Cà Mau có hơn 271 nghìn ha nuôi cua với nhiều hình thức nuôi khác nhau như tôm – cua, sò – tôm – cua,… Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, xuất hiện hiện tượng cua nuôi thương phẩm chết không rõ nguyên nhân.
Hiện tượng này diễn ra tại các huyện như Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Thông thường, thời điểm trước khi xảy ra hiện tượng cua bị bệnh và chết, thời tiết khí hậu thay đổi bất thường như nắng gắt, mưa nhiều, mưa trái mùa, lạnh vào sáng sớm,...
Trước thực tế nêu trên, Sở KH&CN Cà Mau đã giao Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu thực hiện đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây chết cua biển và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã xác định được ba nhóm tác nhân chính tìm thấy trên mẫu cua bệnh gồm vi khuẩn Vibrio spp., nội ký sinh trùng Portunion conformis và nấm Fusarium sp.
Trong đó, vi khuẩn Vibrio spp. gây hoại tử gan, là tác nhân chính khiến cua chết hàng loạt. Nội ký sinh trùng Portunion conformis xuất hiện trong xoang cua nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ những năm 2020 đến nay, làm suy giảm sức đề kháng và dẫn tới chết cua. Nấm Fusarium sp. ký sinh trên mang cua, gây hiện tượng đen và làm tổn thương mang cua, nhưng không phải nguyên nhân chính dẫn tới chết hàng loạt.
Hiện tượng cua chết xảy ra nhiều từ năm 2020 đến nay. Ảnh: Internet
Theo nhóm thực hiện đề tài, thời điểm từ tháng Hai - tháng Sáu dương lịch, thời tiết nắng nóng, môi trường nước nuôi có độ mặn tăng cao (17-31‰) là thời điểm thuận lợi cho hai tác nhân chính là nội ký sinh trùng Portunion conformis và vi khuẩn Vibrio spp. phát triển mạnh.
Vibrio sp. vốn sẵn có trong nước lợ, nước mặn nuôi thủy sản và hiện diện trong cua khỏe với mật độ 102-103 CFU/g; bệnh xảy ra khi mật độ vi khuẩn Vibrio sp. lên đến 105 CFU/g (do điều kiện xấu đi: ô nhiễm nước, độ mặn thay đổi, nhiệt độ cao,...) và khi đó việc trị bệnh không hiệu quả, cho dù có dùng kháng sinh hay thảo dược. Bởi vậy, để phòng tác nhân Vibrio sp., cần kiểm soát mật độ vi khuẩn trong môi trường nước ngay từ khâu cải tạo môi trường và xử lý nước nuôi trong vuông trước mỗi vụ thả giống.
Với mô hình nuôi cua quảng canh kết hợp tôm, cá,... trên diện tích rộng, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần áp dụng biện pháp sinh học để khống chế Vibrio sp. Đó là sử dụng chế phẩm vi sinh (EM, Rhodobacteria sp.,...), làm tăng sinh khối vi khuẩn có lợi trong môi trường nước nuôi trước mỗi vụ thả nuôi và định kỳ trong thời gian nuôi, ức chế nhóm vi khuẩn Vibrio sp. phát triển trong môi trường.
Trong khi đó, để tránh cua khỏe bị nhiễm ký sinh trùng P.conformis qua ấu trùng Epicardium (ấu trùng của P.conformis) sống tự do trong môi trường nước, trước tiên phải tiêu diệt nguồn ấu trùng Epicardium hoặc hạn chế tối đa cua khỏe tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
Cua bệnh và ấu trùng Epicardium. Ảnh: NNC
Kết quả thử nghiệm cho thấy, ấu trùng Epicardium có khả năng thích ứng ở nồng độ muối > 16‰. Tỉ lệ sống của ấu trùng từ 40,7 - 89,3% theo độ mặn tăng dần từ 16 - 38‰ sau 24 giờ. Tỉ lệ sống của ấu trùng cao nhất là ở độ mặn 28‰ và ấu trùng chết 100% khi độ mặn giảm dưới 16‰. Trong thời điểm tháng Hai - tháng Sáu dương lịch, khi môi trường nước có độ mặn từ 17 - 31‰, ký sinh trùng P. conformis hiện diện từ 60 - 80% trong mẫu cua nuôi. Vì vậy, nhóm khuyến cáo người nuôi cua không thả giống mới vào thời điểm này.
Ngoài ra, sản phẩm BKC (hợp chất hữu cơ dùng để diệt các loại vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật trong nước ao nuôi thủy sản) 1ppm và KST (chế phẩm diệt ấu trùng) 1ppm, cũng diệt được trên 50% ấu trùng Epicardium trong môi trường nước nuôi trong 30 phút và chết 100% sau 60 phút. Vì vậy, người nuôi có thể sử dụng các sản phẩm KST, BKC định kỳ diệt ký sinh trùng, xử lý nước ao nuôi.
Trong mô hình nuôi quảng canh kết hợp tôm, cá, sò,..., để ngăn chặn cua nuôi nhiễm ký sinh trùng P.conformis, nên thả cua nuôi kích cỡ lớn trong thời gian dự đoán có ấu trùng Epicardium (nước có độ mặn cao trên 17‰ từ tháng Hai - Sáu dương lịch). Bên cạnh đó, cần thu hoạch toàn bộ cua nuôi trong 5-6 tháng thả nuôi. Nếu cua chưa đạt chất lượng thì nuôi vỗ cua trong ao đất, tách biệt với vuông nuôi.
Đối với nấm Fusarium sp., cần duy trì chất lượng nước và sử dụng các chế phẩm vi sinh (EM, Rhodobacteria sp.,...) làm tăng sinh khối vi khuẩn có lợi trong môi trường nước nuôi, hạn chế nấm phát triển.
Đề tài đã được Sở KH&CN Cà Mau nghiệm thu, kết quả đạt.
Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)