi nhánh tại thiên đường thuế với mức giá cao hơn giá thị trường, trong khi đó lại xuất khẩu tới các thiên đường này với giá thấp hơn giá trị trường. Điều này giúp làm tăng chi phí đầu vào, giảm doanh thu và lợi nhuận của chi nhánh Việt Nam. Lợi nhuận vốn dĩ nên xuất hiện trong báo cáo tài chính tại Việt Nam, sẽ xuất hiện trong báo cáo tài chính ở nơi thuế suất rất thấp hoặc thậm chí bằng không.

Chuyển giá không chỉ áp dụng cho những hàng hóa hữu hình mà còn có thể áp dụng cho các tài sản sở hữu trí tuệ (Intellectual Property- IP) như bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền… Khi sử dụng các tài sản này từ chi nhánh khác, chi nhánh Việt Nam cũng cần trả các khoản phí theo quy định và cũng như chuyển giá với hàng hóa hữu hình, mức giá mà chi nhánh tại thiên đường thuế “tính” cho chi nhánh Việt Nam cũng sẽ được “thổi phồng”. Tuy nhiên, so với các tài sản hữu hình, hành vi chuyển giá với các IP khó xác định hơn do khó tìm được mức giá thị trường của IP để so sánh.

Còn với chuyển nợ, các tập đoàn đa quốc gia có thể tránh được thuế thu nhập doanh nghiệp nhờ vào lãi suất từ các khoản nợ nội bộ. Chi nhánh từ thiên đường thuế sẽ cho chi nhánh Việt Nam vay một khoản vốn sử dụng cho việc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với mức lãi cao hơn mức lãi thị trường. Khi tính mức thuế thu nhập của doanh nghiệp, khoản lãi này cũng được tính là một chi phí và sẽ được khấu trừ, làm giảm mức lợi nhuận phải khai báo. Tuy nhiên, so với việc thông qua các khoản vay, chuyển giá vẫn là phương thức diễn ra nhiều hơn, bởi vì “công cụ nợ dễ thực hiện nhưng cũng dễ phòng tránh hơn.” TS. Lê Mạnh Đức cho biết.

Các nghiên cứu về hành vi tránh thuế này hầu như mới chỉ thực hiện ở các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu. Sau khi đọc được một nghiên cứu về hành vi tránh thuế của các MNC tại Trung Quốc GS. Sea Jin Chang, Đại học Quốc gia Singapore, TS. Lê Mạnh Đức bắt đầu quan tâm đến câu chuyện của Việt Nam.

TS. Lê Mạnh Đức cũng sử dụng chính mô hình tính toán của GS. Chang để truy tìm “dấu vết” hành vi chuyển lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia trong nước để ước định: với mỗi 1 USD đến từ một cú sốc lợi nhuận (hiểu nôm na là một thời điểm mà thị trường đột nhiên “ưu ái” lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp), doanh nghiệp sẽ được hưởng bao nhiêu tiền, khai báo lợi nhuận ở chi nhánh Việt Nam và ở chi nhánh đặt ở thiên đường thuế là bao nhiêu.

Đối chiếu với bộ dữ liệu Khảo sát Doanh nghiệp Việt Nam (VES) do Tổng cục Thống kê tổng hợp, nếu anh thấy doanh nghiệp khai báo lợi nhuận thấp hơn kì vọng ở Việt Nam, trong khi lại khai báo lợi nhuận cao hơn kì vọng ở nơi có thuế suất thấp hơn thì đó là bằng chứng gián tiếp cho thấy doanh nghiệp này có dấu hiệu chuyển lợi nhuận.

Kết quả cho thấy, có bằng chứng rõ ràng cho thấy các công ty đa quốc gia, đặc biệt là với các công ty có trụ sở đặt ở thiên đường thuế đều thực hiện hành vi chuyển lợi nhuận, chủ yếu là chuyển giá. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sau năm 2017 với mỗi 1 USD từ cú sốc lợi nhuận, các công ty “khai man” lợi nhuận thêm gần 13 cents so với kỳ vọng tại công ty mẹ. Trước năm 2017, con số này còn ở mức 1 USD, tức là khai lợi nhuận rất ít hoặc thậm chí là lỗ ở Việt Nam. Ngoài ra, chủ yếu các công ty lớn mới thực hiện hành vi chuyển lợi nhuận và gần như không thấy bằng chứng tại các công ty nhỏ.

