Vụ gian lận tài chính do một trong những công ty khởi nghiệp triển vọng nhất Indonesia thực hiện có thể gây ra hiệu ứng lan tỏa đến ngành công nghệ thực phẩm ở Đông Nam Á.

eFishery là vụ bê bối khởi nghiệp ở Indonesia. Nguồn: Getty
eFishery là vụ bê bối khởi nghiệp ở Indonesia. Nguồn: Getty

Vụ bê bối tài chính liên quan đến eFishery - startup về nuôi trồng thủy sản nổi tiếng của Indonesia đã khiến hệ sinh thái công nghệ thực phẩm ở Đông Nam Á chao đảo.

Ra đời từ năm 2013, eFishery nổi tiếng với giải pháp nuôi cá thông minh, trở thành một trong những startup công nghệ nông nghiệp hàng đầu của Indonesia. Startup này đạt đến trạng thái kỳ lân vào năm 2023 sau khi huy động được 200 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D.

eFishery tuyên bố họ đã xây dựng một “hệ sinh thái nuôi trồng thủy sản bền vững”. Một trong những loài thủy sản mà họ hướng đến là tôm - loài động vật được nuôi trồng nhiều nhất trên thế giới. Khoảng 440 tỷ con tôm được nuôi và tiêu thụ mỗi năm, chiếm hơn một nửa tổng số động vật được nuôi trồng trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, startup này đang bị điều tra vì hành vi lừa dối về hiệu quả tài chính của mình. Các nhà đồng sáng lập eFishery - Gibran Huzaifah và Chrisna Aditya, đã thổi phồng doanh thu của công ty lên gần 600 triệu USD trong chín tháng đầu năm 2024. Họ cũng tuyên bố đã kiếm được 16 triệu USD lợi nhuận trong giai đoạn này, trong khi thực tế lỗ 35,4 triệu USD.

Hội đồng quản trị của eFishery đã bổ nhiệm công ty tư vấn kinh doanh FTI Consulting (Singapore) để quản lý tạm thời công ty. Chia sẻ trên Bloomberg, FTI Consulting cho rằng ở trạng thái hiện tại, startup này không còn khả thi về mặt thương mại, dự kiến mỗi nhà đầu tư mạo hiểm sẽ chỉ nhận được khoảng 9 xu cho mỗi đô la đầu tư.

Một sự thật đáng buồn là những trường hợp tương tự không còn hiếm gặp trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Đông Nam Á. “Điều này thường xảy ra khi các startup đứng trước áp lực phải đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, nên họ đã thổi phồng số liệu. Tuy nhiên, nếu chọn con đường này, họ sẽ rất khó quay đầu lại. Mỗi kỳ kế toán tiếp theo đòi hỏi phải điều chỉnh thêm, dẫn đến hiệu ứng quả cầu tuyết lăn và cuối cùng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như những gì đang diễn ra tại eFishery”, Jonah van Beijnen, chuyên gia nuôi trồng thủy sản, người sáng lập công ty tư vấn VB Consultancy, chia sẻ trên The Fish Site. “Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là vụ việc này có thể xảy ra dù có nhiều nhà đầu tư uy tín và giàu kinh nghiệm tham gia”.

"eFishery đang phải đối mặt với một thách thức lớn gây tổn hại đến danh tiếng của công ty, đồng thời ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, đặc biệt là những công ty đang trong giai đoạn gây quỹ”, Dina Dellyana, người đứng đầu chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Viện Công nghệ Bandung (Indonesia).
"eFishery đang phải đối mặt với một thách thức lớn gây tổn hại đến danh tiếng của công ty, đồng thời ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, đặc biệt là những công ty đang trong giai đoạn gây quỹ”, Dina Dellyana, người đứng đầu chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Viện Công nghệ Bandung (Indonesia).

Việc một công ty nổi bật như eFishery - được coi là hình mẫu cho các công ty khởi nghiệp thành công, lại vướng vào một vụ bê bối như vậy là tin xấu đối với hệ sinh thái công nghệ thực phẩm và công nghệ khí hậu của Đông Nam Á. Các nhà đầu tư vốn đã thận trọng có thể sẽ mất dần niềm tin vào các startup trong lĩnh vực này ở Đông Nam Á.

