Hệ thống tưới nhỏ giọt khuếch tán dưới mặt đất được ứng dụng thử nghiệm cho vườn sầu riêng ở Tiền Giang, giúp tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng.

Sầu riêng là cây trồng chủ lực của tỉnh Tiền Giang với diện tích gần 15 ngàn ha, chiếm 18,6% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh và đem lại giá trị kinh tế cao. Trước đây, vùng trồng sầu riêng ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, ngay cả trong mùa khô. Tuy nhiên, những năm gần đây, độ mặn tăng cao đột biến và kéo dài đã gây thiệt hại lớn cho sầu riêng. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cây trồng qua các triệu chứng như cháy lá, vàng lá, rụng lá, rụng hoa, rụng trái, làm giảm sinh trưởng và năng suất.

Khảo sát cho thấy, hầu hết người dân trồng sầu riêng tại huyện Cai Lậy sử dụng phổ biến phương pháp tưới phun mưa dưới gốc. Phương pháp này giúp tiết kiệm 38-46% lượng nước so với tưới truyền thống (tưới tràn thủ công), tuy nhiên vẫn tiêu tốn 400-600 lít nước/lần tưới, cao hơn nhu cầu thực tế của cây sầu riêng. Khi xảy ra xâm nhập mặn, nguồn nước ngọt khan hiếm, khó đảm bảo đủ nước tưới trong mùa khô.

Hệ thống tưới nhỏ giọt khuếch tán dưới mặt đất là một kỹ thuật tưới mới, bắt nguồn từ Israel. Đây là phiên bản cải tiến của tưới nhỏ giọt truyền thống (ống tưới trên mặt đất, gần gốc cây). Kỹ thuật này cung cấp nước trực tiếp vào vùng rễ của cây trồng, thông qua các ống nhỏ giọt chôn dưới đất, giúp tăng khả năng thẩm thấu và lưu trữ nước trong đất, đặc biệt trong vùng rễ cây. Bộ khuếch tán được lắp đặt ở độ sâu 30-50 cm trước khi trồng cây, hoặc đặt trên mặt đất, ngay rìa tán lá nếu lắp đặt sau khi trồng. Do rễ cây thường lan rộng ra ngoài thay vì tập trung sát gốc, nên tưới ở mép tán lá giúp nước thấm vào vùng rễ hiệu quả hơn.

Nguyên lý tưới là dẫn nước bằng ống chuyên dụng và tưới trực tiếp vào gốc cây, giảm thất thoát nước do thẩm thấu và bay hơi. Phương pháp này giúp tiết kiệm từ 50 - 70% lượng nước so với tưới truyền thống, được đánh giá là hiệu quả và tiết kiệm nhất trong các hệ thống tưới hiện nay.

Mô hình sầu riêng thử nghiệm tưới tiết kiệm nước. Ảnh: NNC

Nhằm thích ứng với xâm nhập mặn cho vườn sầu riêng tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), nhóm tác giả Trường Đại học Tiền Giang đã nghiên cứu giải pháp tưới tiết kiệm nước bằng cách áp dụng tưới nhỏ giọt khuếch tán.

Thử nghiệm được tiến hành trên vườn sầu riêng giống Dona, 20 năm tuổi. Trong đó, vườn mô hình áp dụng tưới nhỏ giọt khuếch tán với mức 64-96 lít/cây/ngày. Vườn đối chứng sử dụng tưới phun mưa vào gốc với 120 lít/cây/ngày. Bộ tưới khuếch tán có đầu tưới cung cấp 4 lít nước/15 phút, chôn cách mặt đất 0,1 m và cách gốc 1,2 m. Mỗi cây lắp bốn bộ tưới khuếch tán. Lượng nước và thời gian tưới được điều chỉnh qua bộ điều khiển máy bơm.

Kết quả áp dụng hệ thống tưới khuếch tán dưới mặt đất với mức tưới 96 lít/cây/ngày (giảm 20% lượng nước so với vườn đối chứng) trong hai mùa khô (2021-2022 và 2022-2023) cho thấy, độ ẩm đất giữa vườn mô hình và đối chứng không có sự chênh lệch đáng kể, dao động trong khoảng 70-80%. Cây ở vườn mô hình phát triển chậm hơn, với số chồi non, chiều dài chồi chính và chiều dài chồi phụ đều thấp hơn so với vườn đối chứng. Tuy nhiên, kích thước lá (cả chiều dài và chiều rộng) ở vườn mô hình lại lớn hơn so với vườn đối chứng. Tổng số quả trên cây ở vườn mô hình đạt 24,8 quả/cây, năng suất 98,61 kg/cây, cao hơn so với đối chứng (16,05 quả/cây và năng suất 61,23 kg/cây). Như vậy, mặc dù sử dụng ít nước hơn, hệ thống tưới nhỏ giọt khuếch tán giúp tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sầu riêng.

Bộ khuếch tán sử dụng tưới sầu riêng. Ảnh: NNC

Qua thử nghiệm, nhóm đưa ra giải pháp tưới nước thích ứng với xâm nhập mặn cho vườn sầu riêng là kết hợp hệ thống trữ nước (vét mương, đào ao) và tưới nhỏ giọt khuếch tán dưới mặt đất với mức tưới 96 lít/cây/ngày khi xâm nhập mặn xảy ra.

Theo nhóm nghiên cứu, có thể tích hợp hệ thống tưới nhỏ giọt khuếch tán với hệ thống tưới phun mưa sẵn có tại các nông hộ để thích ứng lâu dài với điều kiện xâm nhập mặn.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí KH&CN Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, số 5/2024.

Nguồn: