Tình trạng giảm biên chế và cho nhân viên nghỉ phép không lương diễn ra ngày càng nhiều khi các tổ chức học thuật ở Mỹ phải đối mặt với viễn cảnh các nguồn tài trợ của liên bang tiếp tục bị cắt giảm sâu hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump
Công cuộc cắt giảm chi tiêu của Mỹ đang thúc đẩy các trường đại học trên khắp nước này ngừng tuyển dụng, hạn chế đi lại và tạm dừng tăng lương, thậm chí đang xem xét việc sa thải và cho nhân viên nghỉ không lương.
Việc chính quyền liên bang đe dọa sẽ cắt giảm sâu rộng hơn, khiến một số học giả lo lắng về tương lai của hệ thống học thuật nước Mỹ, vốn phụ thuộc vào nguồn tài trợ liên bang để cấp kinh phí cho mọi hoạt động, từ trợ cấp cho sinh viên sau đại học cho đến bảo dưỡng cơ sở vật chất và chi trả các hóa đơn tiện ích.
“Mô hình học thuật mà các trường đại học dựa vào để triển khai các nghiên cứu, tài trợ cho sinh viên và nghiên cứu sinh - tất cả đang lâm vào tình trạng khủng khoảng”. Aseem Prakash, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Washington ở Seattle cho biết.
Ngoài ra, 60 cơ sở giáo dục đại học đang bị điều tra vì nghi ngờ có sự quấy rối và phân biệt đối xử với người Do Thái. Bộ Giáo dục đã viện dẫn các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều trường đại học sau khi Israel xâm lược Gaza vào năm 2023 để đáp trả các cuộc tấn công của Hamas.
Theo một tuyên bố chính thức, chính quyền đã hủy bỏ 400 triệu USD tài trợ và các hợp đồng liên bang cho Đại học Columbia ở thành phố New York “do trường không có hành động bảo vệ sinh viên Do Thái khỏi bị phân biệt đối xử”.
“Cuộc tấn công của chính quyền liên bang đến các tổ chức học thuật đang diễn ra với tốc độ và phạm vi chưa từng thấy trước đây”, Daniel Greene, một nhà khoa học thông tin tại Đại học Maryland ở College Park cho biết.
Thị trường việc làm ảm đạm
Để ứng phó với việc cắt giảm tài trợ và những lo ngại trong tương lai, một số nơi như Đại học Pittsburgh ở Pennsylvania đã thông báo ngừng tuyển dụng ở tất cả vị trí. Viện Liên ngành trí tuệ nhân tạo tại Maryland từng lên kế hoạch tuyển dụng 40 giảng viên trong các lĩnh vực kỹ thuật chip, mạng neuron, khoa học chính trị, lịch sử và sức khỏe. “Giờ đây, con số đó sẽ giảm xuống còn ba hoặc bốn” giảng viên, Daniel Greene, một nhà khoa học thông tin tại Đại học Maryland ở College Park cho biết.
Các trường khác như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Cambridge và Đại học Pennsylvania, đã ngừng tuyển dụng chủ yếu ở những vị trí không phải là giảng viên.
Các trường đại học cũng áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm khác nhau, bao gồm hủy bỏ việc tăng lương và thăng chức, yêu cầu hạn chế hoạt động đào tạo và đi lại không cần thiết. Các khoản ngân sách dành cho hội nghị, và sự kiện - “những hoạt động giúp mọi người gắn kết hơn cũng bị cắt bỏ. Việc cắt giảm này sẽ tác động nhiều về mặt tinh thần”, Jevin West, một nhà khoa học tính toán tại Đại học Washington cho biết.
Các trường đại học đang tạm dừng chi trả các khoản phí thành viên, hội viên và phí đăng ký, và một số trường đang xem xét lại các khoản chi cho việc cải tạo hoặc xây dựng các tòa nhà mới.
Đại học Washington đang hạn chế các nhà nghiên cứu sử dụng tiền tài trợ cho đến khi ngân sách về. “Đây là một vấn đề lớn”, West nói. “Việc ngừng lại như vậy thực sự làm chậm quá trình nghiên cứu”.
Hạn chế nhân tài
Một lượng lớn các trường đại học đang hạn chế tuyển sinh sau đại học. Nhiều khoa tại MIT đã giảm bớt số lượng tuyển sinh sau đại học trong năm nay. Phòng Nghiên cứu khoa học sức khỏe và giáo dục sau đại học thuộc Đại học West Virginia tại Morgantown đã hủy bỏ thư mời nhập học với những sinh viên chưa trả lời thư chấp nhận. Vài chục ứng viên của Khoa Sau đại học về khoa học y sinh Morningside, thuộc Trường Y khoa UMass Chan tại Worcester, Massachusetts, đã nhận được thông báo hồi đầu tháng ba rằng thư mời nhập học tạm thời của họ đã bị hủy bỏ.
Các khoa sau đại học thuộc Đại học Harvard tại Cambridge sẽ từ chối tất cả ứng viên trong danh sách chờ - theo một email do Hopi Hoekstra, Trưởng khoa Nghệ thuật và khoa học tại Harvard, gửi cho các giảng viên trong khoa. “Với tình hình ở Washington DC, tôi không biết trường đại học có thể làm gì khác”, Michael Desai, đồng giám đốc nghiên cứu sau đại học tại Khoa Sinh học tiến hóa và Sinh vật của Harvard, bày tỏ. Tuy nhiên, ông cho biết, chính sách này đang “ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân tài khoa học tại Mỹ”.
Quyết định khó khăn
Hầu hết các trường đại học đã cố gắng duy trì đội ngũ hiện tại, nhưng có lẽ không giữ được lâu. Trong một email gửi cho toàn thể nhân viên vào ngày 11/3, Michael Collins, Hiệu trưởng Trường Y khoa UMass Chan, cho biết “thật không may, các đợt nghỉ phép không lương và cắt giảm theo kế hoạch sẽ là điều cần thiết”.
Các giảng viên đại học đang phải đưa ra những quyết định khó khăn. Chẳng hạn, họ phải lựa chọn giữa việc hỗ trợ toàn bộ đội ngũ nghiên cứu của mình trong một thời gian ngắn hay chỉ hỗ trợ những cá nhân xuất sắc nhất trong thời gian dài hơn.
Tuy nhiên, một số trường đại học đã phải cắt giảm mạnh. Đáng chú ý nhất là Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, đã bị cắt giảm hơn 800 triệu USD tiền tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sa thải 1.975 nhân viên quốc tế và 247 nhân viên Mỹ.
Richard Chaisson, một nhà dịch tễ học và bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Trường Y thuộc Đại học Johns Hopkins, người đứng đầu một sáng kiến nghiên cứu lớn về bệnh lao do USAID tài trợ, đã phải sa thải 15 nhân viên của mình tại Baltimore và nhiều nơi khác. Theo thông tin của trường, 100 nhân viên quốc tế và trong nước sẽ bị cho nghỉ việc tạm thời.
Đại học Washington “đang cảm thấy đau đớn”, West nói. “Tôi chưa từng thấy sự bất an như vậy trong các trường đại học trước đây”.
Nguồn: Nature
Bài đăng KH&PT số 1337 (số 13/2025)