Các nghiên cứu của McCully cho thấy thiếu vitamin B có thể gây ra tình trạng xơ cứng động mạch. Tuy nhiên, ông lại bị tẩy chay vì kết quả này. Phải mất hàng chục năm sau ngành y mới công nhận phát hiện của ông.

Cuối những năm 1960, nhà bệnh lý học Kilmer S. McCully tình cờ biết tới homocysteine tại một hội nghị y khoa ở Boston. Tại đây, ông được nghe về căn bệnh di truyền homocystine niệu (homocystinuria), trong đó người ta tìm thấy nồng độ homocysteine cao trong nước tiểu của một số trẻ em bị chậm phát triển.

Homocysteine ​​là một acid amin chứa gốc sunfat được hình thành trong quá trình chuyển hóa methionin thành cysteine. Ở người khỏe mạnh, homocysteine được chuyển đổi thành sản phẩm lành tính. Nhưng khi không được chuyển hóa đúng cách, homocysteine sẽ bị tích tụ bên trong cơ thể và gây hại.

Khi trình bày trường hợp homocystin niệu ở một bé gái 9 tuổi, các bác sĩ đã đề cập tới chuyện người chú của cháu bé đã qua đời vì đột quỵ trong những năm 1930, khi mới 8 tuổi và cũng mắc căn bệnh này.

Khi tiến sĩ McCully tìm được báo cáo tử thi và các mẫu mô, ông vô cùng kinh ngạc khi phát hiện: bé trai bị xơ cứng động mạch, nhưng không có cholesterol hay chất béo trong mảng bám tích tụ. Vài tháng sau, ông nghe được thông tin về một bé trai mắc homocystine niệu mới qua đời, cậu bé cũng bị xơ cứng động mạch.

Năm 1969, tiến sĩ McCully đăng một bài báo về những trường hợp này trên tạp chí Bệnh học Hoa Kỳ. Năm tiếp theo, cũng trên tạp chí này, ông mô tả tình hình của những con thỏ bị ông tiêm homocysteine liều cao. “Động mạch chủ của tất cả 13 con thỏ tiêm homocysteine đều dày lên so với nhóm đối chứng”, ông cho biết.

Tiến sĩ McCully tiếp tục tiến hành nhiều nghiên cứu khác. Ông đưa ra lý thuyết: việc bổ sung không đủ một số loại vitamin B nhất định sẽ khiến nồng độ homocysteine tăng cao trong máu, gây xơ cứng động mạch bằng mảng bám. Ông đề xuất rằng những người hấp thụ ít axit folic và vitamin B6 và B12 nên tiêu thụ năm khẩu phần trái cây và rau củ mỗi ngày. Ông cũng khuyến nghị các bệnh viện nên phát triển xét nghiệm máu để tìm homocysteine.

Ý tưởng này đã thách thức mô hình tập trung vào cholesterol được ngành dược phẩm ủng hộ. Dù McCully không nêu chủ trương bỏ qua cholesterol, nhưng ông cho rằng các bác sĩ không nên coi nhẹ tầm quan trọng của homocysteine.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của ông lại vấp phải “sự im lặng lạnh lùng” từ cộng đồng y khoa. Thậm chí, ông còn bị đồng nghiệp và cấp trên tẩy chay, “lưu đày” ông xuống làm việc dưới tầng hầm vì khăng khăng rằng homocysteine là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim. Tiến sĩ McCully kể lại, vào năm 1979, chủ nhiệm khoa tại Trường Y Harvard nói với ông rằng: “Chúng tôi cảm thấy ông chưa chứng minh được lý thuyết của mình” và yêu cầu ông rời đi. Ông quyết định nghỉ việc và thất nghiệp cho đến năm 1981, khi một bệnh viện Cựu chiến binh ở Providence, Rhode Island mời ông về làm việc.

“Thật đau lòng làm sao”, ông chia sẻ với phóng viên y tế Gina Kolata của tờ New York Times vào năm 1995. “Không ai tin tôi hết. Mọi người nghĩ tôi điên rồi”.

Nhà bệnh học Kilmer S. McCully (1934-2025) bị cộng đồng khoa học ruồng rẫy bởi ý tưởng thách thức của mình.
Nhà bệnh học Kilmer S. McCully (1934-2025) bị cộng đồng khoa học ruồng rẫy bởi ý tưởng thách thức của mình.