Thu hút vốn đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á đang chững lại

Dù châu Á từng dẫn đầu về đầu tư cho công nghệ thực phẩm, nhưng nơi đây đã tụt lại so với Bắc Mỹ kể từ sau đại dịch - theo công ty tư vấn DigitalFoodLab. Matthieu Vincent, nhà đồng sáng lập công ty này, cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ sự suy giảm nguồn vốn đầu tư cho các startup giao hàng và “sự nghi ngờ từ các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng đầu tư ở Trung Quốc”.

Chia sẻ với Green Queen hồi tháng chín năm ngoái, ông cho biết có nhiều điểm sáng ở châu Á, từ Singapore đến Indonesia. Tuy nhiên, vụ bê bối eFishery đã làm dấy lên những nghi ngờ mới về khả năng thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm của ngành này.

“eFishery đang phải đối mặt với một thách thức lớn gây tổn hại đến danh tiếng của công ty, đồng thời ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, đặc biệt là những công ty đang trong giai đoạn gây quỹ”, Dina Dellyana, người đứng đầu chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Viện Công nghệ Bandung (Indonesia), cho biết. “Nhiều công ty khởi nghiệp hiện đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn gia tăng do vấn đề này”.

Theo DealStreetAsia, trong năm 2024, tổng số lượng giao dịch vốn đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á đã giảm 10% so với năm trước, trong khi giá trị giao dịch giảm mạnh 42% xuống còn 4,6 tỷ USD. Con số này chỉ bằng 55% số vốn huy động được vào năm 2020, năm đầu tiên xảy ra dịch COVID-19, và chỉ bằng một phần năm so với mức đỉnh năm 2021.

Kết quả này cũng tương đồng với số liệu trong Báo cáo về vốn đầu tư mạo hiểm tại các thị trường mới nổi năm 2024 của MAGNiTT - nền tảng cung cấp dữ liệu về nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, startup và nhà đầu tư. Cụ thể, báo cáo của MAGNiTT cho thấy tổng vốn đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á đã giảm 45%, trong đó cả số lượng thoái vốn và số lượng giao dịch đều giảm lần lượt hơn 30% và 20%.

“Các nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng hơn trong tương lai. Hiện tại, một số nhà đầu tư có thể hoãn hoặc hủy bỏ các kế hoạch đầu tư của họ vào lĩnh vực công nghệ”, Dellyana cho biết. “Trong kỷ nguyên số hiện nay, công nghệ vẫn là yếu tố không thể thiếu. Tương lai của hệ sinh thái công nghệ sẽ phụ thuộc phần nhiều vào chất lượng của các công ty khởi nghiệp có thể vượt qua những thách thức này”.

Những tác động khi thắt chặt quy định

Bản thân eFishery cũng nhận thấy những cáo buộc về hành vi sai trái của mình sẽ ảnh hưởng đến các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu trong khu vực. “Ngoài tập đoàn của chúng tôi, chúng tôi cũng thừa nhận những tác động lớn với hệ sinh thái khởi nghiệp của Indonesia và những cộng đồng liên quan”, hội đồng quản trị của công ty bày tỏ trong một tuyên bố gửi cho hãng tin CNBC.

“Những thông tin gần đây về các hành vi sai trái (bao gồm cả gian lận) trong tập đoàn đã khiến tất cả chúng tôi vô cùng nản lòng và có thể làm giảm niềm tin vào môi trường đầu tư của Indonesia, nơi có các công ty con thuộc tập đoàn của chúng tôi”.

Phát biểu trên podcast công nghệ châu Á Brave, Gita Sjahrir, Giám đốc đầu tư tại BNI Ventures, cho biết bà rất thất vọng khi vụ bê bối của eFishery “đã tác động đến toàn bộ hệ sinh thái”.

“Những gì đã xảy ra không chỉ là hậu quả với một công ty. Về cơ bản, nó ảnh hưởng đến mọi kỳ lân, và gần như toàn bộ Indonesia. Thực tế là vậy, mọi người đang nghi ngờ về vấn đề quản trị và hệ thống, bởi vụ gian lận này dường như có hệ thống, kéo dài từ năm 2018”, bà nói.“Ngoài ra, điều này còn khiến các nhà đầu tư băn khoăn khi đầu tư vào Indonesia cũng như bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến nông nghiệp và thủy sản - một trong những ngành mang lại doanh thu lớn nhất cho đất nước”.

