Việc lệ thuộc vào công nghệ Mỹ đang đẩy châu Âu vào tình thế nguy hiểm.
Trong nhiều thập kỷ, châu Âu đã thận trọng trước sức mạnh công nghệ của Mỹ, nên đã tiến hành điều tra và phạt các doanh nghiệp lớn nhất của nước này. Nhưng bất chấp những cuộc thảo luận kéo dài nhiều năm về quyền tự chủ chiến lược, châu Âu vẫn phụ thuộc phần lớn vào các dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ.Amazon, Google và Microsoft vẫn chiếm gần 70% thị phần điện toán đám mây châu Âu, trong khi nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu chỉ chiếm 2%.
Giờ đây, trước sự thất thường của Hoa Kỳ, đôi khi thù địch với EU, các nghị sĩ châu Âu đang thúc giục Liên minh châu Âu (EU) tăng cường khả năng độc lập công nghệ trước Mỹ.
Những rủi ro nghiêm trọng
“Đã đến lúc phải giải quyết cuộc đối đầu về công nghệ”, Alexandra Geese, một thành viên của Nghị viện châu Âu, thuộc Đảng Xanh, cho biết. “Chính quyền Mỹ đang muốn thay đổi chế độ ở châu Âu. Họ muốn các đảng độc tài, cực hữu lên nắm quyền”.
Các nghiên cứu cho thấy trong chiến dịch bầu cử ở Đức gần đây, mạng xã hội X đã dành nhiều sự chú ý hơn cho các bài đăng từ Alternative for Germany (AfD), một đảng cực hữu được Elon Musk, chủ sở hữu của X ủng hộ. Nghiên cứu phát hiện sự nổi bật của các bài viết này không chỉ đến từ số lượt tương tác.
“Công nghệ sẽ là công cụ giúp họ thay đổi chế độ ở châu Âu”, bà lập luận. Theo Geese, Ủy ban châu Âu nên điều tra toàn diện các nền tảng truyền thông xã hội lớn để tìm hiểu nguyên nhân tại sao thông tin sai lệch lan truyền nhiều hơn thông tin chuẩn, và thay thế các thuật toán gây ra tình trạng này.
Các giám đốc điều hành và các nhà hoạch định chính sách châu Âu cho rằng các doanh nghiệp của họ “không còn an toàn nữa” vì dựa vào dữ liệu, AI hoặc các công cụ kỹ thuật số khác của Mỹ.
Tại một hội nghị gần đây giữa các nhà cung cấp dịch vụ đám mây châu Âu, các giám đốc điều hành đã bày tỏ lo ngại về việc đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh. “Một rủi ro nghiêm trọng là các dữ liệu này có thể bị ngắt, hoặc bị chính quyền Mỹ sử dụng”, Geese nhận xét.
Sáng kiến EuroStack
Việc châu Âu sẽ thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ Mỹ như thế nào và cần bao nhiêu tiền, vẫn còn là một ẩn số.Đây là một con đường đầy chông gai - EU sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi phát động một cuộc đối đầu với các công ty công nghệ Mỹ, trong khi cố gắng cứu vãn sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.
Một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với châu Âu hiện nay là xây dựng một hệ thống vệ tinh và quân sự độc lập, thay thế cho Starlink của Elon Musk. Gần đây, ba tập đoàn lớn về quốc phòng và hàng không vũ trụ của châu Âu gồm Leonardo, Airbus và Thales, đã thảo luận về việc xây dựng liên minh vệ tinh.
Với mục tiêu tăng cường khả năng tự chủ kỹ thuật số của EU, các học giả và nhà hoạch định chính sách châu Âu đã đề xuất sáng kiến EuroStack. Trong đó, họ vạch ra một hệ thống công nghệ tự chủ hơn, từ nguyên liệu thô trong sản xuất pin cho đến phần mềm cần thiết để điều hành doanh nghiệp.