Mãi tới đầu những năm 1990, gần ba mươi năm sau khi lý thuyết về homocysteine ra đời, cảnh ngộ của tiến sĩ McCully mới bắt đầu thay đổi. Khi ấy, nhiều nghiên cứu trên quy mô lớn và kéo dài nhiều năm về các nguy cơ mắc bệnh tim hé lộ rằng trên thực tế, tiến sĩ McCully đã đi đúng hướng khi Harvard quay lưng lại với ông. Cuối cùng, McCully đã nhận được sự công nhận mà gia đình và nhiều đồng nghiệp của ông cho rằng là quá muộn màng.

Dữ liệu từ Nghiên cứu Tim Framingham, một nghiên cứu bắt đầu từ năm 1948 và vẫn được tiến hành tới ngày nay, đã cho thấy tỷ lệ xơ cứng động mạch kết nối với não bộ cao hơn ở những người tham gia có nồng độ homocysteine cao. Một nghiên cứu khác từ Trường Y tế Công cộng Harvard và Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston phát hiện những người đàn ông có nồng độ homocysteine cao có nguy cơ bị đau tim cao gấp ba lần so với những người có nồng độ homocysteine thấp hơn.

Sau khi kết quả từ những nghiên cứu này ủng hộ lý thuyết của mình, tiến sĩ McCully đã trở thành một ngôi sao truyền thông. Năm 1997, ông viết cuốn sách “Cuộc cách mạng Homocysteine”. Cuốn sách đã thu hút được nhiều sự chú ý của giới truyền thông với các bài báo trên tờ uy tín như New York Times, Newsweek, Time và một số bản tin sức khỏe quốc gia. Tạp chí New York Times đã giới thiệu ông trong một bài báo với tiêu đề “Sự sụp đổ và trỗi dậy của Kilmer McCully”.

Trong cuốn sách mang tính đột phá này, tiến sĩ McCully giải thích những gì thực sự ẩn sau đại dịch bệnh tim. Trong nhiều năm, tắc nghẽn động mạch bị coi là nguyên nhân gây bệnh tim, thay vì là triệu chứng. Tiến sĩ McCully chỉ ra cách giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách kiểm soát thủ phạm thực sự, homocysteine. Đây được coi là một trong những đột phá y khoa quan trọng nhất trong những năm gần đây.

Kilmer Serjus McCully sinh ngày 23/12/1933 trong một gia đình trí thức. Cha ông, Harold McCully, là một chuyên gia về tâm lý tư vấn cho Bộ Giáo dục Hoa Kỳ. Còn mẹ ông, bà Lulu (Litwinenco) McCully, là một nghệ sĩ và giáo viên dạy piano.

Ở tuổi niên thiếu, Kilmer mê mẩn cuốn sách “Những người săn vi khuẩn” (1926) của nhà vi sinh vật học người Mỹ Paul de Kruif. Nội dung cuốn sách kể về Pasteur, Walter Reed, Robert Koch và những người đã nghiên cứu các căn bệnh truyền nhiễm. Từ đó, ông biết mình muốn trở thành nhà khoa học.

McCully học ngành hóa sinh, tâm lý học và hóa học tại Harvard, được theo học B.F. Skinner – người được coi là nhà tâm lý học có sức ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, theo một khảo sát về các nhà tâm lý học năm 2002. McCully lấy bằng cử nhân năm 1955 và tiếp tục học tại đây để lấy bằng y vào bốn năm sau đó.

Sau thời gian thực tập và nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, tiến sĩ McCully tới công tác tại khoa bệnh lý của Trường Y Harvard vào năm 1965, nơi ông phát triển lý thuyết mới về tác nhân gây bệnh tim và bị tẩy chay.

Sau này, homocysteine vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong giới y học. Các tổ chức y tế lớn không khuyến nghị xét nghiệm homocysteine, trích dẫn các kết quả trái chiều từ những nghiên cứu tìm hiểu xem liệu việc giảm nồng độ homocysteine có dẫn tới giảm các biến cố tim mạch hay không. Mặc dù có những bằng chứng mạnh mẽ hơn cho thấy homocysteine có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ.

Nguồn:

nytimes.com, Lancet

Bài đăng KH&PT số 1337 (số 13/2025)