“Làm sao công ty có thể vượt qua được các biện pháp kiểm toán trong sáu năm qua? Tại sao các nhà quản lý khác trong công ty không cảnh báo sớm hơn? Nếu thực sự có sự khác biệt lớn như vậy giữa doanh thu thực tế và doanh thu trên giấy tờ, thì những người ở vị trí lãnh đạo trong công ty và các nhà đầu tư nhạy bén hẳn đã nhận thấy điều gì đó không ổn?”, Jonah van Beijnen bày tỏ. “Vụ việc của eFishery cho thấy những vấn đề mang tính hệ thống trong kiểm toán, giám sát, quản trị và thẩm định. Qua câu chuyện này, các nhà đầu tư nên chú ý thiết lập những cơ chế quản trị và giám sát chặt chẽ hơn”.

Sự nghi ngờ về vấn đề quản trị là điều hợp lý, bởi eFishery không phải là công ty khởi nghiệp duy nhất của Indonesia vi phạm các quy định của thị trường. KoinP2P, một công ty con của nền tảng công nghệ tài chính KoinWorks, bị mất gần 23 triệu USD do sự gian lận của các bên cho vay, trong khi một công ty cho vay ngang hàng khác là Investree đã bị thu hồi giấy phép hoạt động vì không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu sau khi CEO của Investree bị cáo buộc biển thủ tiền của công ty và bỏ trốn.

Những tia hy vọng


Vụ bê bối của eFishery xảy ra vào thời điểm dân số trung lưu của Indonesia đang suy giảm, với mức giảm khoảng 20% trong sáu năm qua. Theo Financial Times, đây là hậu quả do thiếu việc làm chính thức và thiếu các ngành công nghiệp có thu nhập cao hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tăng GDP và thu hút đầu từ nước ngoài ở nước này.

Nhưng vụ việc của eFishery vẫn có thể mang lại những điểm tích cực cho nền kinh tế khởi nghiệp ở Đông Nam Á - khu vực đông dân thứ ba trên thế giới. “Về lâu dài, đây là điều tốt. Các công ty cần xem xét kỹ hơn vấn đề quản trị. Các nhà đầu tư phải quan tâm và cập nhật thường xuyên hơn về tình hình phát triển của các công ty khởi nghiệp”, Justin Hall, đối tác tại Golden Gate Ventures, nói với CNBC.

“Cần phải có các khoản thoái vốn trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Chúng ta cần có các công ty thực sự có khả năng trả lại tiền cho các nhà đầu tư và các đối tác hữu hạn (limited partner: nhà đầu tư góp vốn cho quỹ)”, ông nói thêm.

Bất chấp sự suy giảm về nguồn vốn, những vấn đề của hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm nói chung có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến lĩnh vực công nghệ thực phẩm nông nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một báo cáo của quỹ AgFunder cho thấy dù số vốn đầu tư ở đây vẫn thấp hơn năm 2020, nhưng số lượng các giao dịch trong ba quý đầu năm 2024 (616) đã vượt qua tổng số lượng giao dịch mỗi năm trong ba năm qua. Điều này cho thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn quan tâm đến lĩnh vực này, nhưng thận trọng hơn trong việc đầu tư số tiền lớn cho các startup.

Số liệu của AgFunder cũng nhấn mạnh một số điểm sáng trong các lĩnh vực thực phẩm sáng tạo và công nghệ mới, đã thu hút 279 triệu USD vốn đầu tư vào cuối tháng 10 năm 2024, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Một điều quan trọng là không phải tất cả nhân viên của eFishery đều biết hoặc thực hiện hành vi gian lận - trách nhiệm thực sự nên thuộc về cấp cao nhất, theo một cựu giám đốc sản phẩm tại eFishery. “Chúng tôi biết rằng chính phủ hiện đang quan tâm đến hiện đại hóa và số hóa, cũng như lĩnh vực thực phẩm. eFishery thuộc về cả hai lĩnh vực này”, cựu nhân viên, người đã rời công ty vào tháng trước, đã viết trên mạng xã hội. “Đừng để sự sụp đổ của eFishery giết chết hy vọng và tinh thần chiến đấu của các startup trong lĩnh vực quan trọng này”.

Nguồn: Green Queen, The Fish Site, CNBC

Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)