Báo cáo EuroStack cũng đề xuất Quỹ công nghệ quốc gia châu Âu sẽ hỗ trợ bước đầu 10 tỷ Euro cho quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, ước tính sẽ cần 300 tỷ Euro trong một thập kỷ để đạt được toàn bộ mục tiêu, bao gồm cả nguồn vốn từ khu vực tư nhân.
Theo Martin Hullin, giám đốc chương trình số hóa ở tổ chức Bertelsmann Stiftung, châu Âu không cần phải làm theo mô hình của Mỹ - xây dựng các công ty công nghệ khổng lồ với quy mô kinh tế lớn. Ông cho rằng sự hợp tác giữa các công ty quy mô vừa ở châu Âu, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật số chung, có thể cạnh tranh với những gã khổng lồ của Mỹ.
EuroStack cũng quan tâm đến các giải pháp nguồn mở, thay vì các giải pháp riêng. “Chúng tôi muốn xây dựng một thế giới kỹ thuật số khác, dựa trên các tiêu chuẩn mở, nguồn mở, các mô hình kinh doanh công bằng, nơi mọi người đều có thể tham gia và đóng góp”, Geese nói.
Bà cũng đề xuất các quy tắc mua sắm công cần yêu cầu các nước châu Âu phải mua dung lượng lưu trữ đám mây và các công cụ kỹ thuật số từ các nhà cung cấp EU, thay cho Mỹ. “Chúng ta có những công nghệ tốt ở châu Âu. Điều chúng ta thiếu là nhu cầu thị trường”, bà nói.
Trong khi đó, một nhiệm vụ quan trọng khác là hoàn thành Liên minh thị trường vốn châu Âu, cho phép lưu thông tài chính tự do hơn qua biên giới, và dòng tiền của châu Âu chảy vào các công ty châu Âu, thay vì các công ty Mỹ. “Đây là bước đầu tiên hướng tới chủ quyền kỹ thuật số”,Brando Benifei, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Hoa Kỳ, thuộc Nghị viện châu Âu, cho biết.
Châu Âu cũng có thể hợp tác với các quốc gia khác, chẳng hạn như Brazil và Ấn Độ, những quốc gia cũng muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, theo Cecilia Rikap, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện Đổi mới và mục đích công thuộc trường ĐH London (UCL), một trong những người tham gia xây dựng EuroStack.
Liệu những động thái thúc đẩy chủ quyền kỹ thuật số của châu Âu có được các đảng phái và chính phủ cực hữu đang nổi lên ủng hộ hay không? Rất có thể, họ sẽ có cùng quan điểm tư tưởng với chính quyền Mỹ hiện nay, và sẵn sàng cắt giảm các thỏa thuận, làm suy yếu sự thống nhất của EU. Ngay sau khi Trump nhậm chức, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã ký một thỏa thuận Starlink với Musk, dù thỏa thuận này vẫn chưa hoàn tất và đối mặt với sự phản đối dữ dội trong nước.
Tuy nhiên, các đảng cực hữu cũng thường quan tâm đến chủ quyền quốc gia. Ví dụ, độc lập khỏi quyền lực của Mỹ từ lâu đã là giấc mơ của những người theo chủ nghĩa dân tộc Pháp.
Sarah Knafo, một trong những nghị sĩ châu Âu thuộc đảng cực hữu Reconquête của Pháp, một trong số ít chính trị gia Pháp tham dự lễ nhậm chức của Trump, đã trình lên Nghị viện châu Âu báo cáo về chủ quyền công nghệ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số châu Âu, nêu lên những lo ngại tương tự như Geese và các nghị sĩ cánh tả khác.
Nhưng Geese và Benifei vẫn lo ngại các đảng cực hữu của châu Âu có thể sẽ đi theo sự dẫn dắt của Trump và Musk. Các đảng cực hữu “muốn Elon Musk quảng bá [cho họ] trên Twitter (nay là mạng xã hội X)”, Geese lập luận. “Họ sẽ chiến đấu vì quyền lực của họ. Và họ biết chúng đến từ đâu: từ các mạng xã hội”.
Nguồn: Science Business
Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)