Việc hiểu nhầm giáo dục STEM là giáo dục kỹ năng sống có thể gây khó khăn cho công cuộc triển khai giáo dục STEM ở nhiều địa phương - theo ThS. Nguyễn Trung Kiên, người đang làm đề tài nghiên cứu sinh về quản lý giáo dục STEM theo tiếp cận tham gia.
Phóng viên: Chúng tôi được nghe một số chuyên gia phản ảnh rằng: hiện nay, có rất nhiều phụ huynh, thậm chí cả cán bộ quản lý và giáo viên, vẫn còn nhầm tưởng giáo dục STEM là giáo dục kỹ năng sống, theo anh nguyên nhân do đâu?
Th.S Nguyễn Trung Kiên: Sự nhầm lẫn giữa giáo dục STEM và giáo dục kỹ năng sống bắt nguồn từ những điểm tương đồng trong mục tiêu đào tạo của cả hai mô hình. Cả hai đều hướng đến việc trang bị cho học sinh tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo – những năng lực quan trọng giúp học sinh thích nghi và phát triển trong một xã hội không ngừng biến đổi.
Thực tế, dù cùng rèn luyện những kỹ năng cốt lõi này, nhưng STEM tập trung vào việc ứng dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào thực tế cuộc sống; trong khi giáo dục kỹ năng sống nhấn mạnh vào sự phát triển cá nhân và khả năng thích ứng, hòa nhập với môi trường xã hội. Chính sự giao thoa này đã khiến nhiều người chưa thể phân biệt rõ hai mô hình giáo dục, dẫn đến cách hiểu chưa chính xác về vai trò và ý nghĩa của STEM trong hệ thống giáo dục hiện đại.
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là cách triển khai giáo dục STEM tại các trường học. Do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu dẫn đến nhiều đơn vị đã lựa chọn triển khai STEM theo hình thức liên kết ngoài giờ chính khóa có thu phí. Điều này làm cho phụ huynh có cảm giác rằng STEM chỉ là một chương trình bổ trợ giống như giáo dục kỹ năng sống, thay vì là một mô hình giáo dục mới, hiện đại, hiệu quả trong định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vậy sự khác biệt cơ bản giữa giáo dục STEM và giáo dục về kỹ năng sống là gì?
Mặc dù có một số điểm chung về việc phát triển kỹ năng cho học sinh, giáo dục STEM và giáo dục kỹ năng sống có sự khác biệt rõ ràng về mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy.
Về mục tiêu, giáo dục kỹ năng sống tập trung vào việc giúp học sinh phát triển các kỹ năng cần thiết để thích nghi với cuộc sống, bao gồm kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm, xử lý xung đột và kiểm soát cảm xúc. Trong khi đó, giáo dục STEM không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng mềm, mà còn trang bị kiến thức chuyên sâu về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Mục tiêu của STEM là giúp học sinh có khả năng ứng dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tế và chuẩn bị cho những ngành nghề liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo sau này.
Về nội dung giảng dạy, giáo dục kỹ năng sống chủ yếu tập trung vào các bài học liên quan đến tâm lý, giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý cảm xúc và thích nghi với xã hội. Trong khi giáo dục STEM tích hợp các kiến thức khoa học tự nhiên, công nghệ số, kỹ thuật và toán học. Học sinh không chỉ học lý thuyết mà còn thực hành, thí nghiệm, lập trình, chế tạo sản phẩm và ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Về phương pháp giảng dạy, giáo dục kỹ năng sống chủ yếu sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, trò chơi mô phỏng, đóng vai, giúp học sinh hình thành thói quen tư duy và phản xạ trong các tình huống xã hội. Giáo dục STEM áp dụng phương pháp học tập qua dự án (Project-Based Learning), học tập theo vấn đề (Problem-Based Learning), khuyến khích học sinh tự tìm hiểu, khám phá, thực hành và sáng tạo.