Theo TS. Lê Mạnh Đức thì “chuyển lợi nhuận cũng khá tốn kém.” Chi phí lớn nhất có lẽ là việc lập hồ sơ để chứng minh mức giá nhằm chuyển lợi nhuận vẫn đang tuân thủ giá thị trường, ngoài ra còn cần tới chi phí tư vấn pháp lý, phí giao dịch…

Nói về quá trình làm nghiên cứu, TS. Lê Mạnh Đức chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong quá trình là việc nghiên cứu rất nhiều các tài liệu về chuyển lợi nhuận và tránh thuế do xuất phát của anh không phải là một nhà kinh tế công.

Bên cạnh đó, có một điểm “kỳ lạ” trong nghiên cứu mà anh phải bảo vệ khá căng thẳng trước hội đồng phản biện. Theo các nghiên cứu trước đây, chênh lệch thuế suất ở nước sở tại và thiên đường thuế càng cao thì công ty báo cáo ít lợi nhuận tại nước sở tại. Những biểu hiện được tìm thấy tại Việt Nam vào sau năm 2017 cũng phù hợp với kết quả trên, nhưng trước năm 2017, hai yếu tố này lại thể hiện sự nghịch biến, tức là, nếu khác biệt càng lớn, mức chuyển lợi nhuận lại càng nhỏ.

Anh có nghi ngờ của riêng mình cho điều này, nhưng từ chối không công khai vì chưa có bằng chứng cụ thể. Đó là cơ hội cho những nghiên cứu khác về tránh thuế trong tương lai.

Tác động từ các quy định

Đối diện với hành vi chuyển lợi nhuận tránh thuế của MNC, Việt Nam cũng đã áp dụng một số quy định để hạn chế xói mòn thuế và cơ sở thuế.

Năm 2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành về việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, tổng chi phí lãi vay được khấu trừ khi tính thuế sẽ không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần thu được từ hoạt động kinh doanh.

TS. Đức cho biết “Sau khi quy định này được áp dụng, gần như không còn bằng chứng về hành vi chuyển lợi nhuận thông qua các khoản giao dịch tài chính của MNC nữa, hành vi chuyển lợi nhuận dù vẫn còn tồn tại nhưng đã giảm rất nhiều”.

Nghiên cứu của TS. Lê Mạnh Đức chỉ ra với mỗi 1 USD cú sốc lợi nhuận, mức chuyển lợi nhuận sau 2017 đã giảm tới gần 1 USD so với trước 2017. Những hành vi còn lại, theo anh, có thể là thông qua hoạt động chuyển giá, đặc biệt là chuyển giá các IP.

Tiếp theo đó, vào năm 2020, Nghị định 132/2020/NĐ-CP được ban hành cũng góp phần kiểm soát hành vi chuyển lợi nhuận tránh thuế. Theo nghị định này, các MNC tại Việt Nam không chỉ phải báo cáo về hoạt động tại Việt Nam mà còn cần báo cáo cả về hoạt động của các chi nhánh khác trong tập đoàn trên toàn thế giới. Điều này có thể giúp theo dõi toàn diện dòng lợi nhuận, tài chính của MNC trên toàn cầu, khiến các doanh nghiệp tăng cường tuân thủ quy định hơn và giúp phát hiện, truy thu thuế kịp thời với những khoản lợi nhuận bị dịch chuyển bất thường.

Nghị định này là quy định nhằm ứng dụng vào thực thế hành động số 13 trong số 15 hành động được đề xuất bởi dự án Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (Base Erosion and Profit Shifting- BEPS) do OECD phát triển.

Trong nghiên cứu của mình, TS. Lê Mạnh Đức cho rằng thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax) cũng có thể là một công cụ để hạn chế chuyển lợi nhuận. Khi áp dụng thuế này, mỗi MNC đều phải nộp một mức thuế tối thiểu nhất định, hay nói một cách khác, dù có thể chuyển lợi nhuận đến thiên đường thuế để làm giảm lợi nhuận khai báo ở Việt Nam, doanh nghiệp vẫn phải đóng mức thuế này.

Đến ngày 1/1/2024, thuế tối thiểu toàn cầu đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Về tác động của loại thuế này, TS. Lê Mạnh Đức bình luận “Thuế tối thiểu này càng bổ sung thêm hiệu quả cho Nghị định 17 và Nghị định 20 để chống xói mòn cơ sở thuế, tôi rất lạc quan về hiệu quả chống xói mòn thuế mà GMT mang lại. Tuy nhiên, GMT cũng có thể làm chệch hướng dòng FDI, nghĩa là có tác động khác ngoài thuế, trước đây họ đầu tư vào mình vì mục đích thuế, thuế tăng lên có thể khiến họ không đầu tư nữa.”

Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)