Với nguồn sử liệu phong phú cùng những chuyến thực địa khắp thế giới, Simon Winchester đã làm rõ ham muốn sở hữu đất đai của con người biến đổi thế giới ra sao.

Thoạt nghe, cuốn sách có nhiều điểm chung với Khát khao cây cỏ (Phương Nam Books và NXB Thế giới, 2024) của cây bút nổi tiếng chuyên viết về thực phẩm Michael Pollan, khi bằng tham vọng có được ngày càng nhiều hơn các vị ngọt, vẻ đẹp, số lượng lớn và khả năng làm đê mê con người, mà các loài thực vật đại diện cho từng khát khao lần lượt là táo, tulip, khoai tây và cần sa đã “mượn” bàn tay con người để không ngừng sinh trưởng, tiến hóa và có mặt rộng khắp. Đất đai cũng vậy. Nó vốn bất động, vì vậy cần “mượn tay” con người, thông qua một thứ gần như bản năng luôn thúc đẩy loài Homo sapiens, chính là ham muốn sở hữu, để biến hóa.

"Land: How the Hunger for Ownership Shaped the Modern World" của Simon Winchester được xuất bản lần đầu vào năm 2021. Trong ảnh: Bản tiếng Việt. Tác giả: ĐTA
"Land: How the Hunger for Ownership Shaped the Modern World" của Simon Winchester được xuất bản lần đầu vào năm 2021. Trong ảnh: Bản tiếng Việt. Tác giả: ĐTA

Qua từng chương sách, Winchester - ký giả người Anh, từng theo học ngành Địa lý tại Đại học Oxford - đưa độc giả vào những giai đoạn mà đất đai tạo nên những biến động lớn và đặc biệt thú vị. Ông cho thấy chính ham muốn sở hữu đã “kiến tạo” nên những đường biên giới từ hơn 4.000 năm trước, khi con người từ bỏ hiểm nguy trong công việc săn bắt và hái lượm để chuyển sang chăn nuôi và nông nghiệp định cư. Ban đầu, những ranh giới ấy chỉ là những luống cày được xác định theo địa hình hoặc bằng thỏa thuận giữa các bên, để rồi dần dần hình thành những đường biên giữa các làng mạc, thành thị, hạt, tỉnh, bang và cuối cùng là cả quốc gia.

Những ham muốn sở hữu ấy đã tạo ra ngành vẽ bản đồ, thúc đẩy ngành địa lý phát triển, nhưng đồng thời gây ra rất nhiều nỗi đau. Chẳng hạn, Cyril Radcliffe - một luật sư xứ Wales chưa bao giờ tới Ấn Độ - lại được mẫu quốc giao cho nhiệm vụ vẽ đường biên giới chia cắt Ấn Độ và Palestine. Và không chỉ Ấn Độ - Palestine có đường biên giới gây tranh cãi, mà còn nhiều đường biên khác thay vì được xác định bởi điều kiện tự nhiên (như Trung Quốc-Ấn Độ bởi dãy Himalaya hay Chile-Argentina bởi dãy Andes) giờ được phân định mà cần không căn cứ vào điều kiện thực tế, khiến cho nhiều sự phi lý diễn ra. Đó là 111 vùng lãnh thổ “mồ côi” của Ấn Độ nằm bên trong Bangladesh và 51 vùng của Bangladesh thuộc địa phận Ấn Độ, khiến hơn 60.000 người trong hơn 160 vùng này bị ảnh hưởng mỗi ngày.

Đất đai và quyền sở hữu nó cũng làm nghiêm trọng thêm những mối quan hệ phức tạp giữa các chủng tộc, tôn giáo. Winchester dẫn ra, từ thế kỷ 15, các nhà cai trị Hồi giáo đã nghiêm ngặt cấm người nước ngoài mua đất trên vùng giờ đây là lãnh thổ của Israel, để rồi khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, thì những người Hồi giáo lại bị dồn ép do đất thuộc về người Do Thái ngày càng mở rộng, hình thành nên những xung đột vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Ông cũng nhắc đến một quãng lịch sử đen tối nhưng còn ít được biết đến, khi những người Nhật thế hệ đầu tiên di cư đến Mỹ bị xem là “lực lượng xâm lược bằng phương pháp hòa bình” vào đầu thế kỷ 20. Họ được cho là nhận tài trợ cũng như chỉ thị từ Tokyo với ý đồ thuộc địa hóa miền Tây nước Mỹ, khiến rất nhiều người bị đưa vào các trung tâm giam giữ, còn đất đai do họ trồng trọt, làm màu mỡ thêm thì bị chiếm dụng như cách những người từ cựu thế giới đã làm với người bản địa.