Tôi xin nêu một ví dụ thực tiễn để so sánh: Cùng là việc dạy học sinh quản lý thời gian hiệu quả, lớp kỹ năng sống sẽ dạy học sinh bằng cách đặt mục tiêu cá nhân, lập kế hoạch cá nhân, chia nhỏ nhiệm vụ để thực hiện… Trong khi đó, ở lớp STEM, giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm việc nhóm để thiết kế và lập trình một ứng dụng quản lý thời gian trên máy tính hoặc điện thoại. Quá trình này giúp học sinh không chỉ được rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch, làm việc nhóm, mà còn phát triển tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề, ứng dụng khoa học và công nghệ để tạo ra giải pháp thực tế, giúp việc quản lý thời gian trở nên hiệu quả hơn.
Theo anh, việc nhầm tưởng giáo dục STEM là giáo dục kỹ năng sống có thể dẫn đến những hệ lụy như thế nào?
Do nhầm lẫn giáo dục STEM là giáo dục kỹ năng sống kiểu mới nên nhiều phụ huynh cảm thấy không cần thiết phải đầu tư cho con em mình tham gia các lớp học này. Họ cho rằng STEM không khác gì các khóa học kỹ năng sống trước đây và không mang lại lợi ích rõ ràng trong việc nâng cao kiến thức, năng lực của học sinh.
Một vấn đề cốt lõi nữa: do chưa có chiến lược phát triển đồng bộ, nhiều trường học không thể tự triển khai chương trình STEM một cách bài bản mà phải hợp tác với các tổ chức bên ngoài. Những chương trình liên kết này có thu phí, tương tự như các chương trình kỹ năng sống. Điều này khiến phụ huynh có cái nhìn thiếu thiện cảm, cho rằng đây chỉ là một hoạt động kinh doanh, một gánh nặng tài chính hơn là một mô hình giáo dục quan trọng nhất. Hậu quả là giáo dục STEM có tiềm năng lớn trong việc trang bị năng lực và phẩm chất cho học sinh, nhưng lại không nhận được sự quan tâm và ủng hộ tương xứng từ phụ huynh.
Bên cạnh đó, việc giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về giảng dạy STEM là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng giáo dục STEM trong trường học. Nhiều giáo viên vẫn giảng dạy theo cách truyền thống, tập trung vào từng môn học riêng lẻ thay vì tích hợp liên môn, chưa được tiếp cận với phương pháp giảng dạy dựa trên thực hành, thí nghiệm và học tập qua dự án. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc thiết kế bài giảng có tính ứng dụng cao, đúng với tinh thần của STEM. Sự thiếu hụt này khiến việc dạy STEM trở nên rời rạc, thiếu tính thực tiễn và không thu hút học sinh. Đồng thời, hạn chế về tài liệu giảng dạy, thiết bị thí nghiệm và phòng thực hành cũng làm giảm hiệu quả triển khai STEM trong các trường phổ thông công lập.
Từ góc nhìn của người nghiên cứu quản lý giáo dục STEM, anh có thể cho biết ngành giáo dục các cấp có thể làm gì để giải quyết những thách thức nêu trên?
Theo tôi, để giải quyết được thách thức này, có ba việc chính cần thực hiện.
Đầu tiên, cần đẩy mạnh truyền thông về giáo dục STEM để phụ huynh và giáo viên hiểu rõ sự khác biệt giữa mô hình này và giáo dục kỹ năng sống. Các phương tiện truyền thông, trường học và cơ quan giáo dục cần phối hợp để phổ biến kiến thức về chương trình STEM, nhấn mạnh vai trò của nó trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, các cơ quan quản lý cần xây dựng chiến lược phát triển giáo dục STEM có trọng tâm, trọng điểm; việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ giáo viên có chuyên môn sâu là điều cần thiết để STEM được triển khai chính quy hiệu quả trong các trường phổ thông.
Cuối cùng, việc triển khai giáo dục STEM cần có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp và tổ chức uy tín. Điều này bảo đảm rằng chương trình STEM không bị lẫn lộn với các hoạt động giáo dục kỹ năng sống thông thường mà tạo ra giá trị thực sự cho tương lai của học sinh.
Thông qua giáo dục STEM, ngành giáo dục sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nắm bắt công nghệ hiện đại; có tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, góp phần xây dựng đất nước phát triển, cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu và sẵn sàng đối mặt với các thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Xin cảm ơn anh!
Bài đăng KH&PT số 1337 (số 13/2025)