Winchester nhấn mạnh rằng việc những gia đình đổ về phía Tây nước Mỹ hai thế kỷ trước để hình thành nên nơi bây giờ là Oklahoma bằng trận “cưỡi ngựa giành chỗ” trên vùng thảo nguyên bao la, đồng nghĩa với việc đẩy người bản địa ra khỏi đất đai của tổ tiên mình. Đó cũng là cách người Anh từng bước lấy đất của người Maori ở New Zealand. Theo ông, có ba lý do để biện minh cho hành động cướp đoạt nói trên. Đầu tiên, nó xuất phát từ ý tưởng đất đai là của chung. Thứ hai, sách Sáng thế lập luận rằng phận sự của người Kitô giáo không chỉ là sở hữu đất, mà còn là cải tạo nó. Và cuối cùng, theo Học thuyết Khai phá của người Bồ Đào Nha từ thế kỷ 15, về cơ bản, nếu một quốc gia châu Âu may mắn phát hiện ra những vùng đất nước ngoài có người bản địa không theo Kitô giáo, thì họ có quyền không thể tranh cãi là sở hữu những đất đai ấy và thực dân hóa tộc người “không may mắn” đó.

Tương tự như số phận của người da đỏ và người Maori, cuộc rào đất ở Scotland vào đầu thế kỷ 19 cũng khiến hàng nghìn chủ trang trại nhỏ bị cưỡng bức di dời khỏi những mảnh đất mà họ mướn lại. Nguyên nhân là bởi khi cuộc cách mạng công nghiệp đến, người ta nhận ra có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn nếu dùng toàn bộ đất cho thuê để nuôi cừu, vì thịt và lông của chúng có giá trị. Sang thế kỷ 21, những tỷ phú, triệu phú giàu nhất thế giới tiếp tục thu về tay mình hàng ngàn mẫu đất rộng lớn, trong đó có nhiều khu vực từng là nơi lý tưởng cho mùa săn bắn hoặc dạo chơi... của nhiều cộng đồng.

Winchester dẫn dắt người đọc đến một câu hỏi, quyền thưởng thức thiên nhiên vốn dĩ thuộc về con người như quyền được sống, nhưng với những cuộc “rào đất” của giới nhà giàu thì liệu quyền trên có bị tước đoạt? Nan đề đó chưa có câu trả lời rốt ráo, chỉ chắc chắn một điều là nó đã thúc đẩy sự ra đời của ngành công nghiệp sản xuất dây thép gai! Nhưng ông cũng chỉ ra rằng, không phải tham vọng sở hữu đất đai nào cũng gây quan ngại qua trường hợp Hà Lan - nơi con người “đẻ” ra những vùng đất mà mọi người dân đều có phần.

Đồng thời, ông đặc biệt đánh giá cao mô hình của các đảo nhỏ, nơi quyền sở hữu cộng đồng đối với đất được ưu tiên khuyến khích. Ông dẫn ra câu chuyện về hòn đảo Ulva của Scotland, nơi từ sở hữu tư nhân giờ đây thuộc về cả sáu người sinh sống trên đảo. Trước đó, các chủ sở hữu tư nhân yêu cầu người dân không được nhặt củi từ biển dạt vào, không được chăn thả gia súc trên các đồng cỏ… với lý do những tài nguyên này thuộc về họ. Để nhân rộng mô hình này, chính quyền Scotland đã lập ra các quỹ hỗ trợ mua đất, giúp nhiều cộng đồng địa phương mua lại đất đai từ các chủ đất tư nhân như trường hợp của đảo Ulva.

Cách làm của Scotland đang lan dần đến Mỹ, khi đất do người địa phương trao tặng hoặc được mua lại bởi nguồn quỹ do dân địa phương huy động để trở thành khu vực công cộng, được dân địa phương quản lý sau đó thoải mái tiếp cận, ngày càng nhiều. Dẫu đây là một mô hình còn khá nhỏ lẻ và khó áp dụng cho số đông trong một thế giới mà sở hữu cá nhân đã trở thành xu thế chung và cách biệt giàu – nghèo còn quá lớn, nhưng ít ra Winchester cho thấy vấn đề sở hữu đất đai vẫn có hy vọng xóa bỏ được bớt các bất bình và phi lý.

Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)